Duyên Thái là một trong những xã lớn, đông dân, thuần nông của huyện Thường Tín. Với đặc thù ruộng đất chia vùng rõ rệt, cấp ủy Đảng và chính quyền nơi đây đã xây dựng chiến lược đưa cây, con phù hợp địa hình từng vùng vào canh tác để nâng cao giá trị đất đai. Đến nay, vùng trồng lúa và các mô hình trang trại; vùng bãi ven sông Hồng trồng rau, màu đã hình thành rõ nét và từng bước phát huy tác dụng.
Với hàng chục trang trại, vườn trại lớn nhỏ, xã Duyên Thái được đánh giá là vùng chăn nuôi lớn với 70% số hộ dân trong xã tham gia, nhà ít cũng có vài trăm con ngan, gà, vịt; nhà nhiều có đến hàng nghìn con. Những năm qua, người chăn nuôi đã mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật đầu tư chuồng trại và phòng dịch tốt, chăn nuôi có lãi. Bên cạnh đó, xã còn có nhiều đầm hồ, diện tích mặt nước lớn (khoảng 100 ha), đang giao cho các hộ gia đình thầu khoán làm mô hình trang trại. Ông Nguyễn Văn Vinh, chủ một trang trại lớn trên địa bàn huyện cho biết, khu trang trại của gia đình ông có diện tích hai ha đang nuôi 3.000 con vịt và hơn 100 con lợn. Mô hình VAC của anh Đinh Quang Khải, thôn Duyên Trường chăn nuôi tập trung quy mô hơn 2.000 con vịt, thả nuôi cá và trồng rau màu cũng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Điều đáng mừng ở xã Duyên Thái là người dân có ý thức tự giác rất cao trong việc xây dựng, kiến thiết quê hương. Thông qua việc dồn đổi ruộng đất, xã còn vận động nhân dân hiến đất mở đường giao thông nhằm phục vụ việc vận chuyển hàng hóa và nhu cầu đi lại của bà con. Nhiều năm qua, người dân đã tự nguyện đóng góp hàng tỷ đồng xã hội hóa xây dựng hạ tầng nông thôn, đến nay, cơ bản đạt theo tiêu chí. Bên cạnh đó, xã Duyên Thái còn tích cực vận động nhân dân dồn điền đổi thửa phục vụ công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến tháng 9-2013, cơ bản xã đã đạt được 12/19 tiêu chí.
Không chỉ có vậy, lãnh đạo xã cũng phối hợp huyện Thường Tín tích cực giúp đỡ và ủng hộ người dân tại xã Duyên Thái nói riêng và các xã khác trên địa bàn huyện Thường Tín nói chung cơ sở vật chất cũng như hỗ trợ sản xuất. Trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục tổ chức mô hình sản xuất phù hợp điều kiện, thế mạnh của địa phương, gắn kết sản xuất với thị trường tiêu thụ, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác. Lãnh đạo xã cũng hướng dẫn bà con, hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật, mô hình chăn nuôi vào việc phát triển vườn trại.
Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của thành phố cho chương trình cơ giới hóa nông nghiệp, huyện Thường Tín còn dành một nguồn kinh phí hỗ trợ cho các xã, thị trấn mua máy làm đất, máy cấy, máy gặt đập liên hợp... Theo đó, nguồn vốn hỗ trợ cơ giới hóa được cấp vào ngân sách của từng xã để tăng trách nhiệm trong việc quản lý vốn, thời gian vay vốn trong vòng 36 tháng. Để tạo đà cho các vùng sản xuất hàng hóa, huyện Thường Tín chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, đến nay, toàn huyện đã dồn đổi được 3.956 ha.
Phát triển mạnh mẽ nền nông nghiệp kết hợp với việc phát triển làng nghề truyền thống cũng góp phần đưa kinh tế của xã phát triển. Bên cạnh đó là thách thức làm sao bảo vệ bền vững các tiêu chí đã đạt được, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Hoàng Dung
Nguồn: nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;