Học tập đạo đức HCM

Liên kết phát triển các tỉnh Duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long

Thứ hai - 27/11/2017 01:28
Khu vực Duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh, được đánh giá là vùng châu thổ chịu nhiều tác động của con người và biến đổi khí hậu. Những địa phương này có nhiều tiềm năng tương đồng và nhu cầu liên kết phát triển kinh tế được đặt ra rất bức thiết.
Để xây dựng tầm nhìn chiến lược lâu dài chung và phát triển bền vững cho tiểu vùng Duyên hải phía Đông của vùng ĐBSCL thì các địa phương phải liên kết lại. Tầm nhìn là quan trọng và từ đó các tỉnh sẽ phải xác định hướng đi, cách làm ngay từ bây giờ, không thể chậm trễ hơn", TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhấn mạnh. 

Tỉnh Bến Tre là trung tâm chuyên cung cấp các loại cây giống trái cây cho khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. 

Nhiều tiềm năng 
 
Là vùng sản xuất trái cây đặc sản của vùng ĐBSCL, bao gồm nhiều loại đặc trưng như: Dừa, bưởi, nhãn, sầu riêng, vú sữa..., các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh nằm trong tiểu vùng ven sông Tiền, sông Hậu và gần biển. Cụm duyên hải phía Đông ĐBSCL này có diện tích tự nhiên gần 14.000 km2 là vùng kinh tế, văn hóa, chính trị quan trọng của khu vực phía Nam. Cùng với thế mạnh về kinh tế, vùng còn có tiềm năng du lịch đặc sắc, không giống bất kỳ vùng miền nào của cả nước là bức tranh tuyệt đẹp với khí hậu ôn hòa, cảnh quan hấp dẫn, con người thân thiện. 
 
"Với dân số hơn 5 triệu người, 4 tỉnh duyên hải phía Đông vùng ĐBSCL có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhất là về kinh tế biển, cây ăn trái, du lịch. Đây là vùng có các hệ sinh thái ngọt, mặn, lợ, nên có lợi thế về nuôi trồng thủy sản, cảng biển... đồng thời là cửa ngõ của vùng đồng bằng sông Cửu Long ra Biển Đông và ở gần 2 thành phố lớn là TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ", ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho hay. 
 
Nằm ngay trung tâm của cụm duyên hải phía đông ĐBSCL, tỉnh Bến Tre được hình thành trên ba dải cù lao Bảo, Minh, An Hóa và được bồi đắp bởi 4 dòng sông hiền hòa, mang nặng phù sa là sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên. Với môi trường sinh thái đa dạng, đất đai màu mỡ, Bến Tre đang trở thành một trong những vựa cây ăn trái và cây giống lớn của khu vực ĐBSCL. Đặc biệt, nơi đây được coi là xứ dừa với khoảng 63.000ha trồng dừa, chiếm trên 1/3 diện tích dừa của cả nước. 
 
Vùng đất này còn nổi tiếng với hệ thống các cồn nổi như: cồn Phụng, cồn Quy (huyện Châu Thành); cồn Phú Đa (huyện Chợ Lách); cồn Ốc (huyện Giồng Trôm); cồn Nhàn, cồn Hố (huyện Ba Tri)... Còn tỉnh Tiền Giang thoai thoải bên bờ sông Tiền với nhiều phù sa, rất thích hợp trồng cây ăn quả. 
 
Đến nay, diện tích cây ăn quả của tỉnh Tiền Giang chiếm 10% diện tích cây ăn quả cả nước, cho sản lượng gần 900.000 tấn quả/năm, đạt giá trị hơn 2.500 tỷ đồng, chiếm 24% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp; cây ăn quả cho thu nhập cao từ 80 - 100 triệu đồng/năm/ha. 
 
Hiện nay khắp nơi trong tỉnh Tiền Giang đều trồng được cây ăn quả, mỗi vùng đất có một loại cây đặc trưng riêng, như: thanh long (huyện Chợ Gạo), khóm (huyện Tân Phước), sầu riêng, chôm chôm (huyện Cai Lậy), sơ ri Gò Công, bưởi lông, xoài cát Hòa Lộc (Cái Bè), mãng cầu Xiêm (Tân phú Đông)...
 
"Riêng 2 tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long được đánh giá có tiềm năng về nông nghiệp dồi dào, đặc biệt về thủy sản, trong đó con tôm đang được phát triển quy hoạch thâm canh tăng vụ đúng với tiềm năng phấn đấu trở thành vùng chuyên canh về tôm đi đầu trong xuất khẩu. Cùng với Tiền Giang, Bến Tre thế mạnh về du lịch, đặc biệt tiềm năng của các di sản, di tích, văn hóa của người Khmer sẵn có trên địa bàn của 2 tỉnh rất dồi dào có thể giúp 2 tỉnh nói riêng và cả vùng nói chung có những bước tiến khởi sắc trong kinh tế", TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết. 
 
Liên kết lỏng lẻo 
 
Nhiều ý kiến cho rằng thời gian qua, các địa phương trong vùng vẫn phát triển kinh tế theo hướng tự phát, manh mún theo kiểu riêng, chưa liên kết, thậm chí nhiều lĩnh vực còn chồng chéo, tự cạnh tranh nhau. Trong khi đó xu thế liên kết là hướng đi tất yếu của các địa phương, phù hợp với Quyết định 593 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm liên kết vùng cho sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL. 
 
Vấn đề đặt ra là các địa phương phải có kế hoạch, chương trình cụ thể, phù hợp để thực hiện công tác liên kết, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi thành viên trong tiểu vùng, theo nguyên tắc tôn trọng quy luật tự nhiên, hỗ trợ, hợp tác lẫn nhau. 
 
Ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho biết những năm qua, vấn đề liên kết các tỉnh duyên hải phía Đông có đặt ra, nhưng chưa được rõ nét, chủ yếu do chưa có cách tiếp cận chiến lược thích hợp, chưa xác định đúng tầm nhìn và sự đồng thuận cao giữa lãnh đạo các tỉnh. Nhiều tiềm năng là thế nhưng vùng này phát triển còn rất chậm, thiếu sự liên kết chặt chẽ, phổ biến tình trạng “mạnh tỉnh nào tỉnh ấy làm”. 
 
Do vậy, vấn đề liên kết tiểu vùng là rất cần thiết để các địa phương phát triển nhanh và bền vững. "Những bất cập trong sản xuất nông nghiệp ở tiểu vùng này là diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phân tán nên khó sản xuất hàng hóa quy mô lớn, khó áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Chính vì vậy, sản lượng nông sản sạch, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu rất hạn chế nên giá trị gia tăng chưa cao. Hơn nữa, ngành Công nghiệp chế biến nông sản trong tiểu vùng hầu như chưa phát triển và thiếu liên kết với người sản xuất nhằm xây dựng vùng nguyên liệu ổn định", ông Võ Thành Hạo phân tích. 
 
Ông Ngô Đông Hải, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, cho biết ngoài "nút thắt" do quy định của luật hiện nay, thì việc liên kết vùng ở ĐBSCL thời gian qua chưa đi vào thực tế còn do các tỉnh/thành trong vùng vẫn có tư duy quá chú trọng vào lợi ích riêng của địa phương. Các tỉnh trong vùng tranh thủ tận dụng mọi cơ hội, mọi nguồn lực để phát triển cho kinh tế - xã hội riêng của địa phương mình đã làm cho việc liên kết trên bình diện toàn vùng tiến triển chậm chạp.
 
Vấn đề mang tính chất sống còn lúc này là các địa phương phải hành động ngay, hạn chế đợi chờ bàn bạc không cần thiết, chỉnh sửa rồi mới đưa vào triển khai thực hiện. Các tỉnh phải quyết liệt hành động và mạnh dạn triển khai với tư thế làm vướng chỗ nào sửa sai chỗ đó. 

Có tiềm năng về thủy sản, tỉnh Trà Vinh đang tập trung phát triển con tôm để xuất khẩu.

Đối mặt khó khăn 
 
Theo các chuyên gia nông nghiệp, là những tỉnh có đường bờ biển rất dài, ba tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh đang đối mặt với nguy cơ xâm thực bờ biển nghiêm trọng. Hậu quả trước mắt sẽ làm tan rã, biến mất dần rừng phòng hộ, hệ sinh thái rừng ngập mặn. 
 
Vì vậy, một trong những thách thức của vùng này là phải ngăn chặn xâm thực của biển, hạn chế xói lở bờ biển bởi nguy cơ mất hệ sinh thái rừng ngập mặn của cả vùng. "Đây là nguy cơ mà hiện tại các huyện Gò Công (tỉnh Tiền Giang), Bình Đại, Thạnh Phú, Ba Tri (tỉnh Bến Tre) và Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) phải đối mặt. 
 
Nếu ba tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh không phát triển ra hướng Đông - hướng biển thì sẽ vẫn nghèo. Nông nghiệp trong đất liền đã bão hòa, càng ngày càng khó. Mà tiềm năng kinh tế biển của ba tỉnh rất lớn. Đi liền với thách thức là tầm nhìn hướng ra biển, lấn biển", ông Võ Thành Hạo gợi ý. 
 
Thời gian dài tiểu vùng Duyên hải phía Đông vẫn còn nhiều bất cập trong sản xuất nông nghiệp khi diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phân tán nên khó sản xuất hàng hóa quy mô lớn, khó áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Sản lượng nông sản sạch, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu rất hạn chế nên giá trị gia tăng chưa cao. Trong khi đó ngành công nghiệp chế biến nông sản trong tiểu vùng hầu như chưa phát triển và thiếu liên kết với người sản xuất, vùng nguyên liệu chưa xây dựng ổn định... 
 
Do đó, các sản phẩm thường có giá trị gia tăng thấp, xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường dễ tính. Việc xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như: Mỹ, EU, Nhật Bản... rất hạn chế, do vấn đề về chất lượng sản phẩm và hệ thống logistic hỗ trợ chưa đồng bộ. 
 
Đối với ngành hàng dừa, mặc dù thời gian gần đây có sự phát triển khá mạnh và đa dạng sản phẩm nhưng chưa ổn định, thiếu tính bền vững vì những tình trạng biến động về giá cả thị trường, cũng như bất cập về cung cầu nguyên liệu. 
 
"Tiểu vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề môi trường gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Theo các kịch bản biến đổi khí hậu, khu vực ven biển đồng bằng sông Cửu Long được dự đoán là sẽ phải gánh chịu các tác động kết hợp của nước biển dâng, suy giảm nguồn nước ngọt vào mùa khô; điều này sẽ ảnh hưởng tới khả năng bảo vệ vùng ven biển và nguy cơ xâm nhập mặn vào vùng đồng bằng. Những thách thức, khó khăn mà bốn tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long cần quan tâm khi cùng nhau liên kết phát triển là xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt; nước biển dâng và xói mòn bờ biển; phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp và tăng trưởng nông nghiệp giảm; công nghiệp và dịch vụ chậm phát triển; chất lượng nguồn nhân lực thấp; kết nối hạ tầng quy mô nhỏ... ", ông Nguyễn Văn Giáp, Đại học Fulbright cho biết.
 

Ông Võ Thành Hạo, Bí thư tỉnh ủy Bến Tre: 

Xóa bỏ tư duy cục bộ địa phương 

 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét hơn, bên cạnh những cơ hội mới được mở ra cũng có không ít những khó khăn, thách thức ở phía trước cần được hợp sức để giải quyết. Cũng như các địa phương khác, Bến Tre mong muốn liên kết, hình thành tiểu vùng để tạo ra môi trường chung, phối hợp giải quyết những vấn đề mà từng tỉnh sẽ không làm được, nhằm phát huy thế mạnh, khai thác tốt nhất lợi thế so sánh của tiểu vùng, có tiếng nói chung trong việc kiến nghị Trung ương có những cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư phát triển cho vùng nói chung và cho từng tỉnh nói riêng. 

 

Để thúc đẩy việc liên kết, hợp tác cùng phát triển bền vững trong thời gian tới, với những quan điểm liên kết là phải thực hiện, đã đến lúc chúng ta cần quyết tâm, đồng lòng, xóa bỏ tư duy cục bộ địa phương, hợp tác trên tinh thần quyết liệt với trách nhiệm cao để cùng có lợi. Ý kiến đóng góp của các chuyên gia sẽ được tổng hợp làm cơ sở điều chỉnh chiến lược phát triển của tiểu vùng phù hợp điều kiện sinh thái với 3 nhóm sản phẩm chủ lực là thủy sản, cây ăn quả, lúa; xây dựng ngành thủy sản và cây ăn quả trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; gắn kết sự tham gia của các bên trong việc hành chuỗi giá trị mới. 

 

Ông Ngô Chí Cường, Phó Bí thư tỉnh Trà Vinh: 

Phát huy thế mạnh liên kết vùng 

Các tỉnh vùng duyên hải phía Đông có thể rút kinh nghiệm từ tiểu vùng Đồng Tháp Mười khi thành công trong việc liên kết với các tỉnh thành xung quanh, phát huy được lợi thế địa phương. Công việc cần làm ngay lúc này là đánh giá lại tiềm năng các tỉnh vùng duyên hải phía Đông rồi từ đó mới rút ra được vấn đề cần hợp tác. Các tỉnh cần bàn liên kết những gì để phát huy thế mạnh của bốn tỉnh với vùng biển rất lớn. Yêu cầu đặt ra là quản lý, khai thác hiệu quả trong đánh bắt, khai thác, chế biến nuôi trồng thủy sản; trong sản xuất nông nghiệp phải quyết việc làm cho những tỉnh nghèo có đồng bào thiểu số... Theo tôi các tỉnh nên giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư kết nối phân tích tình hình chung của cả vùng như thách thức, cơ hội và mục tiêu, giải pháp tiến tới có văn bản trình Chính phủ về việc hợp tác liên kết tiểu vùng duyên hải phía Đông huy động sức mạnh tổng lực của các bộ, ngành... 

Ông Trần Hoàng Tựu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long: Suy nghĩ về lợi ích vùng 

Muốn liên kết trước hết phải suy nghĩ về lợi ích vùng, hành động về vùng, phải nhất quán trong các hành động và thậm chí là phải hy sinh, chia sẻ cho nhau. Trong nông nghiệp, chọn một số mặt hàng để liên kết. Cái nào dễ làm trước, vấn đề nào khó thì làm sau. Trước mắt ưu tiên liên kết ở một số lĩnh vực có điều kiện để phát huy hiệu quả. Chẳng hạn như tỉnh Bến Tre chọn cây dừa để xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực. Tỉnh Bến Tre có các nhà máy chế biến dừa, tỉnh Vĩnh Long trồng dừa thì bán cho Bến Tre để chế biến. Các tỉnh cần phát huy ưu thế về kinh tế biển và không nên tham vọng nhiều nội dung. Nếu xác định liên kết, hợp tác để cùng nhau tiến bộ, phát triển thì cần cùng nhau đánh giá tìm ra những điểm chung bao gồm: tiềm năng phát triển trong ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; lợi thế so sánh để phân công sắp xếp hài hòa; kết nối để nâng cao chuỗi giá trị... Trước mắt, các tỉnh cần tìm cách để “nắm tay” lại với nhau để đi nhanh, không chồng chéo. Để đạt được tầm nhìn chiến lược mong muốn, các tỉnh cần chọn được những lĩnh vực liên kết gồm những lĩnh vực có thể hợp tác, cộng lực giữa các tỉnh; những lĩnh vực cần hài hòa, hạn chế cạnh tranh không cần thiết và những lĩnh vực từng tỉnh đơn lẻ khó giải quyết được trong phạm vi tỉnh mình; xác định những hành động cụ thể và kế hoạch thực hiện... 

Lê Nghĩa 
 
 


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập334
  • Hôm nay44,668
  • Tháng hiện tại819,946
  • Tổng lượt truy cập91,993,675
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây