Học tập đạo đức HCM

Gập ghềnh đồng vốn 67 (Kỳ I)

Thứ năm - 14/12/2017 04:34
Hiện nay, tại nhiều địa phương, ý thức của một số ngư dân trong việc trả lãi, trả nợ phân kỳ còn hạn chế, thiếu hợp tác, chưa chấp hành đúng yêu cầu về trả nợ theo quy định đang trở thành rào cản lớn đối với ngân hàng trong việc thu hồi vốn.

Kỳ I : Nỗ lực hiện thực hóa “ước mơ tàu 67”

Vốn 67: Có vay, có trả

Trong không khí đặc quánh vị bão biển quyện lẫn mùi vị đặc trưng của làng nghề nước mắm truyền thống của huyện ven biển Tĩnh Gia báo hiệu sự dữ dội của cơn bão số 10 sắp đổ bộ miền Trung, chúng tôi theo chân những cán bộ tín dụng của Agribank Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến nhà của ngư dân Nguyễn Văn Thân ở thôn Trường Hải, xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia. Gặp được chủ tàu không dễ, vì tránh bão nên tàu thuyền đánh bắt xa bờ mới trở về neo đậu cho an toàn, còn không thời gian này họ thường xuyên ra khơi, bám biển.

Thanh Hóa là tỉnh cho vay theo NĐ 67 lớn nhất trong toàn hệ thống Agribank

Đứng trước cơ ngơi khang trang, đầy đủ tiện nghi của ông Thân, chúng tôi không khỏi thán phục sự vươn lên làm giàu chính đáng của người đàn ông miền biển đã mấy chục năm gắn thân với nghề đánh bắt xa bờ. Là khách hàng lâu năm của Agribank Nghi Sơn, trong chương trình cho vay theo NĐ 67, ông Thân là đối tượng được vay vốn đóng tàu vỏ gỗ công suất 800CV với trị giá 13 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng 9 tỷ đồng và tháng 12/2016 con tàu đã ra khơi. 

Đến nay tàu đã ra khơi được 9 chuyến, ông Thân không khỏi vui mừng khoe với chúng tôi: “Đều đặn hàng kỳ, tôi đều trả nợ được gốc lãi trước hạn đầy đủ cho ngân hàng, mấy hôm trước vừa mới trả 580 triệu đồng”. Ông Thân cho biết gia đình thuộc diện lao động lớn nhất tỉnh Thanh Hóa với 9 bố con cùng tham gia đánh bắt xa bờ. Sản lượng đánh bắt được sau mỗi chuyến đi biển đều có mối thu mua với giá cao nên kinh tế của gia đình ông tương đối khấm khá và ổn định.

Bản thân ông Thân cũng là tổ trưởng tổ đội gồm 8 tàu đánh bắt xa bờ khác, do đó việc giám sát và cùng hỗ trợ nhau giữa các chủ tàu trong các chuyến đi biển dài ngày và tiêu thụ sản phẩm đánh bắt hết sức thuận lợi. Chia sẻ với chúng tôi, ông Thân cho biết bản thân ông và gia đình vốn có nghề truyền thống từ xưa nên chính quyền địa phương và Agribank đều tin tưởng và tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay, vì vậy, gia đình rất yên tâm sinh sống với nghề đánh bắt truyền thống để mang lại nguồn lợi lớn cho gia đình. 

Cũng giống với ngư dân Nguyễn Văn Thân, tại thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa), 2 tàu cá của ông Viên Đình Hiền và Viên Đình Sỹ được đóng và đưa vào sử dụng trong năm 2016, nhìn chung hoạt động ổn định và mang lại hiệu quả, đến hạn trả nợ phân kỳ cho mỗi tàu cá là 780 triệu đồng, các chủ tàu đã trích nguồn thu nhập từ việc khai thác hải sản để trả nợ đầy đủ cả gốc và lãi.

Ngoài ra các chủ tàu đã chủ động thực hiện tốt các quy định về đăng ký đăng kiểm và mua bảo hiểm theo quy định. Đặc biệt tàu cá của chủ tàu Nguyễn Văn Đệ cũng ở thị xã Sầm Sơn sau 1 năm đi vào sử dụng đã khai thác hải sản có hiệu quả, chi phí ít nên hiện nay tiết kiệm được một phần nguồn vốn đối ứng đặt cọc để mua thêm 1 tàu cá lưới rê để hỗ trợ nhau trong việc khai thác hải sản, giảm chi phí và hạn chế sự cố khi khai thác trên biển.

Hiện nay, Thanh Hóa là tỉnh cho vay theo NĐ 67 lớn nhất trong toàn hệ thống Agribank với tổng dư nợ là 258.059 triệu đồng chiếm trên 7% tổng dư nợ Agribank cho vay theo NĐ 67 trên toàn quốc, chiếm 46% tổng dư nợ cho vay theo NĐ 67 của các TCTD trên địa bàn tỉnh.

Tuy vậy, những ngư dân kể trên không phải là nhiều trong số khách hàng thuộc diện vay theo NĐ 67 tại Thanh Hóa. Có một thực tế đang diễn ra tại Thanh Hóa và các địa phương triển khai cho vay theo NĐ 67 là một bộ phận ngư dân có nhận thức, tư tưởng cho rằng chương trình cho vay đóng tàu theo NĐ 67 của Chính phủ là chính sách tài trợ không hoàn lại, do đó ngư dân không chú trọng đến tính hiệu quả của dự án mà tìm mọi cách để vay được vốn theo chương trình này, gây sức ép cho ngân hàng trong việc thẩm định cho vay.

Hơn nữa, chính tâm lý “làm được thì làm, không làm được thì giao tàu lại cho ngân hàng. Ngân hàng nhận tàu, coi như ngư dân không còn nợ…” trong một bộ phận ngư dân đã tiềm ẩn nguy cơ rủi ro rất lớn cho sự an toàn vốn của ngân hàng.

Hiện thực hóa chính sách: khó chồng khó

Agribank triển khai chương trình tín dụng theo NĐ 67 tới nay đã hơn 3 năm. Theo quy định của chương trình, người vay vốn chỉ có trách nhiệm trả lãi cho ngân hàng một phần, phần còn lại do ngân sách hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện nay Agribank vẫn đang chờ số tiền cấp bù lãi suất lên đến gần 100 tỷ đồng tính riêng cho chương trình NĐ 67. Với mức lãi suất cho vay quy định là 7%/năm, thời hạn cho vay từ 11-16 năm, nếu Agribank thu hồi được đầy đủ toàn bộ dư nợ gốc, đồng thời được NSNN cấp bù lãi suất kịp thời, thì Agribank cũng chỉ mới duy trì được mức cân bằng so với chi phí huy động vốn đầu vào (kỳ hạn dài) hiện tại là 6,97%/năm.

Hiện nay, tại nhiều địa phương, ý thức của một số ngư dân trong việc trả lãi, trả nợ phân kỳ còn hạn chế, thiếu hợp tác, chưa chấp hành đúng yêu cầu về trả nợ theo quy định đang trở thành rào cản lớn đối với ngân hàng trong việc thu hồi vốn. Cán bộ ngân hàng phải tốn nhiều thời gian công sức để đôn đốc các chủ tàu và gia đình chủ tàu trả nợ nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó giám đốc Agribank Thanh Hóa cho hay, nhiều chủ tàu khi đến kỳ trả nợ nhưng cứ khất lần và nói là lỗ nặng nhưng khi cán bộ tín dụng tìm đến nhà thì không thấy hoặc hỏi đang ở đâu thì họ nói là đang ở trên biển.

Không chỉ riêng ở Thanh Hóa, theo phản ánh từ nhiều địa phương, chủ tàu thường kêu lỗ để trì hoãn việc trả nợ ngân hàng. Ông Phan Đức Tiến - Giám đốc Agribank Nghệ An cho biết: “Đặc thù của nghề biển đánh bắt khắp nơi nên có lúc các chủ tàu thường bán hải sản nơi tàu ở gần tại nhiều cảng ở các tỉnh khác nhau như: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị... và neo đậu tàu tại các cảng lớn ở các tỉnh, điều này gây khó khăn cho ngân hàng trong việc kiểm tra giám sát tài sản đảm bảo tiền vay và nguồn thu nhập của ngư dân để trả nợ ngân hàng”.

Đây là trăn trở không chỉ của người đứng đầu Agribank Nghệ An, chi nhánh ngay từ đầu khi triển khai cho vay theo NĐ 67 đã có những cách thức khá chặt chẽ và bài bản, mà nhiều địa phương khác trên cả nước cũng đều đặt ra vấn đề đối với việc rủi ro trong kiểm soát dòng tiền. Phần lớn người vay khai thác đánh bắt theo hình thức đơn lẻ, các chủ tàu thường bán hải sản ngay trên biển cho các tàu dịch vụ hậu cần hoặc bán tại các cảng thuộc địa phương khác, không thuộc địa bàn của chi nhánh ngân hàng đã cho vay.

Do đó nên khả năng kết nối theo chuỗi giữa hoạt động khai thác - chế biến - tiêu thụ còn rất hạn chế, ngân hàng gần như không thể quản lý được dòng tiền bán hàng của ngư dân sau mỗi chuyến đi biển và vì thế không đánh giá được hiệu quả sau đầu tư và so sánh với phương án thẩm định ban đầu. Việc báo cáo kết quả khai thác của các chủ tàu chưa minh bạch, chưa khách quan. Các chuyến khai thác trên biển nhiều chủ tàu báo cáo với Agribank nơi cho vay là không hiệu quả.

Vì vậy, tại Agribank, hầu hết các khoản nợ phải thực hiện thu nợ theo năm, không thực hiện được hàng quý. Hơn nữa, việc duy trì liên lạc với chủ tàu khó khăn do nhiều chủ tàu đi biển dài ngày, nhiều tàu không lắp đặt hoặc tự ý ngắt thiết bị định vị vệ tinh. Có nhiều trường hợp, ngân hàng liên hệ với các trạm quản lý thông tin gần bờ nhằm xin thông tin, hỗ trợ cho công tác quản lý giám sát của ngân hàng (bởi vì bản thân con tàu chính là tài sản đảm bảo tiền vay tại ngân hàng) nhưng các trạm cũng không liên lạc được với tàu.

(Kỳ II: Cần phải có chế tài đủ mạnh)

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập868
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại762,746
  • Tổng lượt truy cập93,140,410
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây