Xuất khẩu nông sản, lương thực lớn hơn hoặc bằng 33 tỷ USD. Đó là chỉ tiêu cao, vậy thì quan trọng phải làm gì để đạt được.
Đưa khoa học kĩ thuật vào nông nghiệp vẫn là một thách thức.
Nông nghiệp được coi là trụ đỡ của nền kinh tế, là “vịnh tránh bão” khi kinh tế thế giới cũng như trong nước có những biến động bất lợi.
Từ xưa, đối với nước ta nông nghiệp luôn được coi trọng bởi Việt Nam là nước nông nghiệp, tự hào về nền văn minh lúa nước. Nhưng, dù thế thì nông nghiệp nước nhà không phải lúc nào cũng phát triển tốt, ổn định.
Bởi vì cùng với sự thiếu đồng bộ trong đầu tư, quy hoạch thì việc phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, khí hậu đã khiến thành tựu đạt được không đều; không ngoại trừ cả những vụ mùa thất bát.
Đối với ngành chăn nuôi, việc chạy theo “phong trào” đã dẫn đến tình trạng dư thừa sản phẩm một số mặt hàng nào đó. Cụ thể, mới đây việc phải “giải cứu” đàn lợn cho thấy sự bất cập của vấn đề.
Người nuôi lợn lao đao khi giá lợn hơi xuống quá thấp, càng nuôi càng lỗ nên nhiều người đã phải “treo chuồng”. Cho dù “nạn” đó đã qua, nhưng dư âm của nó vẫn ám ảnh khiến nhiều hộ chăn nuôi không dám tái đàn, tăng đàn. Đáng chú ý, dù giá lợn hơi xuống thấp nhưng giá thịt lợn trên thị trường vẫn ở ngưỡng cao.
Điều đó cho thấy sự khập khiễng trong chuỗi sản phẩm, làm cho cả người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng bị thiệt hại, trong khi khâu trung gian là người kinh doanh lại thu lời lớn.
Về cây công nghiệp cũng xảy ra trường hợp tương tự. Việc mở rộng quá mức diện tích cây cao su, cây điều, cà phê đã dẫn tới việc dồn ứ sản phẩm, rớt giá.
Cùng đó, việc không xác định đúng cây trồng chủ lực cũng khiến cho ngành này gặp khó khăn. Có thể nêu một ví dụ, đó là cây mắc- ca, từng được cho là “cây tiền tỉ”, “cây triệu phú” nhưng rồi vẫn không chứng tỏ được thế mạnh ấy.
Việc lưu thông hàng hóa nông phẩm, được hiểu là “đầu ra” cho sản phẩm cũng đang nổi lên nhiều vấn đê đáng quan tâm. Với thị trường trong nước, sản phảm đặc sản của từng địa phương cũng khó vượt thoát ra khỏi ranh giới tỉnh mình, do công vận chuyển cao, lợi nhuận chênh lệch của tư thương quá lớn, dẫn đến giá tăng cao khi đến tay người tiêu dùng.
Còn với xuất khẩu, việc thâm nhập được vào thị trường Âu - Mỹ, Nhật Bản, Úc... của một số loại trái cây (như thanh long, chôm chôm, vải thiều...) là tín hiệu tốt, nhưng chưa đủ.
Còn nhiều loại trái cây khác khó tìm đầu ra, nên vẫn có chuyện “giải cứu”, cứ được mùa là rớt giá. Mới đây, việc dưa hấu rớt giá thê thảm, người nông dân khóc ròng vẫn gợi lên nhiều day dứt.
Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển nông nghiệp, đã vươn lên thành một trong những quốc gia hàng đầu về sản xuất và xuất khẩu gạo, cà phê, cao su, điều, hạt tiêu... nhưng trên thực tế lợi nhuận thu về lại không cao.
Có thể nêu ví dụ về gạo. Số lượng gạo xuất khẩu của ta có thể nói là vô địch nhưng lợi nhuận lại thua kém so với một số nước cùng xuất khẩu mặt hàng này, kể cả so với Campuchia. Sở dĩ như vậy là do chất lượng gạo của ta không cao, có quá nhiều giống lúa nên không xây dựng được thương hiệu.
Những bất cập nảy sinh trong quá trình xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, tiên tiến, hướng tới chất lượng cao thay vì chạy theo số lượng đã được đặt ra.
Nhưng thực tế thì sự chuyển động chưa nhiều và kết quả đạt được cũng khiêm tốn. Một trong những nguyên nhân quan trọng được giới chuyên gia chỉ ra là việc xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao gặp nhiều khó khăn. Trong đó nổi lên vấn đề vốn và nhà đầu tư.
Về vốn, Chính phủ đã dành 100.000 tỷ đồng đầu tư nhưng tốc độ giải ngân rất chậm, nhỏ giọt. Nút thắt chính từ các địa phương không xây dựng được mô hình, quy hoạch mang tính khả thi để tiếp nhận dòng vốn.
Còn đối với giới doanh nhân, cho dù đã có “tấm gương” về một số lĩnh vực như đầu tư vào đàn bò sữa, trồng rau sạch..., nhưng vẫn không đủ để đưa “phong trào” đi lên.
Hầu hết doanh nhân thành đạt hiện nay đều xuất thân từ nông dân, từng sống ở nông thôn. Yêu làng quê lắm, mong làng quê giàu có lắm, đau lắm khi làng mình nghèo nhưng bảo đầu tư về quê nói riêng, vào nông nghiệp nói chung lại rất ngại ngần.
Vì rằng đây là lĩnh vực “khó nhằn” khi đòi hỏi nguồn vốn lớn, tốc độ quay vòng vốn chậm, lợi nhuận lại thấp và cũng còn phụ thuộc quá nhiều vào điều kiện thời tiết. Những điều đó khiến họ không an tâm khi đầu tư vào nông nghiệp.
Một lý do khác khiến các doanh nhân chần chừ còn là vướng mắc chưa được tháo gỡ trong quá trình tích tụ ruộng đất, nới rộng hạn điền.
Muốn làm ăn lớn thì phải có diện tích đất đủ lớn, nhưng hiện cánh đồng đã chia nhỏ ra cho tất cả các hộ trong làng, xã. Muốn gom lại không dễ chút nào. Đã vậy, thời gian họ được thuê để sản xuất cũng không dài nên khó có thể bảo đảm thắng khi đầu tư.
Điều đáng nói ở đây là những nút thắt, những bất cập đối với nông nghiệp đều đã từng được nêu lên ở các hội nghị, các diễn đàn, trên báo chí..., nhưng việc dỡ bỏ vẫn rất chậm chạp. Tất nhiên nói thì dễ, làm mới khó. Nhưng tốc độ tháo dỡ “rùa bò” như suốt thời gian qua đã làm mất đi nhiều cơ hội.
Trở lại việc Thủ tướng giao nhiệm vụ GDP nông nghiệp tăng 3% trong năm nay; Xuất khẩu nông sản, lương thực lớn hơn hoặc bằng 33 tỷ USD- đây là nhiệm vụ khó khăn. Khó khăn ở chính nội tại của ngành này và khó khăn đến từ nguồn vốn đầu tư.
Để tháo gỡ hai nút thắt ấy cần nhiều thời gian và đặc biệt là quyết tâm cao, tư duy thực sự mới chứ không chỉ dừng lại ở sự hô hào.
Cũng tương tự nhiều lĩnh vực khác, trong đó có cải cách hành chính, “trên” chuyển động rất mạnh, rất quyết liệt nhưng “dưới” lại đủng đỉnh, né tránh thì đích đến đã xa lại càng lùi xa hơn. Nhiệm vụ được Thủ tướng giao cho ngành nông nghiệp năm 2017 này cũng chính là giao cho lâu dài, với tầm nhìn chiến lược.
Vì vậy, những nút thắt cần phải được cởi bỏ càng sớm càng tốt; những tồn tại đã được nhận diện cần nhanh chóng xóa bỏ; những chủ trương, định hướng đúng cần sớm trở thành hiện thực.
Trong đó nổi bật là việc xây dựng chuỗi giá trị trong nông nghiệp; xây dựng cánh đồng lớn; sản xuất nông phẩm sạch, chất lượng cao và đưa khoa học kỹ thuật, dòng vốn vào ruộng đồng.
Những bất cập nảy sinh trong quá trình xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, tiên tiến, hướng tới chất lượng cao thay vì chạy theo số lượng đã được đặt ra. Nhưng thực tế thì sự chuyển động chưa nhiều và kết quả đạt được cũng khiêm tốn. Một trong những nguyên nhân quan trọng được giới chuyên gia chỉ ra là việc xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao gặp nhiều khó khăn. Trong đó nổi lên vấn đề vốn và nhà đầu tư. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;