“Trong nhiều năm qua, Agribank đã tập trung nguồn lực đầu tư và có đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh nói chung và khu vực nông nghiệp nông thôn nói riêng”. Đó là khẳng định của TS. Nguyễn Ngọc Bảo – Chủ tịch HĐTV Agribank khi trao đổi với Thời báo Ngân hàng.
Ông có thể khái quát đôi nét về hoạt động của Agribank tại TP. Hồ Chí Minh?
TS. Nguyễn Ngọc Bảo |
Tính đến 30/11/2012, Agribank có 180 điểm giao dịch các loại (trong đó có 40 chi nhánh loại I, loại II); chiếm khoảng 11% về thị phần mạng lưới các TCTD trên địa bàn. Với hệ thống chi nhánh và phòng giao dịch rộng khắp, Agribank hiện là ngân hàng duy nhất có khả năng tiếp cận đến tất cả các huyện, xã trên địa bàn thành phố, đặc biệt là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn khó khăn như Củ Chi, Cần Giờ.
Nhờ đó, tổng nguồn vốn huy động của Agribank trên địa bàn đạt gần 84.000 tỷ đồng, tăng gấp 8 lần so với năm 2002; chiếm tỷ trọng 9% tổng nguồn vốn của Agribank và chiếm khoảng 9% tổng nguồn vốn của các TCTD trên địa bàn.
Tổng dư nợ cho vay tại khu vực TP. Hồ Chí Minh đạt 71.191 tỷ đồng, chiếm 15% tổng dư nợ của Agribank; trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 28.854 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 40,5% tổng dư nợ. Các chi nhánh huyện ngoại thành tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn bình quân đạt trên 50%.
Nhiều chi nhánh ngoại thành có tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn cao như: Cần Giờ (99%), Củ Chi (65%), Phước Kiển (66%),…
Chủ trương của TP. Hồ Chí Minh là xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao đi đôi với tiến trình xây dựng nông thôn mới. Với vai trò là ngân hàng tiên phong trên mặt trận tam nông, Agribank đã có những giải pháp gì để trợ giúp cho thành phố?
Trong những năm qua, Agribank đã tập trung cho vay các chương trình của thành phố nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu nông nghiệp. Cụ thể: Cho vay theo Quyết định 419/UB-CNN (từ 5/2/2002 đến 28/2/2006) đạt 510 tỷ đồng (77 dự án) với 8.976 hộ nông dân vay vốn và 9 hộ trang trại; Cho vay Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 105 (giai đoạn 2006-2010) 14.082 hộ vay với số vốn vay là 1.469 tỷ đồng; Cho vay theo Quyết định 36/2011/QĐ-UBND: đã đầu tư cho vay hầu hết các chương trình dự án được duyệt.
Vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 1.427 tỷ đồng với 1.124 dự án của 5.892 hộ sản xuất, qua đó đã góp phần tạo ra khoảng 15.683 việc làm, trong đó có khoảng 2.395 lao động là đối tượng hộ nghèo, với giá trị sản xuất ước đạt 4.200 tỷ đồng.
Đặc biệt, để phù hợp với định hướng kinh doanh và đặc thù trên địa bàn, Agribank đã triển khai thành công gói sản phẩm tín dụng cho các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để thu mua lúa gạo, chế biến lương thực, cà phê, thủy sản... như: Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II), Tổng Công ty nông nghiệp Sài Gòn, Công ty cổ phần bảo vệ thực vật Sài Gòn, Công ty Agrimex, Công ty TNHH lương thực Bình Tây… Riêng đối với Vinafood II, Agribank đã ký kết thỏa thuận cung cấp chùm sản phẩm dịch vụ ngân hàng trọn gói, với gói tín dụng cam kết 3.500 tỷ đồng.
Agribank cũng luôn ưu tiên đầu tư và dẫn đầu các TCTD về cho vay theo Chương trình xây dựng nông thôn mới. Riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Agribank đã triển khai cho vay 40 xã thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới với tổng dư nợ trên 441 tỷ đồng.
Ảnh minh họa
Thế nhưng để xây dựng nông thôn mới, bên cạnh vốn tín dụng, điều mà các DN cũng như người dân nông thôn cũng rất cần là dịch vụ ngân hàng, thưa ông?
Đúng vậy. Agribank rất thấu hiểu vấn đề này nên trong những năm qua, chúng tôi cũng rất chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ (SPDV) ngân hàng phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
Hiện Agribank có gần 200 SPDV các loại, trong đó Agribank đã và đang ưu tiên triển khai cung ứng nhiều SPDV phù hợp với đặc thù trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói chung và địa bàn nông thôn nói riêng như: các sản phẩm tín dụng cho hộ sản xuất, gói SPDV cho thu mua chế biến xuất khẩu lương thực, gói SPDV cho hộ sản xuất (kết hợp tín dụng với phát hành thẻ, thanh toán cước…), thu ngân sách Nhà nước, thẻ, Mobile Banking, Internet Banking, thu hộ học phí, tiền điện, nước...
Vậy định hướng hoạt động của Agribank tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới là gì?
Cuối tuần qua Agribank đã ký kết 7 thỏa thuận hợp tác giữa các chi nhánh Agribank với các DN, hiệp hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh với tổng giá trị của các bản ký kết lên đến 650 tỷ đồng sẽ được đưa vào thực hiện triển khai kế hoạch phát triển nông nghiệp đô thị, hạ tầng nông thôn, tài trợ tín dụng cho DN nhập khẩu vật tư phục vụ phát triển trồng trọt, chăn nuôi… Ngoài ra, Agribank cũng tài trợ hàng chục triệu đồng cho công tác an sinh xã hội khu vực nông thôn, ủng hộ người nghèo trên địa bàn. |
Agribank xác định tiếp tục giữ vững vị thế, phát huy vai trò quan trọng của NHTM Nhà nước hàng đầu tại TP. Hồ Chí Minh, khẳng định vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn tại khu vực này.
Theo đó, chúng tôi tập trung ưu tiên đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn với nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này tăng trưởng hàng năm 15% - 17%. Phấn đấu đến năm 2015, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 50% tổng dư nợ, với cho vay nông nghiệp nông thôn đạt khoảng 40.000 tỷ đồng; riêng đối với các huyện ngoại thành, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm bình quân 65% tổng dư nợ.
Để đạt mục tiêu này, chúng tôi sẽ yêu cầu các chi nhánh của Agribank tại TP. Hồ Chí Minh phải bắt tay vào làm mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ. Thứ nhất, năm 2013 xác định rõ tỷ trọng cho vay “tam nông” trong tổng dư nợ. Thứ hai, bám sát vào định hướng phát triển nông nghiệp của thành phố để xây dựng các chương trình tín dụng phù hợp. Đặc biệt là các chi nhánh trên địa bàn phải cùng chung nhịp thở với hộ sản xuất; phải làm tốt công tác tư vấn cho khách hàng, bảo đảm không để hộ nông dân nào có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả mà thiếu vốn.
Đi đôi với đó, Agribank sẽ thực hiện đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phục vụ nhiều đối tượng khách hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Để đạt được mục tiêu này, ông có đề nghị gì với Cấp ủy, chính quyền TP. Hồ Chí Minh?
Đề nghị Cấp ủy, chính quyền TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các ngành có liên quan tổ chức đánh giá quá trình triển khai thực hiện các chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg về hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, từ đó có những đề xuất tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bên cạnh đó, có cơ chế khuyến khích khu vực nông nghiệp, nông thôn phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực; nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và phương thức sản xuất, đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; tiến tới hình thành các vùng sản xuất tập trung có khối lượng hàng hóa nông sản lớn; đầu tư phát triển cơ giới hóa, công nghệ sau thu hoạch, hệ thống quản lý chất lượng, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm…
Tăng cường hỗ trợ người nông dân, các DN tại địa bàn trong việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, đẩy mạnh liên kết giữa nhà khoa học - nhà DN - nhà nông theo hướng gắn trách nhiệm và quyền lợi.
PV thực hiện
thoibaonganhang.vn