Xã viên HTX Tân Phong (xã Việt Hùng, Vũ Thư) trồng bí xanh trên vùng chuyển đổi cho giá trị kinh tế cao. |
2 lần được Bác Hồ gửi thư khen
Ngược dòng thời gian, cụ Hoàng Bá Sinh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Việt Hùng, năm nay đã ngoài 74 tuổi cho biết: Năm 1965, trong thâm canh lúa của HTX Tân Phong, xã Việt Hùng (huyện Thư Trì - nay là huyện Vũ Thư) đã đạt 6.719kg/ha, Bác đã gửi thư khen động viên cán bộ, xã viên HTX; đến cuối năm 1966, báo đăng Tân Phong đạt năng suất lúa cả năm 7.205kg/ha, ngày 20/12/1966, Bác lại gửi thư khen ngợi các xã viên và cán bộ HTX Tân Phong đã ra sức thi đua sản xuất, tăng năng suất lúa.
Trong thư Bác viết: “...Năm ngoái, Tân Phong đã cố gắng phấn đấu đạt năng suất lúa cả năm hơn 6 tấn 700 kilôgam một hécta. Năm nay, cùng với ba hợp tác xã bạn hợp thành Tân Phong mới và đã ra sức theo đúng những kinh nghiệm sản xuất tiên tiến, cho nên năng suất lúa cả năm đạt 7 tấn 205 kilôgam một hécta. Do đó, đời sống của xã viên được nâng cao dần, thóc bán cho Nhà nước cũng tăng thêm, hợp tác xã được củng cố tốt. Thế là vừa ích nước, vừa lợi nhà. Bác rất vui lòng khen ngợi các xã viên và cán bộ Tân Phong mới đã luôn luôn cố gắng đạt sản lượng cao. Bác mong rằng các hợp tác xã khác đều ra sức thi đua với Tân Phong. Bác nhắc các cô, các chú xã viên và cán bộ Tân Phong không nên chủ quan tự mãn với những thắng lợi bước đầu, mà cần phải cố gắng hơn nữa về các mặt như: phát triển tốt chăn nuôi, quản lý tốt lao động, tăng năng suất hoa màu và cây công nghiệp. Nội bộ phải đoàn kết chặt chẽ và thật sự dân chủ. Phải làm được như vậy thì hợp tác xã Tân Phong sẽ tiến bộ không ngừng và trở nên một hợp tác xã kiểu mẫu”.
Khí thế thi đua lao động, sản xuất của Tân Phong sau lễ mít tinh đón thư của Bác dâng cao, lan tỏa, cán bộ, xã viên HTX Tân Phong phấn đấu thực hiện lời Bác dạy, nỗ lực, tích cực có nhiều sáng kiến, giải pháp khắc phục khó khăn trong thâm canh lúa. Dù có ít phân bón nên bà con xã viên tát ao gánh bùn đổ ra ruộng, cải tạo đồng ruộng; nuôi bèo hoa dâu 100% diện tích, trồng điền thanh xen lúa để làm phân xanh. Tìm những giống lúa có năng suất, phù hợp với đồng đất địa phương đưa vào gieo cấy, trong đó cơ cấu giống lúa chủ lực là giống Nông nghiệp 8, TB1, TH2... Với khí thế thi đua sản xuất trong nông nghiệp, xã viên Tân Phong đăng ký xây dựng cánh đồng 10 tấn/ha để đóng góp lương thực cho tiền tuyến, hoàn thành vượt chỉ tiêu cấp trên giao. Những tình cảm trìu mến, những lời động viên, khích lệ ân cần của Bác năm xưa còn khắc ghi mãi trong lòng xã viên HTX Tân Phong cũng như người dân xã Việt Hùng trong công cuộc xây dựng phát triển kinh tế ngày nay.
Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của HTX Tân Phong đang có bước chuyển biến mạnh cả lượng và chất: Giống lúa ngắn ngày chiếm 100% diện tích gieo cấy cả 2 vụ, gồm QR1, Bắc thơm, Khang dân, TBR45... cho năng suất ổn định 131 tạ/ha. Tuy nhiên, để từng bước chuyển nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, HTX đã có nhiều giải pháp phù hợp. Trong đó công tác tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đi trước một bước, làm cho người dân thấm nhuần phương thức luân canh xuân muộn - mùa sớm - cây vụ đông, từ đó tuân thủ chặt chẽ cơ cấu giống lúa, mùa vụ. HTX từng bước chuyển giao phương thức thâm canh mới để giảm chi phí cho người nông dân; áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học; khắc phục hạn chế về trình độ chênh lệch giữa các hộ xã viên, giải quyết vấn đề manh mún về đất đai trong sản xuất nông nghiệp, tạo sự đồng đều trên toàn bộ cánh đồng về năng suất, chất lượng nông sản; thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất, bảo vệ môi trường, tạo bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn.
Làng quê Việt Hùng (Vũ Thư). Ảnh: Minh Đức
Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc hết mình của HTX, Tân Phong đã thành công khi bố trí cơ cấu giống lúa cho năng suất, chất lượng cao trong thâm canh. Sự thay đổi toàn diện cơ cấu giống lúa không chỉ giúp HTX Tân Phong giữ vững ổn định về năng suất lúa mà còn tạo ra được quỹ đất tối đa cho việc luân canh tăng vụ. Về sản xuất vụ đông, HTX luôn duy trì tổng diện tích 150ha, mang lại giá trị và thu nhập cao cho bà con xã viên. Với mục tiêu tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển vụ đông toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích canh tác, HTX đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm. Các mô hình sản xuất vụ đông của HTX chủ yếu gieo trồng các loại cây mà các công ty có nhu cầu thu mua như mướp đắng, khoai tây, bí xanh... Đây là những loại cây dễ trồng, phù hợp với tập quán canh tác của địa phương và theo hướng liên kết, bước đầu thể hiện sự thích ứng, tạo được niềm tin đối với xã viên.
Điển hình như vụ đông năm 2013, HTX đã liên kết với Công ty Cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm Hải Dương gieo trồng trên 2ha mướp đắng. Tham gia vào mô hình liên kết sản xuất, bà con nông dân được hỗ trợ về giống, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Qua hạch toán, trừ chi phí mỗi sào thu lãi từ 5 - 8 triệu đồng/vụ, cao hơn các cây trồng vụ đông khác. Không chỉ riêng cây mướp đắng được đưa vào trồng thành công, những năm trước đây HTX Tân Phong đã khảo nghiệm giống bí xanh số 2, đến nay bí xanh trở thành cây chủ lực, vụ đông năm nay diện tích bí xanh phấn đấu đạt trên 50ha, bà con nông dân được hỗ trợ 60% giống. Ngoài ra, một số cây truyền thống mà địa phương có thế mạnh như ngô, bí các loại cũng được duy trì, mở rộng... HTX đã tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, vận động bà con nông dân mở rộng diện tích cây màu có giá trị kinh tế cao, thị trường đang có nhu cầu, theo công thức luân canh, xen canh gối vụ như dưa kim cô nương, dưa hấu, dưa chuột xuất khẩu...
Nhằm đưa sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao cả về năng suất và chất lượng, HTX Tân Phong tiếp tục xây dựng và thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng với mục tiêu: Sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch tích cực, bước đầu hình thành một số vùng chuyên canh; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án trong nông nghiệp. Hiện nay HTX đã hình thành vùng chuyển đổi với diện tích trên 10ha được chuyển từ diện tích cấy lúa sang trồng các loại cây màu có giá trị kinh tế cao như dưa lê, bí xanh, dưa chuột, mướp đắng, rau màu các loại... cho giá trị khoảng 200 triệu đồng/ha/năm.
Những lời dạy và sự động viên của Bác Hồ trong sản xuất nông nghiệp những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đến nay, cán bộ, bà con xã viên HTX Tân Phong vẫn còn khắc ghi. Trong phát triển nông nghiệp giai đoạn hiện nay, cán bộ, xã viên HTX luôn tích cực thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng các tiến bộ về khoa học vào sản xuất, từng bước xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống, xây dựng quê hương giàu đẹp, xứng đáng với mong muốn của Bác Hồ năm xưa.
Mạnh Thắng;
Nguồn: baothaibinh.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;