Nợ đọng do "bệnh" thành tích…
Tính đến hết quý I-2016, cả nước đã có hơn 1.700 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (NTM). Các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ đạt tỷ lệ cao nhất cả nước với 46,4% số xã về đích trong xây dựng NTM sau 5 năm triển khai. Tỷ lệ này tại đồng bằng sông Hồng là 42,8%, Tây Nguyên là 13,2%, đồng bằng sông Cửu Long là 16,7% và các tỉnh miền núi phía bắc là 8,2%...
Về nguồn vốn thực hiện, trong 5 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, cả nước đã huy động khoảng 851.380 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước là 266.785 tỷ đồng (chiếm 31,34%), vốn tín dụng là 434.950 tỷ đồng (51%), huy động từ doanh nghiệp là 42.198 tỷ đồng (4,9%) và người dân đóng góp là 107.447 tỷ đồng (12,62%).
Tuy nhiên, việc xây dựng NTM tại một số nơi thời gian qua vẫn tập trung chủ yếu vào đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng nâng cao đời sống thu nhập của người dân. Tình trạng mất cân đối về xây dựng NTM giữa các vùng miền đang diễn ra khá gay gắt. Số nợ đọng trong xây dựng cơ bản, theo báo cáo của 48 trong số 63 tỉnh, thành phố, đến nay vào khoảng 10.200 tỷ đồng. Theo Ban Chỉ đạo trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong số 2.600 xã nợ đọng xây dựng cơ bản có tới hơn 700 xã đã đạt chuẩn NTM. Các địa phương có số nợ cao gồm: Bắc Ninh (hơn 613 tỷ đồng), Thanh Hóa, Nghệ An (mỗi tỉnh hơn 500 tỷ đồng), Hà Nam, Hưng Yên, Quảng Bình (mỗi tỉnh hơn 200 tỷ đồng). Riêng TP Hà Nội, tổng nguồn vốn đã huy động đầu tư cho khu vực nông thôn giai đoạn 2011-2015 là 63,5 nghìn tỷ đồng, trong đó có hơn 34 nghìn tỷ đồng đầu tư cho chương trình xây dựng NTM. Tính đến năm 2015, tổng kinh phí nợ đọng xây dựng cơ bản tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM là gần 294 tỷ đồng…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định nguyên nhân của tình trạng nợ đọng là do khi phát động phong trào xây dựng NTM, xuất phát điểm của phần lớn các xã còn thấp. Trong thời điểm suy thoái kinh tế toàn cầu, nguồn lực của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp còn hạn chế, nhất là các địa phương miền núi; mặt khác, một số địa phương do nôn nóng, có biểu hiện chạy theo thành tích cho nên đã huy động quá sức dân. Trong khi đó, để nâng cao thu nhập cho người dân, tạo ra vật chất để phục vụ xây dựng cơ bản, yêu cầu đặt ra cho các địa phương là cần tập trung tái cơ cấu kinh tế, trong đó chủ đạo là tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp thì hiện có ít nơi làm tốt. Thậm chí nhiều địa phương chưa ban hành đề án, chưa có kế hoạch tái cơ cấu như Cao Bằng, Thái Nguyên, Thừa Thiên-Huế, Đác Lắc, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Kiên Giang… Bên cạnh đó, các vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, liên kết sản xuất nông nghiệp… nhằm tạo ra vật chất, tiền vốn, kỹ thuật để tái xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn còn chưa được quan tâm đúng mức ở nhiều địa phương.
Giải pháp tháo gỡ
Để tạo điều kiện thuận lợi trong xây dựng kết cấu hạ tầng NTM, tránh nợ đọng, Nhà nước cần giảm mức vốn đối ứng xuống còn khoảng 10-15%. Các công trình lớn, mang tính trọng điểm thì Nhà nước đầu tư 100% vốn, những công trình nhỏ thì các địa phương huy động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, lãnh đạo một số địa phương cho rằng, cần đổi mới phương thức xây dựng các công trình, trong đó Nhà nước bố trí vốn bao nhiêu sẽ xây dựng bấy nhiêu, phần đối ứng của địa phương và nhân dân lúc nào huy động đủ mới tiến hành xây dựng hoàn thiện. Bên cạnh đó, nguồn vốn đối ứng của các địa phương (30%) áp dụng như hiện nay là quá cao so với khả năng của các địa phương.
Ngoài ra, các chính sách về đầu tư đối với chương trình xây dựng NTM cũng cần đi vào thực chất, tránh chỉ đạo xây dựng các công trình có ít công năng sử dụng hoặc chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn tại mỗi địa phương. Cần tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân; xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ; tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước các cấp; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực khu vực nông thôn; củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp, phát triển các hợp tác xã ngành nghề, dịch vụ, các hội nghề nghiệp trong nông thôn.
Tại phiên họp báo cáo kết quả giám sát thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, việc thực hiện chương trình xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là hết sức đúng đắn và cần đi sâu hơn vào vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mở rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp. Theo đó, cần làm rõ tại sao hợp tác xã kiểu cũ không thể chuyển sang mô hình hợp tác xã kiểu mới được, có phải vì do nợ đọng cũ, mặc dù đã nhiều lần xử lý nhưng vẫn vướng mắc.
Để khắc phục bệnh thành tích, xử lý tốt nợ đọng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong xây dựng NTM. Trong đó, làm rõ trách nhiệm và xử lý kỷ luật nghiêm khắc nếu để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, phát sinh nợ xây dựng cơ bản không đúng quy định. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của ban chỉ đạo và cơ quan thường trực các cấp về phân bổ và sử dụng nguồn lực được giao. Có như vậy mới góp phần tránh thất thoát tiền vốn của Nhà nước và người dân, từ đó khắc phục được tình trạng nợ đọng trong xây dựng NTM đang diễn ra phổ biến tại một số địa phương như hiện nay.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;