Học tập đạo đức HCM

Khi doanh nghiệp "bắt tay" nông dân

Chủ nhật - 27/09/2015 01:42
Bà con dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai từ lâu vẫn trồng những giống ngô cũ, năng suất thấp để phục vụ nhu cầu theo kiểu tự cung tự cấp, sản phẩm dư thừa thì đem bán nên luôn chịu cảnh bấp bênh, rớt giá. Thế nhưng từ khi Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC) “đặt chân” lên mảnh đất Lào Cai, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là canh tác cây ngô của đồng bào nơi đây đã thay đổi.

Nông dân không còn lo ế thừa, rớt giá
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lào Cai, diện tích trồng ngô của tỉnh khoảng 36.500ha, 1/3 sản lượng của bà con làm ra được sử dụng để chăn nuôi, làm thức ăn trong những tháng giáp hạt, còn lại 2/3 bà con phải tự tiêu thụ, bán cho các thương lái thu gom, xuất khẩu đi Trung Quốc. Nhưng giá cả bấp bênh, phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc. Để giúp nông dân gỡ khó và sản xuất ngô bền vững, vụ ngô 2014-2015, Sở NN&PTNT Lào Cai, Trung tâm Khuyến nông Lào Cai, Công ty Dekalb Việt Nam, Công ty SSC và Công ty TNHH MTV An Nghiệp (doanh nghiệp thu mua, chế biến) đã cùng vào cuộc, hỗ trợ hơn 100 hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai triển khai thí điểm.
 
Nông dân xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai tham gia thí điểm mô hình trồng ngô liên kết với doanh nghiệp.
 
Trò chuyện với chúng tôi ngay tại ruộng ngô đã đến kỳ thu hoạch ở xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai cho hay: Mô hình trồng ngô thí điểm được tiến hành trên diện tích 110ha ở địa bàn 5 huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Mường Khương, Bảo Hà và Si Ma Cai. “Đây là lần đầu tiên nông dân trên địa bàn tỉnh và doanh nghiệp cùng “bắt tay” trồng giống ngô lai DK8868 của Công ty Dekalb Việt Nam do Công ty SSC phân phối. Sau thu hoạch, Công ty An Nghiệp thu mua toàn bộ cho bà con. Giống được bán chịu, sản xuất ra sản phẩm có đơn vị thu mua, bà con chỉ góp đất, công chăm bón.

Năng suất các giống ngô trước đây ở Lào Cai bình quân chỉ đạt 3,65 tấn/ha (ngô khô), trong khi đó năng suất vụ ngô 2014-2015 trên 110ha trồng giống của Dekalb Việt Nam đã cho năng suất vượt trội, trung bình 12-13 tấn ngô tươi/ha, tương đương 6-6,5 tấn ngô khô. Nông dân tham gia mô hình không chỉ cải thiện được năng suất mà còn được ứng giống ngô lai từ Công ty Dekalb Việt Nam vào đầu vụ và thanh toán vào cuối vụ, được chuyển giao kỹ thuật canh tác, được cam kết năng suất tối thiểu cao hơn năng suất bình quân địa phương, được đảm bảo thu mua toàn bộ ngô tươi khi đến thời điểm thu hoạch... Nhờ sự vào cuộc của doanh nghiệp từ "đầu vào" đến tiêu thụ, đã giúp nông dân yên tâm sản xuất, không chịu sự bấp bênh của thị trường. Thời điểm chúng tôi có mặt tại huyện Bảo Thắng, giá ngô tươi trên thị trường xuống 2.200 đồng/kg. Tuy nhiên, thực hiện đúng cam kết, Công ty SSC vẫn thu mua ngô tươi của bà con tại ruộng với giá 2.800 đồng/kg.

Bà Hà Thị Hồng ở thôn Bản Cầm, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng, vui mừng nói: “Những vụ ngô trước, bà con thường tự phải mua giống ngô để gieo trồng, mỗi gia đình mua một giống, một chủng loại về trồng. Nhưng chẳng ai biết là giống chất lượng cao hay thấp, vì mua trôi nổi nên giống giả, giống kém chất lượng cũng phải chịu. Giờ có các doanh nghiệp về cung ứng giống trả sau, rồi lại thu mua ngô cho bà con, bà con đỡ vất vả, phấn khởi lắm”.

Ông Nguyễn Duy Nghiệp, chủ doanh nghiệp An Nghiệp thu mua nông sản chia sẻ: "An Nghiệp là một trong những doanh nghiệp thu mua nông sản lớn nhất tại tỉnh Lào Cai, chủ yếu thu mua các sản phẩm sắn và ngô thương phẩm. Qua mô hình liên kết có thể thấy, khi người dân áp dụng giống ngô và kỹ thuật canh tác này vào sản xuất đã đạt được năng suất cao và chất lượng ngô thương phẩm tốt. Để chương trình phát triển ở quy mô lớn hơn và bền vững, chúng tôi sẽ bàn bạc, lên phương án đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm thu mua và chế biến cho bà con ngay tại chỗ, từ đó giảm chi phí vận chuyển cũng như giúp bà con chủ động sau thu hoạch, hướng tới cải thiện đời sống cho bà con".

Sẽ chuyển từ hỗ trợ nông dân sang hỗ trợ doanh nghiệp
“Ở Lào Cai, cây ngô được xác định là cây chủ lực trong sản xuất nông nghiệp. Việc hình thành mối liên kết giữa đầu vào - đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp rất quan trọng. Rất mong mô hình liên kết này sẽ sớm mở rộng diện tích, vì tiềm năng phát triển ngô của Lào Cai còn lớn, nhiều nông dân sẽ được tiếp cận khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất cây trồng và đặc biệt là yên tâm về đầu ra cho sản phẩm”, ông Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ.

Ông Nguyễn Tiến Hưng, Quản lý Kinh doanh khu vực Đông Bắc, Công ty Dekalb Việt Nam (Tập đoàn Monsanto - Mỹ) cho biết: Trong những năm qua, công ty đã không ngừng tìm kiếm cơ hội và đối tác để thực hiện các chương trình hợp tác công tư nhằm cải thiện đời sống cho bà con. Ngoài tỉnh Lào Cai, năm vừa qua, công ty còn thực hiện mô hình liên kết tại Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ. "Chúng tôi vô cùng vui mừng khi những nỗ lực bước đầu của Tập đoàn Monsanto cùng với các đối tác đã góp phần đem lại hiệu quả thực tế cho bà con nông dân. Thời gian tới, công ty chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để có thể giúp nhiều nông dân được tiếp cận với chương trình liên kết này", ông Nguyễn Tiến Hưng khẳng định.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tuấn tiết lộ: Để khuyến khích doanh nghiệp tham gia liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ chuyển từ hỗ trợ nông dân sang hỗ trợ những doanh nghiệp tham gia chương trình liên kết “bốn nhà”, giúp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đây có thể là cách làm mới của Lào Cai, nếu thành công sẽ góp phần thúc đẩy, gắn kết hơn mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp
 
Theo Nguyễn Kiếm/qdnd.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập173
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm164
  • Hôm nay36,919
  • Tháng hiện tại285,189
  • Tổng lượt truy cập92,662,853
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây