Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch (bao gồm 13 luật), nhưng đề nghị Ban soạn thảo và Ủy ban thẩm tra phải làm rõ nội hàm “quy hoạch xây dựng vùng tỉnh”.
Theo Luật quy hoạch có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019 thì chỉ có quy hoạch cấp quốc gia; quy hoạch vùng; quy hoạch tỉnh; quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; và quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Tuy nhiên, theo Dự thảo qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận sáng 16/5/2018, trong phần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng lại đưa thêm khái niệm “quy hoạch xây dựng vùng tỉnh”.
“Đề nghị làm rõ khái niệm quy hoạch xây dựng vùng tỉnh để thống nhất với Luật Quy hoạch, vì theo Luật Quy hoạch, khái niệm “vùng” để chỉ tính liên tỉnh cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia ở cấp vùng về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, xây dựng vùng liên tỉnh…”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chưa bác khái niệm “quy hoạch xây dựng vùng tỉnh”, vì đây theo ông là nội dung mang tính kỹ thuật rất cao, cần phải nghiên cứu, làm rõ.
“Nhưng phải làm rõ khái niệm thế nào là quy hoạch xây dựng vùng tỉnh vì đã có quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, giờ thêm khái niệm quy hoạch vùng tỉnh dễ dẫn tới tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong quy hoạch”, ông Hiển phát biểu.
Theo bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, khái niệm “quy hoạch xây dựng vùng tỉnh” không hề mới mà đã tồn tại mấy chục năm qua. Thực chất quy hoạch vùng tỉnh là quy hoạch xây dựng các dự án hạ tầng kinh tế, xã hội, kỹ thuật trong định hướng phát triển trong phạm vi một tỉnh chứ không phải liên tỉnh.
“Quy hoạch tỉnh, theo Luật Quy hoạch là việc cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Để có quy hoạch tỉnh phải tích hợp 39 loại quy hoạch đa ngành, đa lĩnh vực trong phạm vi một tỉnh. Còn quy hoạch xây dựng vùng tỉnh là quy hoạch chuyên ngành để quản lý không gian đô thị trong lĩnh vực xây dựng.
Nếu không có khái niệm “quy hoạch xây dựng vùng tỉnh”, mỗi khi phải điều chỉnh hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong địa giới hành chính của một tỉnh hoặc một huyện, liên huyện để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ sẽ vô cùng khó khăn vì liên quan tới gần 40 loại quy hoạch và hơn 70 bản vẽ quy hoạch khác nhau”, bà Linh giải trình.
Vẫn theo bà Linh, quy hoạch tỉnh là quy hoạch tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực được thực hiện theo Luật quy hoạch. Sau khi có quy hoạch tích hợp, địa phương vẫn phải quy hoạch vùng tỉnh, tức là phải đi vào chi tiết, cụ thể đối với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, xã hội không gian đô thị theo Luật xây dựng nhưng không được mâu thuẫn với quy hoạch tỉnh theo Luật quy hoạch.
“Nếu không có quy hoạch xây dựng vùng tỉnh (được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch xây dựng gồm sơ đồ, bản vẽ, mô hình và thuyết minh) thì không không có cơ sở để tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”, bà Linh giải thích thêm.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, quy hoạch tỉnh không đủ chi tiết, cụ thể để lập quy hoạch xây dựng cho một khu vực không gian nhất định nào đó. Vì vậy, Luật Quy hoạch đã có quy định, việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để triển khai các phương án quy hoạch hệ thống đô thị; phát triển hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu du lịch; phát triển mạng lưới giao thông, phát triển mạng lưới cấp điện, mạng lưới viễn thông, thủy lợi, cấp nước… được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Khái niệm quy hoạch xây dựng vùng tỉnh trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch chính là cụ thể hóa Luật Quy hoạch.
“Chính phủ và các bộ ngành đã thảo luận rất kỹ và thống nhất với nội dung lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm.
“Trong một tỉnh có khu vực đô thị, nông thôn, cửa sông, ven biển… Mỗi khu vực phải có quy hoạch chi tiết, cụ thể mới thực hiện được. Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh chính là việc cụ thể, chi tiết quy hoạch tỉnh. Chính vì vậy, không phải bàn cãi về sự cần thiết phải có quy hoạch xây dựng vùng tỉnh. Nhưng vấn đề là Ban soạn thảo và Ủy ban thẩm tra phải làm rõ nội hàm, và nếu được thì có thể thay quy hoạch xây dựng vùng tỉnh bằng tên gọi khác, nếu không Quốc hội sẽ khó có thể chấp thuận vì trong Luật quy hoạch không có khái niệm quy hoạch xây dựng vùng tỉnh”, Chủ tich Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gợi ý.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;