Học tập đạo đức HCM

Hợp tác vườn điều thực nghiệm tại Campuchia

Thứ tư - 23/05/2018 21:24
Tổ công tác phát triển Điều Việt Nam – Campuchia thuộc Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) vừa có chuyến công tác tại đất nước Chùa Tháp xinh đẹp, nhằm giúp hình thành vườn điều thực nghiệm giống mới, làm nền tảng để người dân Campuchia có thêm lựa chọn phát triển 500.000 ha cây điều trong tương lai…

Tiềm năng "đồng hành"

Trước buổi làm việc tại Bộ Nông Lâm và Ngư nghiệp Campuchia, tổ công tác của Vinacas đã được trải nghiệm hành trình dài, đi qua nhiều tỉnh thành của đất nước Chùa Tháp nổi tiếng, với những vùng lúa nước bạt ngàn trải dài tít tắp, những cánh đồng lớn trồng điều xanh tốt ngút tầm mắt…

Đoàn công tác Vinacas khảo sát vườn điều tại Campuchia

Campuchia nằm ở Tây Nam bán đảo Đông Dương, phía Tây và Tây Bắc giáp Thái Lan (biên giới 2.100 km), phía Đông giáp Việt Nam (biên giới 1.137km), phía Đông Bắc giáp Lào (492 km), phía Nam giáp biển (400 km). Điều đáng mừng, vùng Đông Bắc của Campuchia có thổ nhưỡng, khí hậu khá tương đồng với vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên của Việt Nam, nơi có diện tích trồng điều lớn và chất lượng được đánh giá hàng đầu thế giới.

Vì thế, việc Vinacas quyết định hỗ trợ Campuchia hình thành vườn điều thực nghiệm ở vùng này, giúp người dân có thêm phương án lựa chọn được giống điều tốt, nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu tạo ra một triệu tấn điều trong tương lai, được đánh giá là một cách làm hết sức bài bản.

Cơ sở để Vinacas tin rằng, việc hình thành 500.000 ha điều tại Campuchia là hoàn toàn khả thi, bởi lẽ, tổng diện tích của Campuchia lên tới 181.035 km2, trong đó có tới 1/2 diện tích là đồng bằng màu mỡ, bằng phẳng và vô cùng phù hợp với cây điều. Campuchia cũng đã từng trồng tới trên 300.000 ha điều với những cánh đồng trải dài tít tắp, đồng nghĩa với việc nông dân nơi đây đã có kinh nghiệm và cây điều cũng đã là “người quen”.

Đặc biệt, Chính phủ Campuchia coi nông nghiệp tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn, được quan tâm hỗ trợ nhiều chính sách, trong đó, cây điều là một trong mặt hàng được ưu tiên khi nhu cầu thế giới ngày càng tăng, giá hạt điều liên tục có xu hướng đi lên.

Việc Vinacas quyết tâm hỗ trợ “người bạn đồng hành” với mình cũng bởi nhu cầu nguyên liệu điều thô chế biến hàng năm tại Việt Nam rất lớn, đồng thời quá trình hợp tác giữa hai bên thời gian qua tiến triển rất tốt đẹp. Điều này được minh chứng bằng con số rất cụ thể: Nếu năm 2014 chỉ có 30% điều thô Campuchia xuất qua Việt Nam, thì nay đã lên tới 98% (năm 2017 là 87.000 tấn, tương đương 200 triệu USD).  

Chung tay vì nông dân trồng điều

Tại phiên họp lần 2 giữa hai Tổ công tác phát triển Điều Việt Nam – Campuchia tại Phnom Penh, ông Hean Vann Horn – Tổng Cục trưởng Tổng cục Nông nghiệp (Bộ Nông Lâm và Ngư nghiệp Campuchia) cho biết: Việc Vinacas giúp Campuchia hình thành vườn điều thực nghiệm giống mới đã minh chứng thêm sự hợp tác chặt chẽ giữa hai quốc gia.

Phiên họp lần 2 của hai Tổ công tác phát triển điều Việt Nam – Campuchia tại Phnom Penh

Vì thế, sau phiên họp lần 1 giữa hai Tổ công tác tại TPHCM, phía Campuchia đã triệu tập Trưởng Ty nông nghiệp tại các địa phương trồng điều, đánh giá tổng quan về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, vị trí khu đất và sẽ sớm hướng dẫn Vinacas khảo sát để hình thành các vườn điều thực nghiệm. Đặc biệt, phía Campuchia cũng sẽ cố gắng bố trí các khu đất thuận tiên giao thông, người dân qua lại nhiều để họ tận mắt quan sát, so sánh và tạo niềm tin với giống điều mới do Vinacas chuyển giao. Ông Hean Vann Horn cũng đề nghị, phía Campuchia sẽ trồng song song giống điều đến từ Việt Nam và giống bản địa của Campuchia, để người dân tự so sánh, đánh giá kết quả sau này.

Tổng cục Nông nghiệp cũng đề nghị, trong tháng 6/2018, Vinacas tạo điều kiện cho đoàn công tác của Campuchia sang Việt Nam tham quan vườn điều mẫu đã trồng các loại giống sắp chuyển giao. “Chúng tôi rất kỳ vọng vườn điều thực nghiệm do Vinacas chuyển giao sẽ có nhiều giống cho năng suất, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái của Campuchia”, ông Hean Vann Horn nói.

Ông Năm Tum – Thượng Nghị sĩ (Thượng Viện) Campuchia thì cho rằng, hai bên phải thực hiện ngay công tác tuyên truyền về công tác chuyển giao giống mới, bằng cách: Mỗi tỉnh trồng điều sẽ tổ chức hội thảo có sự góp mặt của 100 – 150 nông dân cùng tham gia vào quá trình hình thành vườn thực nghiệm. Các chuyên gia của Vinacas cũng sẽ trao đổi thêm về ưu điểm của các giống mới, tư vấn thêm về kỹ thuật cho họ để tạo niềm tin, từ đó tạo sự lan tỏa trong tương lai. “Cá nhân tôi sẽ chịu trách nhiệm giới thiệu quỹ đất để làm vườn điều thực nghiệm tại 2 tỉnh Kampong Thom (10 ha) và Battam Pang (10 ha). Lúc trồng, tôi cũng sẽ tổ chức cho người dân tới tận nơi để cùng tham gia hoạt động này”, ông Năm Tum khẳng định.

Về phía Việt Nam, ông Lê Quang Luyến – Tổ trưởng Tổ công tác phát triển Điều Việt Nam – Campuchia, đề nghị: Để người dân Campuchia hiểu rõ hơn ý nghĩa của chương trình hợp tác này, Vinacas đề nghị hai bên tổ chức lễ bàn giao và nhận giống mới, đồng thời phát động trồng điều, dự kiến trong tháng 7/2018. Ban chấp hành Vinacas cũng sẽ tài trợ 70.000 USD (khoảng 1,5 tỷ đồng) mua 100.000 cây giống chuyển giao cho Campuchia (đợt một dự kiến chuyển trước 20.000 cây) ngay khi khảo sát xong các vị trí đất phù hợp làm vườn thực nghiệm (tổng diện tích khoảng 50 ha).

Về giống điều chuyển giao, ông Phạm Văn Đẩu, chuyên gia của Vinacas khẳng định: Các giống điều sắp trồng thực nghiệm đã có nhiều năm phát triển tốt ở các tỉnh của Việt Nam gần biên giới Campuchia, với đặc tính lá nhỏ vươn cao nên quang hợp tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất 3 – 4 tấn/ha (từ năm thứ 5), nhân thu hồi 32 – 33%, hương vị rất thơm ngon. “Trong 2 năm trồng thực nghiệm tại Campuchia, giống nào tốt và phù hợp nhất sẽ chuyển giao cho bà con nông dân ở ngay vùng đó, nhằm đảm bảo yếu tố thích nghi tiểu khí hậu của cây điều, giúp năng suất và chất lượng đạt cao nhất”. Ông Đẩu cũng cho biết, đầu năm 2018 đoàn công tác Vinacas đã tổ chức khảo sát thực địa nhiều vùng trồng điều tại Campuchia và dự kiến sẽ hình thành vườn thực nghiệm tại một số tỉnh, như: KamPong Cham, KamPong Thom, Karatie…

Ông Hoàng Quốc Tuấn – Chuyên gia của Vianacas cũng cho rằng, để vườn thực nghiệm đạt hiệu quả cao nhất, cần tổ chức cho nông dân Campuchia tham gia ngay từ khi cây giống được mang về trồng. Họ chính là người đánh giá chính xác hiệu quả của cây giống sau này, từ đó lan tỏa tới cộng đồng trồng điều Campuchia nhanh nhất và hiệu quả nhất. Ông Nguyễn Đức Thanh – Chủ tịch Vinacas: “Trong dự án hợp tác này, việc xây dựng các vườn điều thực nghiệm tại Campuchia là nội dung quan trọng nhất. Tuy nhiên, Vinacas chủ yếu hỗ trợ giống, kỹ thuật, chứ không có nhu cầu xin quỹ đất. Sau dự án, nông dân Campuchia sẽ là người thụ hưởng toàn bộ thành quả của chương trình hợp tác giữa hai bên”. Ông Thanh cũng cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, đoàn công tác của Vinacas đã tổ chức được gần 10 buổi hội thảo tại các tỉnh Campuchia, trong đó có 3 hội thảo về bảo quản hạt điều, một khâu rất quan trọng trong chuỗi giá trị điều hiện nay.

Ngoài ra, Vinacas vừa làm việc với một đối tác lớn của Châu Âu mời họ tham gia vào chương trình hợp tác điều Việt Nam – Campuchia. Theo kế hoạch, ngày 26/6/2018 đoàn sẽ sang khảo sát, tìm hiểu tiềm năng phát triển cây điều tại Campuchia, từ đó sẽ đưa ra những quyết định đầu tư. Nhân dịp này, Vinacas cũng gửi lời mời Bộ trưởng Bộ Nông Lâm và Ngư nghiệp, Tổng cục trưởng Tổng Cục Nông nghiệp Campuchia tham dự Hội nghị điều quốc tế Việt Nam do Vinacas tổ chức tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), diễn ra từ ngày 5 – 7/10/2018.

Theo: PV/nongnghiep.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập793
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại756,897
  • Tổng lượt truy cập93,134,561
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây