Theo Sở NN-PTNT tỉnh Long An, từ cuối năm 2016 đến nay, đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp luôn gặp khó khăn. Nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng giống có năng suất cao, chất lượng tốt, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất còn hạn chế, từ đó khiến giá thành sản xuất và tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch cao.
Ngoài ra, nông dân thường mạnh ai nấy làm, chưa theo định hướng thị trường, chưa có sự liên kết… nên dễ bị thương lái chèn ép, bán giá rẻ mạt dẫn đến thua lỗ. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp của tỉnh chưa đa dạng, lúa vẫn là cây trồng chủ lực và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành. Sản phẩm nông nghiệp chưa bảo đảm an toàn, nhất là việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực quản lý, kỹ thuật chuyên ngành nông nghiệp của tỉnh còn hạn chế về trình độ, năng lực, nhất là trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tiên tiến để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế…
Nhận thức được điều đó, tỉnh Long An đã đưa ra nghị quyết về chương trình đột phá phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020”. Mục đích là xây dựng mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nhằm phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Theo ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, đề án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, tập trung vào 3 cây và 1 con là cây lúa, cây rau, cây thanh long và bò thịt. Phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh, gồm 20.000ha sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao ở các huyện Đồng Tháp Mười (Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường); 2.000ha thanh long tại huyện Châu Thành; 2.000ha rau tại huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP Tân An; xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ. Ngoài ra, tỉnh sẽ hình thành 1-2 cơ sở ươm tạo công nghệ cao; hỗ trợ doanh nghiệp đạt chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo thống kê, đến nay Long An đã có 1.500ha lúa ứng dụng công nghệ cao; hơn 86ha rau sản xuất an toàn tại 4 HTX và 4 tổ hợp tác trên địa bàn các huyện Cần Đước, Cần Giuộc và Đức Hòa. Ông Lê Văn Hoàng nhìn nhận, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng, tất yếu trong nền nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, bước đầu triển khai tại tỉnh vẫn còn khó khăn và bất cập giữa các bên tham gia.
Theo đề án ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tập trung vào 3 cây và 1 con, ngoài cây lúa, cây rau, thanh long đang hình thành những bước đi đầu tiên, trong khi việc quy hoạch, triển khai vùng chăn nuôi bò thịt tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ vẫn còn ì ạch. Hiện 2 địa phương này chỉ dừng lại ở giai đoạn chọn địa bàn, hỗ trợ trồng cỏ...
Để đầu tư làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, người dân phải tốn thời gian, chi phí, công nghệ… trong khi đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định khiến nông dân luôn lo ngại. Có thể nói, đầu ra cho nông sản là khâu cuối cùng nhưng lại là khâu quan trọng nhất trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Do đó, Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân… cần gắn kết lợi ích hài hòa và trách nhiệm giữa các bên tham gia. Có như vậy, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới “cất cánh”.
Theo: Kiến Văn/sggp.org.vn