Học tập đạo đức HCM

Khi cây lúa chủ lực không cho thu hoạch

Thứ ba - 04/06/2013 00:00
Vụ lúa đông xuân 2012-2013, trên đồng ruộng nhiều tỉnh phía bắc và Bắc Trung Bộ xảy ra tình trạng hàng nghìn ha gieo cấy giống lúa BC15 bị lép hạt, năng suất giảm trầm trọng. Hy vọng của hàng nghìn hộ dân vào một vụ lúa bội thu bỗng chốc tan biến. Chúng tôi đã tìm đến các cơ quan chức năng, nhà khoa học và những vùng lúa mất mùa để tìm hiểu nguyên nhân gây mất mùa trên diện rộng.

Những thửa ruộng hạt lép

Trên xứ đồng Lệu, chị Ðặng Thị Thảo, thôn 6, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất (TP Hà Nội) đứng thất thần trước thửa ruộng toàn những bông lúa lép. Chị thất thần cũng phải, bởi cái ăn của cả gia đình năm nhân khẩu đều trông chờ vào tám sào ruộng thì nay có đến năm sào cấy giống lúa BC 15 đều lép hạt. "Những vụ trước, giống lúa này cho năng suất cao lắm, đến 2,2 tạ/sào, lúa bán được giá bởi gạo có chất lượng khá ngon. Nhưng chả hiểu vì sao, vụ này lúa  lép, mỗi sào chỉ khoảng 30 đến 40 kg lúa" - chị Thảo cho biết và lo lắng nói thêm:

"Không biết những ngày tới, gia đình lấy đâu ra gạo để ăn, chưa kể chuyện học hành của ba đứa con...".

Ðiều may mắn cho xã Hương Ngải là không phải toàn bộ những ruộng gieo cấy giống lúa BC15 đều bị lép hạt. Trao đổi ý kiến với Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Hương Ngải Nguyễn Ðỗ Ban, chúng tôi được biết, tại những thửa ruộng gieo cấy giống lúa này vào trà khác ngày thì năng suất vẫn cao. Diện tích lúa mất mùa chủ yếu do người dân gieo mạ trước lịch khuyến cáo khoảng 10 ngày, do tâm lý cấy xong nhanh để yên tâm ăn Tết Nguyên đán. Ông Ban cũng cho biết, tình trạng người dân tự ý mua giống tại các đại lý trôi nổi trên thị trường khiến chất lượng lúa giống không bảo đảm cũng có thể là một nguyên nhân gây mất mùa.

Tại Thạch Thất, không chỉ xã Hương Ngải gặp rủi ro với giống lúa BC15, mà các xã khác như Ðại Ðồng, Phú Kim, Canh Nậu, Dị Nậu, Chàng Sơn... cũng trong hoàn cảnh tương tự.  Ðiều đáng buồn là trong vụ  đông xuân 2013, do BC15 là một trong những giống lúa chủ lực nên diện tích gieo cấy toàn huyện Thạch Thất lên đến  2.000 ha, chiếm 42% diện tích gieo cấy  toàn huyện. Thiệt hại là không nhỏ.

Thống kê sơ bộ tại nhiều tỉnh phía bắc cho thấy, đã có hơn 10 nghìn ha gieo cấy giống lúa này bị lép hạt, những tỉnh thiệt hại nặng nhất là: Thanh Hóa, thiệt hại hơn sáu nghìn ha, trong đó thiệt hại nặng (hơn 70% năng suất) khoảng năm nghìn ha; Nghệ An 6,6 nghìn ha (5,3 nghìn ha thiệt hại nặng); Ninh Bình 627 ha (thiệt hại nặng 433 ha); Vĩnh Phúc 659 ha; Hải Dương khoảng 1.100 ha, Phú Thọ 360 ha, Tuyên Quang 200 ha... Con số này chưa dừng lại. Mới đây, ngành nông nghiệp TP Hải Phòng cho biết, toàn thành phố có  6.500 ha gieo cấy giống lúa này và khoảng 1.400 ha bị thiệt hại, trong đó 235 ha thiệt hại nặng. Tại Thanh Hóa, có đến 13 huyện, thị xã có diện tích lúa BC15 mất mùa. Ðánh giá sơ bộ của ngành nông nghiệp tỉnh này cho biết, nông dân toàn tỉnh thiệt hại 200 tỷ đồng.

Trong vài năm trở lại đây, trên đồng ruộng các tỉnh phía bắc, nông dân ưa chuộng giống lúa BC15. Ðây là giống lúa thuần do Tổng công ty CP giống cây trồng Thái Bình (TSC) chọn tạo, được công nhận giống quốc gia từ năm 2008, có năng suất cao vượt trội so với các giống lúa thuần hiện có, cho chất lượng gạo ngon. Ðầu tháng 6, trên thị trường miền bắc, giá gạo BC15 phổ biến ở mức 15-16 nghìn đồng/kg, không kém giá các loại gạo thơm. Vậy, vì sao giống lúa này mất mùa trên diện rộng? Do thời tiết hay do chất lượng lúa? Các cơ quan chức năng đã vào cuộc và nhiều nhà khoa học đã lên tiếng...

"Tai nạn nghề nghiệp" ngoài mong muốn

Sau khi có thông tin về giống lúa BC15 gây mất mùa diện rộng, Cục Trồng trọt khẩn trương thành lập ba đoàn công tác tại Thanh Hóa, Nghệ An, để kiểm tra thực tế, đồng thời tổ chức một đoàn gồm một số nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về thăm đồng ruộng tại Vĩnh Phúc, rồi tổ chức họp nhằm đánh giá mức độ thiệt hại, nguyên nhân và đề xuất hướng xử lý. Cục Trồng trọt cho biết, nguyên nhân chủ yếu gây lép hạt đối với trà lúa BC15 trỗ từ ngày 22 đến 28-4 là do khoảng giữa tháng 4-2013, miền bắc xuất hiện nhiều đợt không khí lạnh, tràn xuống cả Bắc Trung Bộ. Có những ngày nhiệt độ xuống dưới 17-180C, thấp nhất đo được tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa) là 16,60C (ngày 12-4-2013). Ðây là thời điểm lúa BC15 phân hóa đòng bước 5 - 6. Giống BC15 mẫn cảm với nhiệt độ thấp, đặc biệt ở giai đoạn phân hóa đòng. Sự khác nhau về thời điểm phân hóa, phát dục giữa bông cái và bông con, giữa các hoa ở đầu và cuối bông, giữa khóm lúa gần bờ và giữa ruộng... dẫn đến sự khác nhau về mức độ bị hại trên cùng ruộng, cùng khóm, cùng bông lúa. Thực tế tại các địa phương cho thấy chỉ có trà lúa BC15 trỗ vào thời điểm từ ngày 22 đến 28-4 bị hại, còn các trà lúa BC15 trỗ trước hoặc sau thời điểm nêu trên thì bình thường, cho năng suất cao.

 TS Nguyễn Trí Ngọc, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ nông, lâm nghiệp Thành Tây cho biết, ông là thành viên hội đồng khoa học công nhận giống quốc gia cho giống lúa này năm 2008. TS Ngọc cho rằng, giống lúa BC15 là giống thuần được chọn lọc cá thể từ giống IR17494  có chất lượng và năng suất vượt trội, thích ứng cao, có vụ nông dân gieo cấy đến 200.000 ha.  BC15 được nhiều địa phương tiếp thu, đưa nhanh vào sản xuất. Tuy nhiên, ngoài nhược điểm như dễ nhiễm đạo ôn; mẫn cảm với nhiệt độ thấp, giống lúa này có đặc điểm là hạt lúa hay bị hở vỏ trấu, cho nên khi thời tiết không thuận sẽ tạo điều kiện mầm bệnh thâm nhập, gây hại.

Một số nhà khoa học khác như PGS, TS Nguyễn Thị Trâm (Ðại học Nông nghiệp Hà Nội); Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm Nguyễn Trí Hoàn cho rằng, BC15 là giống lúa mẫn cảm với thời tiết, gồm cả lạnh và nóng. Theo quy trình, trong 15 ngày trỗ là thời điểm phân chia giảm nhiễm (thời kỳ thụ phấn), là thời điểm rất nhạy cảm, cho nên dù cùng sử dụng giống lúa BC15 trên một cánh đồng, nếu cấy sớm, lúa trỗ trước ngày 22-4 hoặc sau ngày 28-4 thì vẫn đậu quả bình thường hoặc tỷ lệ hạt lép ít hơn.

Ðể tìm hiểu về chất lượng giống BC15, chúng tôi đã về Thái Bình, tìm hiểu quy trình sản xuất giống lúa BC15 tại TSC, thăm đồng ruộng Thái Bình, một trong những địa phương có diện tích gieo cấy giống lúa BC15 nhiều nhất cả nước trong vụ đông xuân này. Vụ đông xuân 2012-2013, Tổng công ty CP giống cây trồng Thái Bình cung ứng hơn 3.000 tấn giống BC15 cho các tỉnh phía bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ, trong đó ở các tỉnh phía bắc gieo cấy hơn 100 nghìn ha. Tổng Giám đốc TSC Trần Mạnh Báo cho biết, ngoài quy trình sản xuất chất lượng khép kín với hệ thống giám sát chặt chẽ và kiểm định chất lượng hiện đại, TSC còn bố trí các thửa trồng BC15 hậu kiểm nên việc kiểm tra chất lượng giống của các đơn vị chức năng tương đối thuận lợi. Giống BC15 đã được khảo nghiệm 12 năm qua, đưa vào trồng đại trà trên cả nước năm năm qua. "Những nhược điểm của giống lúa này, ngoài khuyến cáo trên các tài liệu, chúng tôi cũng đã in thẳng lên bao bì hạt giống để khuyến cáo nông dân".

Ðến thời điểm này, lúa BC15 trà xuân muộn ở các tỉnh Thái Bình, Nam Ðịnh, Hà Nam, Bắc Giang... bắt đầu cho thu hoạch. Trên địa bàn TP Hà Nội, trong khi huyện Thạch Thất mất mùa thì hơn 8.300 ha BC15 tại các huyện Gia Lâm, Ðông Anh, Thanh Oai vẫn được mùa, dự kiến năng suất đạt từ 6,2 đến 6,5 tấn/ha. Theo Thạc sĩ Trần Công Ðịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Thái Bình, vụ đông xuân này, Thái Bình được mùa lớn, trong đó 21 nghìn ha gieo cấy giống BC15 tiếp tục cho năng suất cao. Thạc sĩ Trần Công Ðịnh cho biết, từ vụ xuân 2009, khi BC15 được đưa ra diện rộng, có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí nhiều tỉnh dứt khoát không đưa vào vụ xuân vì nó quá dễ nhiễm bệnh đạo ôn và mẫn cảm thời tiết lạnh. Qua tổng kết nhiều vụ, ngành nông nghiệp Thái Bình rút ra được kinh nghiệm là, thời điểm lúa trỗ an toàn nhất là nửa đầu tháng 5, cho năng suất cao khi trỗ vào quãng ngày 5 đến 15-5. Vì vậy, lịch thời vụ cho giống lúa này luôn được Thái Bình chỉ đạo chặt chẽ, quyết liệt, trong kế hoạch sản xuất của tỉnh luôn có phần chữ in đậm về những lưu ý cho BC15. Thạc sĩ Ðịnh cho rằng, đây là bài học kinh nghiệm cho ngành nông nghiệp trong bố trí cơ cấu, thời vụ cho hợp lý, những giống lúa như BC15 rất nhạy cảm với nhiệt độ khi phân hóa và trổ bông thì thời vụ luôn quan trọng bậc nhất với đúng nghĩa "nhất thì, nhì thục".

Khẩn trương hỗ trợ nông dân

Ngay sau khi ngành nông nghiệp các tỉnh thông tin về việc nhiều diện tích gieo cấy giống lúa BC 15 bị mất mùa, TSC đã liên tục cử các đoàn kiểm tra thực tế tại các tỉnh, đồng thời tổ chức kiểm tra quy trình sản xuất, cung ứng giống cũng như đánh giá hậu kiểm. Với tinh thần cầu thị, Ban Giám đốc TSC tổ chức họp khẩn cấp hội đồng quản trị, quyết định trước mắt, khẩn trương hỗ trợ nông dân hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa 1.000 tấn giống lúa BC15 để nông dân kịp sản xuất vụ mùa. Ông Trần Mạnh Báo cho biết, để đủ chi phí cho lượng giống hỗ trợ này (khoảng 30 tỷ đồng), Tổng công ty quyết định cắt giảm 20% lương cán bộ, công nhân viên toàn Tổng công ty.

Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Quốc Doanh cho biết, Cục đã chỉ đạo đơn vị liên quan phối hợp TSC tổ chức hậu kiểm, xác minh chất lượng giống lúa BC15 gây ra tình trạng lép hạt. Trước mắt, khẩn trương hỗ trợ nông dân các tỉnh bị mất mùa. Bộ NN và  PTNT cũng đã có báo cáo Chính phủ, đề xuất hỗ trợ nông dân trồng giống lúa BC15 bị mất mùa theo chính sách hỗ trợ về thiên tai theo Quyết định 142 và sau này là Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ. Tất cả những diện tích bị thiệt hại do lúa lép đều sẽ được hỗ trợ theo đúng những quy định trong hai quyết định trên, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Với hơn 1,15 triệu ha lúa gieo cấy vụ đông xuân ở miền bắc, con số hơn 10 nghìn ha bị mất mùa, giảm năng suất không lớn. Nhưng đối với mỗi hộ gia đình thì lại là chuyện không nhỏ khi thửa ruộng mang lại nguồn thu nhập chính của họ. Nay mất mùa,  thiếu ăn kỳ giáp hạt là điều khó tránh khỏi. Chính vì vậy, cùng với việc hỗ trợ nông dân về giống để sản xuất kịp vụ lúa mùa, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng cần sớm nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ nông dân lượng lương thực đủ để duy trì cuộc sống.

 

BÀI, ẢNH: BẢO TRUNG, NGỌC SƠN VÀ NGỌC VĂN
theo nhandan
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập626
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm625
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại792,411
  • Tổng lượt truy cập93,170,075
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây