Nuôi cá lồng, lãi 30 triệu đồng
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT), khu vực trung du miền núi phía Bắc có tiềm năng phát triển nuôi cá trên sông, hồ chứa, hồ thủy điện rất lớn, là nguồn cung sản phẩm tại chỗ, cải thiện đời sống cho đồng bào miền núi, tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho nông dân. Thành công của các mô hình nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa đã đánh thức được tiềm năng nuôi cá lồng bè trên hồ chứa tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đồng thời giúp bà con nâng cao nhận thức về vai trò của các hồ chứa trong đời sống sinh hoạt cũng như trong phát triển kinh tế.
Nuôi cá trên sông, hồ chứa, hồ thủy điện giúp đồng bào miền núi tăng thu nhập. Ảnh: I.T
Các cơ sở nuôi và địa phương phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông và hồ chứa cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và xúc tiến thương mại để sản phẩm làm ra có thị trường tiêu thụ, phát triển bền vững. Đồng thời hỗ trợ bà con xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã, mô hình nuôi theo chuỗi giá trị nhằm đảm bảo lợi ích cho người nuôi”. Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia
|
Với lợi thế có nhiều hệ thống sông ngòi, diện tích hồ chứa lớn nên nghề nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa ở tỉnh Tuyên Quang phát triển khá tốt. Bà Nguyễn Thị Vĩnh An – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tuyên Quang cho biết: “Diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh trong 9 tháng qua đạt trên 11.000ha, trong đó diện tích nuôi ở hồ thủy điện đạt 8.000ha, trên 2.000ha nuôi ở ao hồ, 770,2ha nuôi ở hồ thủy lợi, với 1.393 lồng bè đang nuôi cá, trong đó có 358 lồng nuôi cá đặc sản có giá trị kinh tế cao”.
Cũng theo bà An, một số loài cá bản địa quý hiếm cũng đã được người dân thuần hóa và nuôi thương phẩm thành công như cá chiên, cá lăng, cá bỗng, cá rầm xanh, cá anh vũ… Điều này không chỉ góp phần thay đổi cơ cấu giống loài thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Cũng như Tuyên Quang, các tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên… cũng có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nghề nuôi thâm canh cá lồng. Ông Nguyễn Thanh Tùng – Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Thọ chia sẻ: “Nếu như năm 2012, toàn tỉnh chỉ có 4 hộ tham gia nuôi cá lồng với quy mô 30 lồng, thì đến tháng 8.2016 số hộ nuôi đã tăng lên 162, với trên 1.300 lồng nuôi, năng suất trung bình đạt 5 tấn/lồng, sản lượng đạt gần 5.000 tấn. Sản phẩm cá lồng được nhiều người ưa chuộng, dễ bán nên người nuôi thu lãi cao. Chỉ tính riêng cá rô phi, mỗi lồng đã cho lãi trên 30 triệu đồng/chu kỳ nuôi. Các loại cá khác như diêu hồng, chép lai, trắm đen, nheo, lăng… lãi còn cao hơn”.
Tuy nhiên theo đánh giá của Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), nghề nuôi cá lồng ở miền núi phía Bắc vẫn phát triển chậm, manh mún. Quy mô nuôi chưa được đầu tư tương xứng, việc áp dụng khoa học công nghệ vào nuôi thâm canh hạn chế nên chưa phát huy hết tiềm năng và nguồn lực của vùng…
Cần có hợp tác xã nuôi cá lồng
Theo TS Lê Thanh Lựu (Hội Nghề cá Việt Nam), mặc dù việc nuôi thủy sản trên hồ chứa có tiềm năng rất lớn, song thực tế hiện nay bà con vẫn chỉ dừng lại ở quy mô nuôi nhỏ lẻ và manh mún, chưa tạo ra nguồn cung thương phẩm dồi dào cho thị trường, chưa hình thành được các chuỗi giá trị thực thụ (gồm các nhà cung cấp vật tư thiết bị, con giống, thức ăn, nhà thu mua...). Theo TS Lựu, để nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững và cho thu nhập cao, các nhà nuôi cá lồng ven hồ cần tổ chức thành hợp tác xã, làm ăn theo chuỗi. Chỉ có tổ chức sản xuất theo chuỗi mới tạo được sản phẩm có chất lượng cao, giảm rủi ro, chi phí sản xuất và có khả năng cạnh tranh cao hơn...
Đồng tình, ông Nguyễn Văn Bình – Giám đốc HTX Nuôi cá đặc sản Thái Hòa, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) cho biết: “Để giúp các hộ nuôi cá lồng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, từ năm 2015 xã Thái Hòa đã phối hợp các sở, ban ngành thành lập HTX Nuôi cá đặc sản thái Hòa để phát triển cá nuôi đặc sản thành thương hiệu có uy tín. Tham gia HTX có 16 hộ nuôi cá lồng, các xã viên được đảm bảo quyền lợi trong việc cung ứng nguồn vốn, con giống, thứ ăn, đồng thời được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phòng trị các bệnh thường gặp ở cá…”.
Đại diện Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị, cần đưa chương trình phát triển bền vững nuôi cá lồng bè trong hồ, sông suối của khu vực trung du miền núi phía Bắc thành một chương trình quan trọng cho cả vùng, đồng thời thử nghiệm mô hình chuỗi giá trị cá lồng cho đồng bào tái định cư khi xây dựng hồ chứa.
Theo Đình Thắng/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;