Học tập đạo đức HCM

Du lịch miệt vườn - Thêm lối cho nông thôn

Thứ sáu - 02/03/2018 09:55
Gần đây, nhiều nông dân ở ĐBSCL đã mạnh dạn đầu tư làm “du lịch nông nghiệp”, bằng chính những sản phẩm thế mạnh của địa phương mình. Phát triển chưa lâu nhưng “du lịch miệt vườn” đã mở ra hướng đi nhiều triển vọng, tạo thêm động lực cho Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tín hiệu khởi sắc

Những ngày gần Tết Mậu Tuất 2018, ở “vương quốc quýt hồng” Lai Vung (Đồng Tháp), không khí vụ mùa diễn ra nhộn nhịp. Ông Hồ Thanh Phương, Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, khoe rằng: Quýt hồng là loại trái cây thế mạnh của địa phương. Cùng với việc cung ứng sản lượng mỗi năm khoảng 30.000 tấn quýt cho thị trường Tết, thì vài năm gần đây, nhiều nhà vườn còn phát triển thêm mô hình du lịch vườn quýt hồng.
 
Mô hình này thu hút rất đông du khách xa gần, nhất là khách từ TPHCM đến tham quan vườn, chụp ảnh, thưởng thức quýt ngay tại vườn. 
 
Một trong những nông dân tiên phong làm “du lịch nông nghiệp” theo dạng này là ông Nguyễn Văn Tường, chủ điểm tham quan vườn quýt Út Tường, ở tỉnh lộ 851, xã Tân Thành (huyện Lai Vung). Ông Tường tâm sự: “Gia đình có hơn 1ha quýt hồng, mỗi năm thu hoạch khoảng 40-50 tấn trái.
 
Gần đây tôi nảy sinh ý định “mở điểm du lịch vườn trái cây”, vừa để giới thiệu, quảng bá thương hiệu quýt hồng đặc sản, vừa giảm áp lực tiêu thụ khi vào vụ cao điểm; đồng thời tăng thêm thu nhập cho gia đình…”. Trong dịp Tết Nguyên đán 2016, Út Tường chính thức mở cửa đón khách du lịch xa gần, với giá vé 50.000 đồng/người lớn và 25.000 đồng/trẻ em. 
 
Sau khi điểm vườn du lịch Út Tường thu hút nhiều khách, một số nông dân ở Lai Vung cũng được huyện khuyến khích làm du lịch nông nghiệp như: điểm vườn du lịch Tư Ràng, điểm vườn Phương Nghi… Mô hình này thu hút không chỉ người trẻ mà còn cả những lão nông, như cụ ông Lê Văn Thành gần 90 tuổi ở xứ cồn Tân Thuận Đông (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).
 
Ông Thành kể, năm 2016, khi nghe địa phương khuyến khích nông dân làm du lịch, ông tiên phong “đăng ký”. Ông và anh Lê Thanh Tâm, là con trai út, thiết kế lại khu vườn trái cây đặc sản rộng 3ha (chủ yếu là xoài Cao Lãnh, khá nổi tiếng) của gia đình để xây dựng các mô hình như ao cá, giàn bầu, khu tham quan vườn cây, khu nghỉ ngơi sinh thái, bơi xuồng khám phá, thưởng thức trái cây sạch, phục vụ các món cá đồng, các loại bánh dân gian…
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours, Đồng Tháp đã làm một cuộc cách mạng về du lịch khi lượng du khách về đây tăng liên tục (năm 2013 đón 1,7 triệu lượt, đến 2016 tăng vọt lên 2,5 triệu lượt, năm 2017 hơn 2,7 triệu lượt). Sự năng động, quyết tâm từ lãnh đạo tỉnh đến những cán bộ, người dân; sự cộng hưởng hết mình của các chuyên gia đã đưa du lịch đất sen hồng này tăng tốc.

Với cách làm “chân quê” như vậy, mỗi ngày điểm du lịch của ông Thành đón cả trăm du khách trong và ngoài nước. Ông Phan Văn Thương, Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh nhìn nhận: “Chính quyền cũng bất ngờ trước sự nhạy bén của ông Thành về cách làm du lịch vườn bình dị, hoang sơ mà gần gũi…Có thể nói, ông Thành là người truyền cảm hứng, tạo sự tự tin cho nhiều nông dân khác mạnh dạn làm du lịch vườn nhằm giới thiệu những sản phẩm đặc thù của địa phương”. 

 
Động lực cho nông thôn mới
 
Mô hình nông dân làm du lịch phát triển khá rầm rộ tại huyện Phong Điền (TP Cần Thơ). Ông Trần Văn Liền, chủ vườn trái cây Vàm Xáng (thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) cho biết:
 
“Cách nay hơn 3 năm, khi huyện Phong Điền tập trung phát triển du lịch xanh, du lịch miệt vườn… tôi cũng làm theo. Với 3 ha vườn, tôi trồng 40-50 loại trái cây (trong đó có dâu Hạ Châu, đặc sản của Phong Điền) nhằm đảm bảo mùa nào cũng có trái cây cho khách thưởng thức. Tôi còn đầu tư làm bờ mương, cầu đi bộ, xây phòng nghỉ… nhằm tạo không gian nông thôn, vùng sông nước thơ mộng.
 
Ngoài tham quan thưởng thức trái cây, tôi còn tổ chức cho khách đi tát mương, dỡ chà, quăng chài bắt cá… khiến du khách, nhất là khách quốc tế vô cùng thích thú. 
 
Còn ông Lâm Thế Cương, ngụ xã Mỹ Khánh (huyện Phong Điền) thì dựng những căn nhà nhỏ trong khu vườn ca cao nhiều năm tuổi rộng hơn 1,2 ha để phục vụ du khách có nhu cầu nghỉ đêm.
 
Ông cũng phối hợp với khoảng 50 công ty lữ hành đưa khách tới vườn để “được làm nông dân”; được tự tay biến hạt ca cao thành sô cô la, bột ca cao, rượu ca cao... sau đó thưởng thức các sản phẩm do chính mình làm ra. Đồng thời, khách còn được phục vụ các loại bánh dân gian, ăn món miệt đồng…
 
Ông Lâm Thế Cương giới thiệu trái ca cao với du khách đến thăm mô hình homestay vườn ca cao Mười Cương (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền). Ảnh: NTV
Ông Lâm Thế Cương giới thiệu trái ca cao với du khách đến thăm mô hình homestay vườn ca cao Mười Cương (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền). Ảnh: NTV
 
Năm 2012, xã Mỹ Khánh triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó lồng ghép du lịch nhằm tạo thêm động lực phát triển kinh tế. Thế là gia đình ông tình nguyện “tiên phong” thực hiện mô hình du lịch cộng đồng để thu hút nhiều hộ khác cùng làm theo. Sau khi Mỹ Khánh được chọn “làm xã điểm” xây dựng nông thôn mới, thì có thêm 17 hộ dân ở ấp Mỹ Long cùng tham gia làm du lịch homestay.
 
17 hộ dân này được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ mỗi hộ 30 triệu đồng cải tạo vườn tạp, xây dựng các điểm dừng chân... Nhờ đó, đường làng sạch sẽ, có nhiều tuyến đường tre trúc giao nhau xanh rì, được gắn bảng “Đường sinh thái” rất thích hợp du lịch bằng xe đạp. Hoàn thiện các đoạn kênh, rạch hữu tình thuận lợi tổ chức tour bằng đường sông.
 
Cây ăn trái ở đây cũng đa dạng gồm dâu Hạ Châu, dâu xanh, dâu Tàu, xoài, bưởi, vú sữa, chôm chôm, dừa, cùng nhiều loại thủy sản nước ngọt.
 
Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Sử, hồ hởi: “Huyện có hơn 6.000ha vườn cây có giá trị cao, là “điểm nhấn” để phát triển du lịch. Từ khi được chọn thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới, Phong Điền đã có nhiều thay đổi tích cực. Theo đó, nhiều chương trình đầu tư được lồng ghép nhằm đẩy nhanh tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng, đê bao chống lũ bảo vệ vườn cây; hỗ trợ tích cực các mô hình du lịch nông nghiệp….
 
Đến nay, huyện Phong Điền có 45 điểm du lịch, năm 2017 thu hút hơn 1,1 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tăng 43% so cùng kỳ; doanh thu đạt 216 tỷ đồng. Tháng 5-2016, Phong Điền là huyện đầu tiên ở Cần Thơ và là huyện thứ 2 ở khu vực ĐBSCL được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 
 
Ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Đồng Tháp cho biết du lịch Đồng Tháp tập trung cho loại hình sinh thái, nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường, tạo nét đặc sắc riêng. Đồng Tháp xây dựng mô hình du lịch trách nhiệm gắn với cộng đồng, phát triển bền vững, hoàn thiện chương trình nông thôn mới.
 
Đồng Tháp hướng tới mục tiêu là một trong những tỉnh đứng đầu về du lịch ở Tây Nam bộ trong 10 năm tới. Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, đất sen hồng làm du lịch không chỉ để phát triển kinh tế, mà còn là niềm tự hào của quê hương, xứ sở… Vì vậy, mỗi nông dân miệt vườn khi thay đổi tư duy và cùng làm du lịch, cùng sản xuất theo hướng hiện đại và chung tay xây dựng nông thôn mới… thì tỉnh rất ủng hộ.
 
Huỳnh Phước Lợi/nongthonviet.com
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Quyết định số 149/QĐ-BCĐ

Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025

Thông báo 420/TB-UBND

Kết luận của Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tại Hội nghị đánh giá công tác xây dựng NTM 8 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2023

Văn bản số 4802/UBND-NL5

Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập330
  • Hôm nay31,761
  • Tháng hiện tại235,149
  • Tổng lượt truy cập85,142,185
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây