Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh biểu dương những nỗ lực của huyện Hải Hậu trong xây dựng nông thôn mới,cũng như kết quả chung của toàn tỉnh là đáng tự hào.
Hiện, Nam Định đã có 30% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tỉ lệ cả nước là 10%) và dự kiến cuối năm nay tỉnh sẽ đạt 50% (trong khi cả nước dự kiến tới năm 2020 có 50% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới). Đây là thành tích cao nhất cả nước trong xây dựng nông thôn mới.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định xây dựng nông thôn mới là chính sách và là giải pháp đúng đắn, quan trọng của Đảng, Nhà nước trong phát triển đời sống kinh tế, xã hội, an ninh, trật tự ở vùng nông thôn.
Qua 5 năm thực hiện, bộ mặt nông thôn ở nhiều vùng trên cả nước đã thay đổi rõ rệt, sản xuất nông nghiệp phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Với tình hình cụ thể của địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Nam Định và huyện Hải Hậu tiếp tục động viên nhân dân xây dựng quê hương mới giàu đẹp. Lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo, ưu tiên bố trí nguồn lực, tập trung hoàn thành các tiêu chí chưa đạt ở các xã, đồng thời phải duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.
Các cấp chính quyền tỉnh Nam Định và huyện Hải Hậu tăng cường thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao năng suất, hiệu quả và giá trị gia tăng trên mỗi đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp, từ đó góp phần nâng cao hơn nữa thu nhập của nông dân.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Hải Hậu là "Huyện nông thôn mới". Ảnh: VGP |
Chọn được khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới
Hải Hậu là huyện thứ 5 của cả nước đạt được danh hiệu "Huyện nông thôn mới" (các huyện đã đạt gồm: Xuân Lộc và thị xã Long Khánh tỉnh Đồng Nai; huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh và huyện Củ Chi, TPHCM).
Nhưng khác với 4 huyện trên, ở Hải Hậu, tất cả 35/35 xã trong huyện đều hoàn thành 19/19 tiêu chí và các chỉ tiêu thành phần của nông thôn mới.
Ông Phạm Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cho biết trước khi thực hiện xây dựng nông thôn mới vào năm 2010, địa phương còn nhiều khó khăn, như hạ tầng giao thông, trường học, thủy lợi xuống cấp; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chậm phát triển, chất lượng sản phẩm thấp, tiêu thụ khó khăn, giá trị sản xuất trên một đơn vị ha canh tác đạt 70,1 triệu đồng; tỉ lệ tham gia BHYT mới đạt 32%, thu nhập bình quân đầu người đạt 17,5 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo là 11,2%, bình quân chung toàn tỉnh đạt 8 tiêu chí. Các tiêu chí “khó” như giao thông, thủy lợi, điện, trường học, y tế, thu nhập, hộ nghèo, môi trường thì hầu hết các xã trong huyện chưa đạt.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, huyện Hải Hậu đã triển khai toàn diện chương trình và tới nay 35/35 xã, thị trấn đã đạt và vượt các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới.
Căn cứ vào thực tiễn của địa phương, việc “dồn điền đổi thửa” được lãnh đạo huyện Hải Hậu xác định là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Tới năm 2011, huyện đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, góp phần chuyển đổi sản xuất theo quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, hiện nay huyện đã hình thành được các vùng chuyên canh cây dược liệu, vùng trồng màu, trồng lúa chét, lúa chất lượng với giá trị sản xuất khoảng 350 triệu đồng/ha.
Huyện Hải Hậu cũng đẩy mạnh khai thác, nuôi trồng thủy hải sản với 920 tàu cá, giá trị nuôi trồng thủy hải sản đạt 1,5 tỉ đồng/ha.
Một góc "Huyện nông thôn mới"- thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu trong ngày đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Nhờ sản xuất phát triển, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 30 triệu đồng vào cuối năm 2014. Từ đó, người dân có điều kiện đóng góp lớn (bằng tiền) để xây dựng nông thôn mới với 20% trong tổng số 3.254 tỉ đồng huy động cho thực hiện chương trình tại Hải Hậu.
Giao thông phát triển tới tận xóm, hệ thống thoát nước khu dân cư được xây mới gần hết; 100% trường tiểu học, trạm y tế, 97% trường mầm non và 95% trường THCS đạt chuẩn quốc gia. Tới cuối năm 2014, tỉ lệ dân số có BHYT đạt 71%.
Từ xây dựng nông thôn mới mà hệ thống chính trị được tăng cường và củng cố, giữ vững an ninh nông thôn.
Có được kết quả này, theo ông Phạm Văn Chiến, trước hết, lãnh đạo chính quyền phải làm cho người dân thấy rõ nhân dân là chủ thể của xây dựng nông thôn mới và trực tiếp thụ hưởng những lợi ích từ chương trình mang lại; hai là thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; thứ ba là chủ động, sáng tạo thực hiện chương trình bằng việc cụ thể hóa các tiêu chí, đề cao tinh thần quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.
Thành Chung
Theo: chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã