70% dược liệu phải nhập khẩu
Ðịnh hướng chiến lược của Traphaco trong những năm tới là tiếp tục tạo ra những bước đột phá về công nghệ nhằm ứng dụng các sản phẩm từ thiên nhiên vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có giá trị cao. Từ đó phát hiện và khai thác được giá trị đích thực của nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Traphaco Trần Túc Mã |
Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Traphaco Trần Túc Mã: Hiện nay nhu cầu sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng được bào chế từ các cây dược liệu có nguồn gốc tự nhiên ngày càng tăng, nên nhu cầu sử dụng cây dược liệu là rất lớn. Tuy nhiên, hiện không có ai định hướng thị trường, làm thị trường cho người trồng dược liệu, người dân đổ xô đi trồng dược liệu nhưng đến lúc thu hoạch không biết tiêu thụ đi đâu? Nhận thấy khó khăn trên, Traphaco đã quyết định đầu tư tìm các giải pháp vừa giữ được nguồn dược liệu trong nước nhưng đồng thời nghiên cứu, sản xuất ra các sản phẩm dược từ chính nguồn dược liệu quý này. Hàng năm, Traphaco đầu tư từ 5 - 10% doanh thu cho hoạt động khoa học - công nghệ (KH - CN), bao gồm đổi mới thiết bị, công nghệ và nghiên cứu khoa học, đặc biệt chú trọng công tác nghiên cứu bảo tồn và phát triển cây dược liệu. Đã nghiên cứu, triển khai thành công dự án trồng cây Chè dây an toàn làm nguyên liệu phục vụ sản xuất thuốc Ampelop và các chế phẩm phòng, điều trị bệnh viêm loét dạ dày - hành tá tràng; nghiên cứu thành công trồng cây đinh lăng làm nguyên liệu sản xuất thuốc Hoạt huyết dưỡng não - Cebraton; cây Actiso làm nguyên liệu sản xuất thuốc bổ gan Boganic; nghiên cứu, phát triển bền vững nguồn dược liệu Traphaco... ở nhiều địa phương như Lào Cai, Lai Châu, Hòa Bình, Nam Định… tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người dân địa phương, góp phần nâng cao đời sống, phát triển KT - XH địa phương. Tính đến nay, Traphaco đã có 5 loại dược liệu được Bộ Y tế cấp chứng nhận đạt chuẩn GACP - WHO.
Cục trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế Trương Quốc Cường thừa nhận: Hiện, nhu cầu dược liệu trong nước cần khoảng gần 60.000 tấn/năm, trong khi đó Việt Nam mới chỉ cung cấp được cho thị trường khoảng 16.000 tấn/năm, còn lại khoảng 70% phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan…
Đoàn giám sát của UBTVQH khảo sát thực tế mô hình trồng cây Actiso tại Lào Cai |
Đẩy mạnh bảo tồn, phát triển dược liệu trong nước
Trước thực trạng trên, tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của UBTVQH về Hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phát triển KHCN nhằm thúc đẩy CNH - HĐH giai đoạn 2005 -2015 và định hướng phát triển trong giai đoạn tới với Công ty Traphaco, các đại biểu cho rằng để quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu phục vụ mục tiêu phát triển y tế và kinh tế Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2020 bảo tồn được 50% và năm 2030 là 70% tổng số loài dược liệu. Về nhu cầu sử dụng, phấn đấu đến năm 2020 đáp ứng được 60% và 80% nhu cầu sử dụng vào năm 2030.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, trước đây khi cây dược liệu chưa được quy hoạch, nhiều nơi không những không trồng thêm mà còn nhổ bỏ để trồng những loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Do sớm nhận thức được giá trị của dược liệu, Traphaco đã liên kết cùng các nhà khoa học, người dân để đưa mô hình trồng dược liệu nhằm xóa đi tâm lý “ăn xổi” đối với cây trồng khác. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Traphaco Trần Túc Mã cho biết: Từ năm 2000, Traphaco đã xây dựng Đề án “Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật trồng và chế biến cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa”. Để mở rộng sản xuất, Traphaco đã chủ động liên kết bốn nhà “Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp và người dân”. Đến nay, phong trào trồng cây dược liệu đã được Công ty Traphaco ký kết với hơn 20 tỉnh, thành phố trong cả nước, cung cấp hàng vạn tấn dược liệu mỗi năm.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản trị doanh nghiệp cũng được Traphaco coi trọng. Hiện, Traphaco đã áp dụng công nghệ cao vào hệ thống phân phối trong quản lý bán hàng (DMS); hệ thống giám sát độc lập (TNS), đặc biệt là áp dụng công cụ quản lý hệ thống đo lường và đánh giá hiệu quả công việc (KPI). Sau hơn 2 năm áp dụng công nghệ cao trong quản trị hệ thống phân phối, tốc độ tăng trưởng bình quân của công ty đạt trên 20%/năm. Traphaco được đánh giá là doanh nghiệp có hệ thống phân phối tốt nhất ngành dược với 3 công ty phân phối, 20 chi nhánh và khoảng gần 22.000 khách hàng là Nhà thuốc bán lẻ trên toàn quốc. Kết thúc năm 2015, doanh thu của Traphaco đạt 1.974 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2014, lợi nhuận sau thuế 180 tỷ đồng, tăng 23,3%.
Đánh giá về ý nghĩa việc đầu tư KHCN trong công tác bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu trong nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Bộ Lĩnh nhấn mạnh: Những gì Traphaco đã làm được cho thấy việc đầu tư toàn diện cho khoa học công nghệ theo hướng phát triển chuỗi giá trị xanh từ nguyên liệu - công nghệ - sản phẩm - dịch vụ phân phối của Traphaco là một lựa chọn đúng hướng - khơi dậy hiệu quả cây dược liệu phục vụ sức khỏe người dân. Trong thời gian tới, Công ty Traphaco cũng cần quan tâm quy hoạch, mở rộng vùng trồng nguyên liệu và tạo công ăn, việc làm cho người dân. Đồng thời, các địa phương cũng cần quan tâm, tạo điều kiện để công ty phát triển vùng nguyên liệu phục vụ phát triển lâu dài.
Tôi đánh giá cao Công ty Traphaco là đơn vị tiên phong trong việc bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu trong nước. Trước xu thế hội nhập, các doanh nghiệp Dược của nước ngoài sẽ ồ ạt đưa sản phẩm thuốc vào Việt Nam. Để doanh nghiệp Dược trong nước giữ được thương hiệu và cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại, Traphaco đã đầu tư mô hình sản xuất khép kín đạt tiêu chuẩn GACP - WHO, từ trồng trọt, thu hái nguyên liệu, cho đến ứng dụng KHCN sản xuất thuốc. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hồng Tịnh |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã