Học tập đạo đức HCM

“Làn gió mới” từ những cánh đồng

Thứ ba - 26/03/2013 03:24
Với chủ trương xây dựng nông thôn mới (XDNTM) “từ đồng về nhà”, “từ nhà ra xóm, đến xã”, tỉnh Nam Định đã khơi dậy được sự chủ động của người dân, tạo thành nét riêng trong chương trình này trong suốt 2 năm qua.

Nhiều năm qua, tỉnh Nam Định đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đã tạo được nền tảng phát triển khá vững chắc. Bởi vậy, khi bắt tay thực hiện Chương trình XDNTM từ 2010, Nam Định đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Nhà nước vào thực tiễn địa phương.

Ông Nguyễn Văn Tuấn (thứ 2, từ trái sang) - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định kiểm tra trà lúa xuân tại huyện Giao Thủy.

Cánh đồng mẫu – thay đổi lớn về tư duy

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Phùng Hoan – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nam Định cho biết: Mục tiêu cơ bản, xuyên suốt của Chương trình XDNTM là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân cả về vật chất và tinh thần. Với điều kiện của địa phương, Nam Định đã chọn khâu “đột phá” là dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, vận động góp đất để xây dựng công trình giao thông, thuỷ lợi nội đồng, chỉnh trang đồng ruộng. Chủ trương này đã được cụ thể hóa bằng những giải pháp hết sức hiệu quả, tạo ra phong trào sôi động ở tất cả các xã có sản xuất nông nghiệp.

Cũng theo ông Hoan, việc dồn điền đổi thửa của tỉnh Nam Định hiện nay gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Mục tiêu đề ra là mỗi đơn vị có một mô hình cánh đồng mẫu lớn; nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; sớm hoàn thành việc dồn điền đổi thửa ở tất cả các đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Giao Thủy là một trong những huyện đầu tiên của tỉnh Nam Định hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa từ năm 2012. Ông Nguyễn Văn Đồng – Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy chia sẻ: “Xác định việc này rất khó khăn, nên từ năm 2011, huyện đã chọn làm thí điểm tại 5 xã, từ đó rút kinh nghiệm triển khai tiếp ở 15 xã, thị trấn trong năm 2012. Kinh nghiệm của Giao Thủy là tiến hành quy hoạch đất đai, quy hoạch vùng sản xuất, sau đó làm giao thông nội đồng rồi mới tiến hành dồn điền đổi thửa. Người dân thấy có lợi mới nhiệt tình tham gia. Nhờ đó, Giao Thủy đã nâng cấp 31km đường giao thông trục xã, liên xã, 122km đường trục thôn xóm, đắp mới gần 1,2 triệu m3 nền đường nội đồng...”.

Tính đến cuối năm 2012, tỉnh Nam Định đã có 199/209 xã, thị trấn (với 2.999 thôn) triển khai dồn điền đổi thửa. Riêng trong năm 2012, đã triển khai tại 108 xã, thị trấn, và đến cuối năm đã có 75 xã, thị trấn hoàn thành giao đất ngoài thực địa. Dự kiến hết năm nay, Nam Định sẽ cơ bản hoàn thành dồn điền đổi thửa.

Quá trình dồn điền đổi thửa ở Nam Định được gắn với chỉnh trang, kiến thiết đồng ruộng, làm giao thông và thủy lợi nội đồng; hình thành các vùng sản xuất tập trung. Sau 2 năm, Nam Định đã vận động các hộ nông dân góp được 2.361ha đất, đắp được trên 4.887km đường giao thông nội đồng. Sau dồn điền đổi thửa, hầu hết các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch từng bước tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Chỉ riêng năm 2012, tỉnh này đã triển khai thành công 45 mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn với diện tích 2.282ha, mở ra hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững, hiệu quả.

Khơi dậy sự chủ động của “sức dân”

Giai đoạn 2010–2015, tỉnh Nam Định có 96 xã, thị trấn triển khai XDNTM, với nhu cầu vốn lên tới 9.000 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn là 4.070 tỷ đồng. Khó khăn hiện nay vẫn là kinh phí hạn hẹp, nguồn ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng gần 40% nhu cầu. Để tháo gỡ, tỉnh Nam Định đã có chủ trương "xã hội hóa mô hình xây dựng nông thôn mới" và đã thực hiện khá hiệu quả chủ trương này.

Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của Nam Định đã đạt 21,1 triệu đồng; giải quyết việc làm mới cho hơn 30.000 lượt người; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới xuống còn 6,72% (năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh này là 9,95%).

“Phương châm xây dựng nông thôn mới của Nam Định là “làm từ ngoài đồng ruộng về làng, từ xóm lên xã”. Xã phải lo xây dựng các công trình chính của xã; các thôn, xóm vận động nhân dân góp sức xây dựng các công trình của thôn, xóm; các hộ dân chủ động cải tạo ao, vườn, sân ngõ và công trình vệ sinh của gia đình mình. Nam Định cũng huy động các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của doanh nghiệp và sự đóng góp của những người dân Nam Định xa xứ” - ông Lê Xuân Thủy - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nam Định cho biết.

Tại Hải Hậu, một trong 5 huyện điểm quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay các xã đã đạt bình quân 15/19 tiêu chí. Trong đó, có 2 xã đạt 17 tiêu chí, 18 xã đạt từ 15 -16 tiêu chí, các xã còn lại đều đạt từ 12 tiêu chí trở lên.

Với phương châm “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, sau 2 năm thực hiện XDNTM, Nam Định đã huy động đầu tư xây dựng NTM hơn 4.000 tỷ đồng (trong đó người dân đóng góp 570 tỷ đồng), người dân còn góp 2.361ha đất để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn (tương đương 4.723 tỷ đồng). Toàn tỉnh đã xây dựng và cải tạo 1.183,3km đường giao thông nông thôn, đắp 4.887km đường giao thông thủy lợi nội đồng, nạo vét được 1.244km kênh, mương; Sửa chữa, nâng cấp, xây mới và cải tạo nâng cấp 4.884 cống, đập các loại. Xây mới và cải tạo nâng cấp 338 trạm hạ áp, 851km đường dây hạ thế, 21 nhà văn hóa xã, 10 khu thể thao xã, 373 nhà văn hóa thôn, 28 khu thể thao thôn, 47 chợ, 33 trụ sở xã, 1.120 phòng học các cấp từ mầm non đến THCS. Xây mới 17 trạm y tế xã; 24 dự án cấp nước sạch nông thôn; 55 bãi xử lý rác thải... Bóng dáng sung túc, hiện đại của mỗi xóm thôn đang dần hiện hữu.

Ngày mai (27.3), Nam Định tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm Chương trình XDNTM. Dù chưa có xã nào chạm đích 19 tiêu chí, nhưng với kết quả “có nét” như trên, tỉnh dự kiến sẽ vinh danh 6 đơn vị sở, ngành, đoàn thể; 5 huyện; 19 xã và thị trấn có nhiều thành tích xuất sắc trong chương trình này.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định: Cái được lớn nhất là sự chủ động của người dân

“Cái được lớn nhất trong Chương trình XDNTM ở Nam Định là các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hưởng ứng và tích cực tham gia. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã hoàn thiện cơ chế hỗ trợ của tỉnh, các địa phương đã xác định rõ mô hình, lộ trình, bước đi triển khai XDNTM phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Tập trung phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của chi bộ Đảng, của thôn, xóm, vai trò chủ thể của hộ gia đình trong xây dựng NTM...”.

Ông Nguyễn Văn Tìm - Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu: Đặt công việc trong tầm tay mỗi người

“Việc XDNTM nếu chỉ dừng ở cấp xã thì người dân thấy cũng còn xa. Cho nên đối tượng XDNTM của Hải Hậu là nhằm vào các xóm, tổ dân phố, hộ gia đình, từ đó cụ thể hóa thành 12 tiêu chí của xóm, tổ dân phố NTM và 8 tiêu chí của gia đình NTM. Về xây dựng cơ sở hạ tầng, Hải Hậu tiến hành phân cấp rõ ràng từng hạng mục thuộc phần việc của xóm, của xã để mỗi xóm thi đua hoàn thành phần việc của mình, không trông chờ ngân sách. Mỗi gia đình cũng phải chỉnh trang khuôn viên, sân vườn nhà mình”.

Ông Lê Văn Thỏa - Phó Chủ tịch UBND xã Hải Trung (Hải Hậu): Xã sẽ về đích trong năm nay!

Đến nay, Hải Trung đã đầu tư gần 20 tỷ đồng XDNTM, trong đó nguồn đóng góp của người dân khoảng 10 tỷ đồng. Xã đã cơ bản đạt 15/19 tiêu chí và sẽ hoàn thành 19 tiêu chí trong năm 2013. Xã Hải Trung cũng đã quy hoạch được 8 vùng sản xuất tập trung, dồn 18ha cho quỹ đất để quy hoạch mở rộng đường giao thông, cơ sở hạ tầng kinh tế và khu dân cư, đã huy động người dân góp 7ha đất ruộng và gần 2 tỷ đồng để đắp gần 25km đường giao thông nội đồng, mặt đường rộng 4m.

Theo danviet.vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập677
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại771,777
  • Tổng lượt truy cập93,149,441
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây