Tham dự buổi khai mạc Lễ hội vải thiều Thanh Hà sáng nay, có: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, cùng đại diện nhiều tỉnh, thành, các đối tác thương mại. Hàng nghìn người dân đã đến dự lễ hội. Ngay trong buổi sáng khai mạc, hơn 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán vải thiều đã bán hết veo với giá từ 15.000-20.000 đồng/kg, tùy loại.
Mùa vải bội thu
Thiếu nữ xinh đẹp huyện Thanh Hà giới thiệu vải đến du khách.
Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn khách tham quan trong và ngoài tỉnh Hải Dương đã có mặt tại huyện Thanh Hà tham dự ngày hội. Thu hút đông nhất là những gian hàng trưng bày vải thiều đẹp mắt với nhiều loại sản phẩm chế biến từ vải. Ông Trần Văn Lưu đến từ quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng chia sẻ:" Tôi từ Hải Phòng xuống tham quan. Các gian hàng ngoài vải thiều còn trưng bày đa dạng phong phú các sản phẩm nông sản của địa phương. Vải thiều được mùa quan trọng nhất làm sao đảm bảo giá ổn định cho nông dân".
Vải thiều Thanh Hà đã được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ, đã được cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý từ năm 2007 và được dán tem truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các yêu cầu cho xuất khẩu.
Theo các tài liệu cổ, vải thiều đã được trồng tại huyện Thanh Hà cách đây khoảng 200 năm, từ vùng đất Thanh Hà, vải thiều được nhân giống ra trồng ở nhiều khu vực khác trong cả nước. Tuy nhiên, do đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn nước, nên vải thiều được trồng ở vùng đất Thanh Hà mang hương vị đặc trưng “hương thơm, vị ngọt”.
Niềm vui của nông dân Thanh Hà khi được một mùa vải thiều bội thu.
Năm 2018, tổng diện tích trồng vải trên địa bàn tỉnh Hải Dương khoảng 10.500ha tập trung chủ yếu tại huyện Thanh Hà và thị xã Chí Linh, dự kiến sản lượng đạt khoảng 60.000 tấn (vải sớm khoảng 20.000 tấn, vải thiều chính vụ khoảng 40.000 tấn). Đặc biệt sản lượng vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia, EU... đạt khoảng 1.000 tấn.
Riêng diện tích vải thiều của huyện Thanh Hà khoảng 4.000 ha áp dụng trồng theo tiêu chuẩn VietGap, trong đó có 1.000ha là vải chín sớm, ước sản lượng 15.000- 18.000 tấn, còn lại hơn 10.000 tấn là vải chín muộn.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái bày tỏ: "Năm 2018, lần đầu tiên tỉnh Hải Dương tổ chức lễ hội vải thiều Thanh Hà với nhiều hoạt động thiết thực nhằm kêu gọi và chào đón các doanh nghiệp, các siêu thị, chợ đầu mối, các thương nhân trong nước và quốc tế về với Hải Dương để tìm hiểu thị trường, tiêu thụ nông sản của tỉnh, đặc biệt là sản phẩm vải thiều Thanh Hà. Tỉnh Hải Dương sẽ hỗtrợ, tạo điều kiện tối đa đối với các doanh nghiệp các siêu thị, chợ đầu mối, các thương nhân trong nước và quốc tế đến với Hải Dương".
Các sản phẩm vải thiều Thanh Hà năm nay khá đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Có những loại vải phù hợp cho người thích ăn ngọt, có loại vải lại mang vị chua xen lẫn vị ngọt khá ngon.
Ông Thái cũng cho biết, đến thời điểm này, nhiều hợp đồng thu mua đã được ký kết. Sản phẩm vải quả và nông sản của tỉnh đã được đưa vào hệ thống siêu thị lớn tại Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Ngoài việc xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, vải quả của tỉnh đã xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Australia, Nhật…
Chị Phạm Thị Liêm, thôn An Lão, xã Thanh Khê, huyện Thanh Hà bày tỏ: "Quê hương của chúng tôi có cây "vải tổ" có nhiều vải ở những địa phương khác nhưng vải ở Thanh Hà mẫu mã đẹp, chất lượng. Bản thân tôi cũng như những nông dân trồng vải khác sản xuất vải mang đến cho người tiêu dùng cả nước để quảng bá thương hiệu vải thiều Thanh Hà sản xuất sạch và an toàn".
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Ngyễn Xuân Cường và Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển nếm thử vải thiều tại các gian hàng.
Lần đầu tiên 2 Phó Thủ tướng dự 2 lễ hội vải thiều
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, xúc tiến tiêu thụ cho vải thiều năm 2018 tại 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương với sự tham dự của 2 Phó Thủ tướng Chính phủ cho thấy, việc chăm lo tổ chức sản xuất nông nghiệp là sự nghiệp chung của cả hệ thống chính trị.
"Lễ hội không chỉ là dịp sinh hoạt cộng đồng tôn vinh nông dân trồng vải thiều, các thành phần tham gia sản xuất nông nghiệp, các doanh nghiệp mà còn là dịp tôn vinh nông sản Việt Nam. Đến nay, kinh tế nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước"- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Khách hàng đến chọn mua vải thiều.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết: "Ngoài việc tôn vinh vải thiều, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn huyện Thanh Hà nói riêng, tỉnh Hải Dương nói chung hình thành cách làm mới trong tái cơ cấu nông nghiệp. Theo đó, xây dựng chuỗi phát triển từ vùng nguyên liệu, chế biến, tổ chức thị trường theo hướng lựa chọn những đối tượng có lợi thế chuyên biệt cấp xã, cấp tỉnh, cấp quốc gia, cây gì, con gì phát huy lợi thế nhất là chúng ta làm".
Theo đó, khi làm phải ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất chuỗi chú ý không chỉ vùng nguyên liệu mà chú ý cả vùng canh tác, đảm bảo sạch nhất, tốt nhất, và chú ý tổ chức thị trường, chúng ta chỉ hoàn tất quá trình sản xuất đến khi bán hàng xong. Đây là một yêu cầu của tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu khai mạc Lễ hội vải thiều Thanh Hà 2018. Ảnh VRG
Phát biểu tại lễ hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại cách đây gần 4 năm khi lãnh đạo tỉnh Hải Dương cùng người dân Thanh Hà đưa cây vải thiều ra cả nước, trước hết vào trong miền Nam. Từ đó đến nay giá trị cây vải thiều, cùng hình ảnh của người dân Thanh Hà, Hải Dương được nhiều nơi biết đến hơn.
Chia sẻ niềm vui khi vải thiều Thanh Hà, vải thiều của Việt Nam đã có mặt ở nhiều nước kể cả những thị trường khó tính nhất, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Cùng với các kinh nghiệm canh tác, chăm sóc cây vải từ trước đến nay cần nghiên cứu để áp dụng các biện pháp mới trong canh tác, bảo quản chế biến, đáp ứng những yêu cầu thương mại khắt khe như: Sản phẩm sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế, truy xuất nguồn gốc, đổi mới công tác tiếp thị để sao cho sản phẩm này lan tỏa tốt hơn, đem lại giá trị cao hơn cho người dân, từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là tại các vùng thuần nông.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường xuống tận vườn để tìm hiểu về vụ vải thiều năm nay của nông dân.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn các địa phương, các vùng nông nghiệp đặc sản cần tính tới việc huy lợi thế, tiềm năng du lịch từ hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, gắn liền với văn hóa, cải thiện môi trường và hình thành các vùng du lịch sinh thái.“Đảng, Nhà nước đã quyết định sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với rất nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp phát huy triệt để lợi thế về văn hóa ở Việt Nam từ đó phát triển rất nhiều sản phẩm du lịch. Trong phát triển sản phẩm du lịch có sản phẩm du lịch nông nghiệp liên quan đến ẩm thực, miệt vườn”, Phó Thủ tướng nói.
Khai trương chuyến xe đầu tiên xuất khẩu vải thiều Thanh Hà sang Mỹ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cùng các đại biểu cắt băng khai trương chuyến xe đầu tiên xuất khẩu vải thiều Thanh Hà sang Mỹ. Cũng tại buổi lễ khai mạc sáng nay, UBND tỉnh Hải Dương đã tổ chức cắt băng khai trương chuyến xe đầu tiên chở vải thiều xuất khẩu sang Mỹ. Hiện nay, vải thiều Thanh Hà đã được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, được dán tem truy xuất nguồn gốc nên đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính. Năm 2018, tổng diện tích trồng vải trên địa bàn tỉnh khoảng 10.500 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Thanh Hà và thị xã Chí Linh với sản lượng khoảng 60.000 tấn. Trong đó, khoảng 1.000 tấn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Australia, EU. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã