Để người dân ưa chuộng và yêu thích hàng Việt là một bài toán hóc búa với nhà sản xuất Ảnh: Hoàng Long Vì sao? Đã có một số doanh nghiệp Việt dưới tỉnh lỵ Hà Giang đem hàng lên chợ Phó Bảng với hy vọng mở rộng thị phần và đã thất bại. Người dân Đồng Văn nói chung và vùng chợ Phó Bảng nói riêng đã quá quen với hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc, nổi trội bởi tính hữu dụng, bắt mắt và quan trọng nhất là giá rẻ. Như Sẻo La, quần áo cô mặc, đôi dép cô đi, chiếc mũ cô đội đều là hàng Trung Quốc. Thậm chí cả chiếc khăn người Mông, Sẻo La quàng cũng được thêu từ chỉ… Trung Quốc. Cuộc sống ở đây là vậy, phiên chợ lùi cách biên giới có 3km, ngày qua ngày không có "đất sống” cho hàng Việt. Tại sao? Khác với Phó Bảng, chợ Phong Thổ (Lai Châu) nằm khá sâu so với đường biên khoảng 30km. Hàng hóa ở đây tiếp tục là minh chứng cho việc hàng Việt không nằm trong suy nghĩ của người tiêu dùng, khi tràn ngập vẫn là hàng Trung Quốc, thậm chí cả hàng không có nguồn gốc, xuất xứ. Mấy chai nước mắm Phú Quốc tại cửa hàng Hòa Anh cả tháng nay không tiêu thụ nổi, bởi người dân quanh đây vẫn thích dùng những chai nước mắm có chữ viết loằng ngoằng, khó hiểu. Giá 12.000 đồng một chai 65, đáp ứng nhu cầu chuộng giá "hợp lý” hơn chuộng chất lượng, của không chỉ bà con người dân tộc. Vì sao? Nếu như phiên chợ hàng Việt về huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) năm 2011 được coi là thành công về số lượng người tham dự, với hơn 30 doanh nghiệp Việt về đây quảng bá các sản phẩm của mình, thì chỉ sau đó ít ngày, "tăm hơi” của hàng Việt chẳng còn thấy đâu. Đại diện Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang cho biết, thực chất khi tổ chức gian hàng tại đây chỉ thu hút tính hiếu kỳ của bà con, bán được ít hàng hóa. Sau đó, chẳng có thêm đơn đặt hàng nào. Người dân vẫn bị chi phối bởi hàng Trung Quốc rẻ, hàng nhái. Họ thờ ơ với hàng Việt, dẫu biết rằng mua hàng vừa có thưởng, vừa được chất lượng tốt. Vì sao? Triển khai từ tháng 2-2012, Sở Công thương tỉnh Gia Lai đã làm công văn gửi các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mời tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn năm 2012. Trong đó nêu rõ mục đích của chương trình là đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa phục vụ đồng bào tại các huyện: Krông Pa, Kbang, Kông Chro, Chư Prông. Sau gần 4 tháng gửi công văn, cơ quan chuyên trách của tỉnh chỉ nhận được mấy sự đồng ý của Siêu thị Co.op Mart Pleiku, Siêu thị Phố Núi, VNPT Gia Lai và Viettel Gia Lai. Còn lại là "chào thân ái” với lý do không đủ kinh phí hoặc có đưa hàng lên cũng chẳng có lợi lộc nhiều cho kinh doanh cũng như mở rộng thị phần. Nói cách khác, hàng Việt không có cơ hội tại đây. Vì sao? 4 câu chuyện trên chỉ là những ví dụ rất nhỏ chỉ rõ sự thất thế của hàng Việt tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. 4 câu hỏi cũng là sự thách thức đối với doanh nghiệp, những nhà quản lý, hoạch định chiến lược. Nói như bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, phải chấp nhận thực tế một cách khách quan nhất mới có được hướng giải quyết đắc dụng. Hàng Việt tuy khó có thể tiếp cận thị trường ở những vùng trên nhưng không phải không có cách. Hiện nay, khó khăn lớn nhất để hàng Việt về nông thôn chính là đường sá đi lại khó khăn, sức tiêu thụ kém Ảnh: Hoàng Long Không thể thất thế ở thị trường tiềm năng nhất GS hàng đầu thế giới Mark Kramer, ĐH Harvard, đồng tác giả của học thuyết Tạo lập giá trị chung cộng đồng đã từng đưa ra ví dụ cụ thể về sự chiếm lĩnh thị phần nông thôn thành công của tập đoàn Pepsi tại Trung Quốc. Theo ông, bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể tham gia vào quá trình tạo lập những giá trị chung ở nhiều cấp độ khác nhau, từ việc cung cấp cho xã hội những sản phẩm tốt hơn, với giá cả hợp lý hơn, hay tham gia vào việc quản lý tốt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các thành phần kinh tế tại địa phương. "Đừng nghĩ tham gia chương trình hàng Việt về nông thôn để ủng hộ các nhà tổ chức. Nếu biết cách tìm ra những giá trị chung nhất, doanh nghiệp có thể kiếm bộn tiền tại nông thôn, một thị trường đầy tiềm năng”, GS Mark Kramer nhấn mạnh. Hiện nay, khó khăn lớn nhất để hàng Việt về nông thôn chính là đường sá đi lại khó khăn, sức tiêu thụ kém. Tâm lý đó đã khiến các doanh nghiệp mất đi sự "kiên nhẫn”, chủ yếu muốn có một sự an toàn, tức là có lợi nhuận. Bà Vũ Kim Hạnh cho biết, muốn mở rộng thị phần nông thôn, đồng nghĩa phải đầu tư tốn kém. Nếu ai cũng muốn tìm những thị phần mở, dễ dàng, thì những thị phần "khó” như Phó Bảng, Phong Thổ, Krông Pa… sẽ mãi mãi chỉ có hàng Trung Quốc. "Có những chợ huyện có đến 90% là hàng hóa Trung Quốc và sản phẩm không có nhãn mác. Nếu tại những nơi như vậy, càng cần phải có hàng hóa của Việt Nam để người tiêu dùng có thể lựa chọn và so sánh khách quan theo lợi ích tiêu dùng. Từ đó, doanh nghiệp sẽ xây dựng được mạng lưới phân phối, cạnh tranh để tìm đất sống cho hàng Việt ở nông thôn”, bà Hạnh nói. Gian nan hàng Việt về nông thôn. 7 chữ tuy ít ỏi nhưng là một khối công việc đồ sộ, tiêu tốn nhiều tiền của và thời gian. Doanh nghiệp và các nhà quản lý nếu tiếp tục tổ chức theo kiểu ủng hộ phong trào sẽ chẳng khác gì phiên chợ hàng Việt về huyện Thăng Bình, ồn ào cực nhanh và "im lặng đi” còn nhanh hơn thế. Tuấn Việt Nguồn:daidoanket.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã