Theo quy hoạch chung Đại học Quốc gia TP HCM, khu đất có diện tích 643,7 ha để phục vụ cho việc xây dựng các công trình đào tạo sinh viên. Nhưng trong khi chờ xây dựng, nhiều người dân xung quanh đã tận dụng để trồng rau kiếm thêm thu nhập.
Làng rau này có khoảng 10 hộ, hầu hết là người dân Nam Định vào TP HCM mưu sinh. Theo những nông dân này, họ biết khu đất mình đang trồng rau thuộc đất quy hoạch của Đại học Quốc gia TP HCM, nhưng do chưa sử dụng nên Ban quản lý dự án cho phép đến trồng rau, khi nào cần lấy lại đất sẽ thông báo.
Người dân tận dụng đất quy hoạch để trồng rau xung quanh KTX khu B Đại học Quốc gia TP HCM. Ảnh: Ngọc Thắng. |
Anh Nghiệp năm nay gần 40 tuổi, đã sinh sống và trồng rau tại đây được 2 năm. Trước kia anh làm công nhân, nhưng qua giới thiệu của người quen, anh tìm đến đây để "mượn" đất trồng rau.
“Bắt đầu 2-3h sáng tôi sẽ dậy cắt rau bán cho mối, sau 8h thì làm tiếp phần việc tưới, chăm bón rau như một nông dân thực thụ. Theo anh Nghiệp, mỗi hộ trồng trung bình 3.000 -4.000 m2, với đủ các loại rau xanh ăn lá. Rau được bán sỉ cho các đầu mối phân phối tại chợ nhỏ xung quanh khu vực Thủ Đức. Người dân xung quanh và sinh viên cũng thường xuyên đến đây mua rau. Giá bán rau ở đây cũng cực rẻ, như cải xanh chỉ khoảng 5.000 đồng/kg, các loại rau khác khoảng 6.000-8.000 đồng/kg.
Theo chia sẻ của nông dân làng rau này, 6 tháng mùa khô là thời điểm làm ăn “khấm khá”, mỗi gia đình có thu nhập hơn 10 triệu một tháng từ bán rau. Mùa mưa thì thu nhập chỉ còn một nửa, vì đất bị ngập úng.
Những vườn rau xung quanh khu đô thị ĐHQG TP HCM. Ảnh: Ngọc Thắng |
“Công việc bấp bênh nên thu nhập từ trồng rau ở đây tuy tạm bợ nhưng lại là nguồn ổn định của gia đình", anh Nghiệp nói.
Cách làng rau ký túc xá Đại học Quốc gia không xa, ở phía sau Đại học Kinh tế Luật TP HCM, một làng rau tự phát khác cũng hình thành cách đây 3, 4 năm, từ đất chờ xây dựng. 17 hộ dân ở đây dựng nhà ở tạm bằng tôn, vừa đủ che nắng che mưa để trồng rau.
Anh Chiến 36 tuổi, quê ở Nam Đinh, cho biết anh trồng rau tại đây đã 5 năm. Mỗi ngày vợ chồng anh bán ra thị trường 100-200 kg rau đủ các loại. "Các hộ trồng rau ở đây thường thuê thêm sinh viên nhổ cỏ, cắt rau. Mỗi giờ các em được trả 15.000-20.000 đồng”, anh Chiến cho biết.
Tuy việc trồng rau ở đây chỉ tạm thời nhưng định kỳ hàng tháng thanh tra môi trường của phường, quận vẫn xuống kiểm tra chất lượng, hướng dẫn bà con cách chăm bón theo quy trình. Nơi đây cũng là địa chỉ quen thuộc mà Đại học Nông Lâm thường đưa bạn sinh viên đến thăm quan, tìm hiểu quy trình sản xuất thực tế.
Theo Thịnh Nguyễn/news.zing.vn