Hà Nội hiện có 152.000 hộ kinh doanh đang hoạt động, tuy nhiên số thuế đóng góp vào tổng thu ngân sách chỉ chiếm chưa đầy 2%. Chính vì thế, Hà Nội đang khuyến khích, vận động những hộ kinh doanh cá thể nâng lên thành doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ kinh doanh cá thể vẫn “ngại” chuyển thành doanh nghiệp.
Có thuận lợi nhưng cũng nhiều khó khăn
Là người từng chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp từ năm 2011, ông Đỗ Hồng Chiêu, Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Dịch vụ thương mại An Huy, Chủ tịch Hội Sơn mài Hạ Thái, Làng nghề Sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) cho biết, từ khi thực hiện chuyển đổi, doanh nghiệp của ông gặp khá nhiều thuận lợi trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là ngành nghề, lĩnh vực sơn mài mà doanh nghiệp ông đang kinh doanh.
“Khi còn là hộ kinh doanh, việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thường mang tính chất nhỏ lẻ, tự phát. Do vậy, việc chuyển đổi thành doanh nghiệp đã giúp quy mô sản xuất lớn hơn, bài bản hơn”, ông Chiêu chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Chiêu cho rằng, ngoài những thuận lợi có được khi chuyển thành doanh nghiệp, vẫn có những khó khăn doanh nghiệp sẽ gặp phải như phải mất nhiều chi phí hơn cho việc thuê nhân công, phải báo cáo các loại sổ sách khác nhau… Trong khi, nếu chỉ là hộ kinh doanh sẽ không cần có những thủ tục và quy trình phức tạp như vậy.
“Thực tế thì ai cũng muốn thành doanh nghiệp để kinh doanh lớn hơn, nhưng mấu chốt là doanh nghiệp phải sống được bằng nghề. Nghề sơn mài đòi hỏi công phu, chia ra nhiều công đoạn, thành một chuỗi sản xuất, có người làm thương mại thì lên được thành doanh nghiệp có người làm sản xuất thì chỉ làm được kiểu hộ kinh doanh”, ông Chiêu nói.
Đó là ý kiến của hộ kinh doanh tại các làng nghề, còn những tiểu thương kinh doanh tại các chợ, hay các cửa hàng thời trang, quần áo,... thì cho rằng, chưa từng nghĩ sẽ đổi quy mô kinh doanh thành doanh nghiệp, bởi vướng về rào cản tâm lý trong khi thu nhập thì chỉ ở mức ổn định.
Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Thu, kinh doanh mặt hàng giầy dép, túi xách trên đường Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, công việc của chị làm đã gần 15 năm, nhưng chưa bao giờ chị dám nghĩ sẽ đổi thành doanh nghiệp bởi “Nếu thành doanh nghiệp thì thủ tục cũng như các loạt quy định sẽ phải áp dụng, rồi các loại thuế doanh nghiệp, chi phí thuê kế toán, phải báo cáo sổ sách,... rất phức tap trong khi mô hình hộ cá thể thì chúng tôi không lo đến chuyện đó”.
Chính vì rào cản tâm lý mà nhiều hộ kinh doanh cá thể chưa dám nghĩ đến việc thành lập doanh nghiệp. Chưa kể, một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện khi chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp phải chuyển đổi giấy phép kinh doanh có điều kiện, như giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận bán lẻ rượu, thuốc lá… Đáng nói là hiện chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể nên chưa khuyến khích sự tự nguyện của hộ kinh doanh.
Cần sự phối hợp đồng bộ, kịp thời từ các sở, ban, ngành
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế kiêm Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp và Kế hoạch số 75/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội về việc phát triển doanh nghiệp trên địa bàn, Cục Thuế Hà Nội đang xây dựng đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2017-2020”.
Mục tiêu của đề án là cung cấp và hỗ trợ kịp thời các thông tin pháp lý, giải đáp các vấn đề liên quan đến chính sách, thủ tục về thuế ban đầu; các dịch vụ hỗ trợ liên quan cho doanh nghiệp mới thành lập; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp.
Thông qua đề án này, cơ quan Thuế sẽ tiến hành thu thập thông tin các vướng mắc liên quan đến chính sách, thủ tục về thuế của các doanh nghiệp mới thành lập, từ đó có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực nhất.
“Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu có thêm 200.000 doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn 2016-2020 theo kế hoạch của UBND TP. Hà Nội và chỉ đạo của Chính phủ, cơ quan Thuế rất cần sự vào cuộc phối hợp đồng bộ, kịp thời từ các tổ chức, các hiệp hội, các sở ban ngành, đặc biệt sự hỗ trợ của đại lý thuế”, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các thủ tục đăng ký kinh doanh, hồ sơ pháp lý, hướng dẫn kê khai thuế, thông báo phát hành hóa đơn, vấn đề quản trị doanh nghiệp, quyết toán thuế, các vướng mắc và sai sót thường gặp khi mới thành lập doanh nghiệp… sẽ được biên soạn, phát hành, đăng tải trên website của Cục Thuế TP. Hà Nội (http://hanoi.gdt.gov.vn) để người nộp thuế có thể tra cứu và dễ dàng thực hiện.
Chuyên mục hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập cũng được mở trên Cổng giao tiếp điện tử TP. Hà Nội (http://hanoi.gov.vn), với các nội dung, tài liệu hướng dẫn quy trình thủ tục thuế, từ việc ghi chép, lưu trữ sổ sách kế toán, chứng từ đến thông báo phát hành hóa đơn, đăng ký mã số thuế, kê khai thuế.
Trước băn khoăn của các hộ kinh doanh về chi phí gia tăng khi trở thành doanh nghiệp, ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, theo quy định hiện nay, việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp chỉ thực hiện tối đa 1 lần/năm; đồng thời doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh được hưởng các ưu đãi như doanh nghiệp khởi nghiệp.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã