Thay mặt lãnh đạo tỉnh TT-Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đã báo cáo kết quả sau bốn năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển TT-Huế và đô thị Huế đến năm 2020. Theo đó, đến nay toàn tỉnh TT-Huế đã có một đô thị loại I, ba đô thị loại IV, bảy đô thị loại V, tỷ lệ dân cư đô thị đến năm 2012 đạt khoảng 50%. Kinh tế tỉnh giữ mức tăng trưởng khá, bình quân 10%/năm. Tổng sản phẩm bình quân đầu người toàn tỉnh đến năm 2012 đạt 1.495 USD. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 460,5 triệu USD, gấp 3,2 lần so năm 2009. Du lịch phát triển cả về quy mô và chất lượng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2012 giảm còn 8%.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh làm việc với lãnh đạo tỉnh TT-Huế
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, cơ cấu cây trồng vật nuôi được chuyển đổi theo hướng tích cực, gắn với quy hoạch, phân vùng sản xuất, sử dụng đất và quy hoạch xây dựng NTM. Nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến được ứng dụng vào sản xuất, từ năm 2009 đến 2013 đã triển khai 81 đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh với kinh phí 48,33 tỷ đồng. Cơ giới hóa trong nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh, với tỷ lệ làm đất đạt 91%, khâu thu hoạch lúa bằng máy đạt trên 70%. Diện tích gieo trồng lúa hàng năm khoảng 53 ngàn ha, sản lượng đạt 29,4 vạn tấn (vượt chỉ tiêu 24-25 vạn tấn/năm vào năm 2015). Trên địa bàn hình thành các vùng chuyên canh sản xuất tập trung các loại cây trồng có tính hàng hóa như cao su, sắn công nghiệp, cà phê, rau sạch, cây ăn quả...
Lĩnh vực thủy sản phát triển khá toàn diện. Đội tàu đánh bắt xa bờ từng bước hiện đại hóa, vừa đánh bắt trên biển vừa góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo. Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2012 đạt 6.059 ha, tăng 586 ha, sản lượng đạt 13.683 tấn, tăng 4.432 tấn so với năm 2008. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được chú trọng và xã hội hóa bằng nhiều hình thức; diện tích rừng trồng toàn tỉnh đạt trên 94 ngàn ha, nâng độ che phủ rừng từ 56,21% năm 2009 lên 56,74% năm 2012. Giá trị kim ngạch xuất khẩu từ rừng trồng đạt 62,8 triệu USD.
Tỉnh TT-Huế đã tập trung nhiều nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, đa mục tiêu. Nhiều công trình, dự án mang tính thiết thực như hồ Tả Trạch, thủy điện Hương Điền, thủy lợi Tây Nam Hương Trà, hồ chứa nước Thủy Yên - Thủy Cam, đê đông tây Ô Lâu. Các công trình thủy lợi vùng cao, chương trình nước sạch nông thôn, đường giao thông nông thôn... được triển khai có hiệu quả.
Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân trong tỉnh được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 khu vực nông thôn còn 10,74 %. 81% lao động nông thôn có việc làm thường xuyên. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ngày càng tăng và đạt 14,5 triệu đồng vào năm 2011, tăng 13,6% so năm 2009. Toàn tỉnh đã có 1.420/1.453 làng, thôn, bản, tổ dân phố đăng ký xây dựng đơn vị văn hóa, trong đó trên 91% gia đình đạt chuẩn văn hóa...
Thay mặt lãnh đạo tỉnh TT-Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đã kiến nghị với Phó Thủ tướng Chính phủ cần quan tâm bố trí nguồn lực để tỉnh triển khai các dự án phòng tránh thiên tai; tăng cường nguồn lực và có cơ chế đặc thù cho Chương trình MTQG Xây dựng NTM.
Sau khi nghe các ban, ngành của tỉnh và đại diện các Bộ, ngành Trung ương trao đổi những vấn đề liên quan đến việc thực hiện “tam nông”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, các cấp chính quyền và nhân dân TT-Huế trong quá trình thực hiện nghị quyết “tam nông”, nhất là việc ổn định sản xuất nông nghiệp, các chính sách an sinh xã hội, chăm lo hộ nghèo, đồng bào dân tộc đạt nhiều kết quả. Thời gian đến, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý tỉnh TT-Huế cần quan tâm công tác quy hoạch, định hướng sản xuất gắn với việc xác định cơ cấu mùa vụ; nhất là việc quy hoạch, sắp xếp, bố trí sản xuất nông nghiệp, thủy sản, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả các mô hình.
Về xây dựng NTM, Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh TT-Huế ưu tiên công tác quy hoạch, tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân trong quá trình thực hiện. Việc thực hiện các tiêu chí về xây dựng NTM cần kiên trì, liên tục, bền bỉ, vừa thực hiện xã điểm, mô hình điểm vừa nhân ra diện rộng. Tỉnh cần ưu tiên huy động các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM một cách hiệu quả; đánh giá, rút kinh nghiệm qua 5 năm thực hiện nghị quyết “tam nông”. Các ban ngành cần nhân rộng các mô hình sản xuất trong nông nghiệp có hiệu quả. Trong sản xuất cần gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, chú trọng đầu tư phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác xã. Công tác đào tạo nghề cần gắn với giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. “Mục tiêu cuối cùng là nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Duy Phiên
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã