Học tập đạo đức HCM

Khi địa phương không tự được tự tính GRDP: Tăng thấp nhưng thực chất

Thứ sáu - 04/08/2017 10:16
Năm 2017, lần đầu tiên, cơ quan thống kê Trung ương tính toán và công bố tổng sản phẩm trên địa bàn cấp tỉnh (GRDP). Mặc dù GRDP 6 tháng đầu năm nay không cao như kỳ vọng, nhưng theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, các địa phương đều chấp nhận con số do Tổng cục công bố.

Tổng cục Thống kê đã công bố tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2017 cho từng tỉnh. Thưa ông, các địa phương phản ứng thế nào khi tốc độ tăng trưởng GRDP thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước?

Trước đây, các địa phương tự tính toán và công bố GRDP và thường thì tốc độ tăng trưởng GRDP của các địa phương đều cao hơn GDP, nếu tính chung lại GRDP cao gấp 1,7 - 1,9 lần GDP. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này như tính trùng, tính chưa đúng…, thậm chí còn chịu áp lực phải hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đã được chính địa phương đặt ra.

.
.

Nhưng vì bất cứ lý do gì thì việc GRDP cao hơn rất nhiều so với GDP cũng rất khó chấp nhận do không phản ánh đúng tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 715/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 nhằm đổi mới quy trình biên soạn số liệu GRDP.

Theo đó, từ năm 2017, Tổng cục Thống kê sẽ tính toán và công bố GRDP cho từng địa phương theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tiễn nước ta, nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương trong việc đánh giá và dự báo tình hình kinh tế - xã hội; phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cấp tỉnh và trên phạm vi cả nước.

Chúng tôi đã công bố GRDP ước tính 6 tháng đầu năm 2017 của tất cả các địa phương. Sau khi nhận được kết quả, chỉ có một vài địa phương đề nghị tính toán lại, vì cho rằng con số Tổng cục Thống kê đưa ra chưa sát thực tế, nhưng cuối cùng các địa phương cũng đồng ý con số sau khi chúng tôi rà soát, tính toán lại.

Cụ thể, tổng hợp số liệu GRDP với GDP 6 tháng đầu năm nay có còn chênh lệch nhau không, thưa ông?

Vẫn còn có sự chênh lệch giữa GRDP với GDP, nhưng mức độ không lớn, chỉ dao động +/-10%. Chênh lệch số liệu này là đương nhiên vì việc thu thập, bóc tách số liệu rất phức tạp. Chẳng hạn, một doanh nghiệp hạch toán toàn ngành đóng trụ sở chính ở Hà Nội, nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều địa bàn khác nhau phải tách được giá trị tăng thêm của hoạt động ở từng địa phương; giữa các chi nhánh, doanh nghiệp thành viên, công ty liên doanh, liên kết ở địa phương với trụ sở chính tại Hà Nội.

Hơn nữa, nếu GRDP với GDP bằng nhau tuyệt đối lại không phản ánh khách quan, độc lập, mà có sự can thiệp chủ quan của cơ quan thống kê.

Nhưng thưa ông, nhiều người, kể cả đại biểu Quốc hội vẫn rất “dị ứng” trước việc GRDP và GDP chênh lệch nhau?

Việt Nam là một trong số rất ít nước trên thế giới tính toán và công bố GRDP. Trên thế giới, người ta chỉ công bố GDP, nên cũng không có nhiều số liệu để so sánh rằng GRDP và GDP của các nước không có độ vênh như ở Việt Nam.

Số liệu GRDP 6 tháng đầu năm được công bố vào ngày 30/5 hàng năm, tức là số liệu được cập nhật để tính toán chỉ có đến ngày 25/5, thời gian còn lại phải dự báo, nên con số GRDP mà Tổng cục Thống kê công bố chỉ là ước tính, phải đến ngày 30/11 mới công bố GRDP sơ bộ 6 tháng và ước tính cả năm. Đã là con số ước tính và cả con số sơ bộ thì không thể chính xác tuyệt đối được, bao giờ cũng có độ vênh. Còn số liệu GRDP chính thức của năm nay thì phải đến ngày 30/11 năm sau mới có.

Tôi khẳng định, tốc độ tăng trưởng GDP và cả GRDP do Tổng cục Thống kê tính toán và công bố được thực hiện khách quan, trung thực, khoa học, theo đúng chuẩn mực và thông lệ quốc tế, không chịu bất cứ áp lực hay tác động nào.

Để GRDP và GDP tương đối đồng nhất, thưa ông, sao không lùi thời hạn tính toán và công bố GRDP đến cuối tháng 6 và cuối tháng 12 hàng năm để có thêm dữ liệu?

Công bố GRDP nhằm giúp các địa phương có cái nhìn tổng quan hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, từ đó đưa ra hoặc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế địa phương. HĐND cấp tỉnh thường họp vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm, nên Tổng cục Thống kê phải tính toán và công bố sớm để các đại biểu dân cử và HĐND địa phương có được cái nhìn toàn cảnh về tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương mình.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, Tổng cục Thống kê chỉ công bố GRDP 6 tháng và 1 năm, nhưng nếu địa phương nào có nhu cầu số liệu GRDP theo quý nhằm phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương thì cục thống kê cấp tỉnh chịu trách nhiệm biên soạn gửi Tổng cục Thống kê thẩm định và công bố.

Ông khẳng định rằng, số liệu GDP và GRDP do Tổng cục Thống kê công bố là khách quan, trung thực?

Đúng vậy, nhưng phải lưu ý con số ước tính, sơ bộ, chính thức và các con số này có thể không hoàn toàn giống nhau. Ví dụ, ngày 29/6 vừa qua, chúng tôi công bố GDP ước tính 6 tháng đầu năm tăng 5,73% và con số này có thể thay đổi khi có con số sơ bộ được công bố vào ngày 29/9/2017.

Tương tự, ngày 29/3/2017, Tổng cục Thống kê công bố GDP tăng trưởng quý I/2017 là 5,1%, nhưng đến ngày 29/6/2017 điều chỉnh thành tăng 5,15%. Tôi khẳng định, con số GDP tăng trưởng 5,15% không phải là sự điều chỉnh chủ quan, duy ý chí, hay chịu bất cứ tác động nào, mà đây là con số sơ bộ, chính xác hơn so với con số ước tính trước đó vì có thêm dữ liệu.

Nếu không khách quan, trung thực, thì Tổng cục Thống kê đã công bố tốc độ tăng trưởng GDP năm 2016 cao hơn 6,21%, vì có rất nhiều yếu tố để chứng minh GDP năm 2016 tăng cao hơn 6,21%, như có 110.000 doanh nghiệp được thành lập, thu hút đầu tư nước ngoài (cả gián tiếp lẫn trực tiếp) rất ấn tượng, tín dụng tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây…

Mạnh Bôn
http://baodautu.vn
 Tags: tổng cục

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập180
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại750,246
  • Tổng lượt truy cập93,127,910
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây