Công cuộc xoá đói-giảm nghèo đã có sự chung tay hiệu quả của các ngành, các cấp, trong đó NHCSXH được xem như một người bạn đặc biệt, luôn đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách.
Tại các điểm giao dịch xã, cán bộ NHCSXH tỉnh Hải Dương hướng dẫn bà con hoàn tất các thủ tục vay vốn |
Ngay giữa vùng đồng bằng Bắc bộ, 2 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương nay đã đổi thay trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chuyển biến tích cực về giảm nghèo bền vững nhờ nhiều đóng góp của NHCSXH.
Những người làm tín dụng chính sách nơi đây không chỉ bám sát sự chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, của địa phương và phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai đồng bộ các giải pháp trong huy động nguồn vốn, mà còn tìm cho mình cách đi riêng, phù hợp trong tổ chức cho vay vốn nhằm giúp đỡ người dân chủ động đầu tư SXKD, vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống và làm giàu chính đáng.
Ngược dòng thời gian vào năm 2003, các chi nhánh NHCSXH tại hai tỉnh Hưng Yên, Hải Dương được thành lập với số lượng cán bộ và tài sản vô cùng ít ỏi, không trụ sở, trang thiết bị làm việc rất thiếu thốn, lạc hậu.
Khó khăn bộn bề, nhưng với ý chí vượt khó, tinh thần đoàn kết, 52 cán bộ, nhân viên của chi nhánh đã nỗ lực với quyết tâm cao, khẩn trương triển khai việc cho vay vốn chính sách, đem lại kết quả khả quan từ buổi sơ khai.
Sau 14 năm, vượt mọi khó khăn, thử thách, các chi nhánh NHCSXH hai tỉnh Hưng Yên, Hải Dương đã có những bước tiến vững chắc, như nâng tổng nguồn vốn mỗi tỉnh lên xấp xỉ 2.800 tỷ đồng, tăng 17 lần so với thời điểm ban đầu, cùng đội ngũ cán bộ không ngừng lớn mạnh về số lượng, chất lượng, có kiến thức, năng lực điều hành tác nghiệp, đặc biệt giàu tâm huyết với nghề nghiệp.
Cần mẫn, năng động, những “người lính” trên mặt trận chống đói nghèo nơi đây vẫn luôn hành động theo phương châm “3 cùng”, tất cả vì dân nghèo. Hiện nay, các chi nhánh đã có điểm giao dịch trải khắp toàn tỉnh xuống tận các xã, giúp người dân tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, cùng với mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, xóm.
Đặc biệt công tác đổi mới quy trình, thủ tục cấp tín dụng cũng như phương thức tập trung ưu tiên đầu tư các dự án kinh tế trọng điểm và các xã xây dựng nông thôn mới đã làm cho nguồn vốn chính sách phát huy hiệu quả rõ rệt.
Chi nhánh NHCSXH Hưng Yên đã kề vai sát cánh với cán bộ chính quyền, đoàn thể, đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh hỗ trợ tiền vốn, kỹ thuật kịp thời cho bà con khai thác tiềm năng, lợi thế, xây dựng mô hình kinh tế với các cây, con đặc sản như chuối hồng, nhãn lồng, bưởi vàng, quất cảnh, ong mật, gà Đông Tảo...
Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ dân vùng đất bãi bồi Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động... thoát hẳn nghèo, xây dựng cơ ngơi bề thế. Anh Nguyễn Văn Thuận ở xã Liên Nghĩa đã sử dụng số tiền vay của NHCSXH huyện Văn Giang mua giống trồng cây ăn trái, mỗi độ Tết đến, xuân về thu nhập tới năm, sáu trăm triệu đồng.
Còn gia đình ông Trịnh Văn Quỳnh ngụ thôn Lễ Chân, xã Hồng Nam, TP. Hưng Yên có cuộc sống đầy đủ cùng ngôi nhà xây khang trang cũng bởi được vay vốn ưu đãi thuận lợi, kịp thời cải tạo khu đất lầy lội thành vườn cây nhãn lồng và nuôi 300 thùng ong lấy mật.
“Trông nhờ cả vào sự giúp đỡ, chỉ dẫn của mấy anh, mấy chị cán bộ tín dụng chính sách mà gia cảnh chúng tôi đổi đời, no đủ đấy. Mong muốn ra giêng gia đình được vay thêm vốn ưu đãi để mở rộng trang trại, phát triển nghề chăn nuôi truyền thống”, ông Quỳnh phấn chấn nói.
Cũng giống những đồng nghiệp ở tỉnh Hưng Yên, những cán bộ tín dụng chính sách Hải Dương đã đến từng xóm, từng làng để giúp người nghèo, cùng vượt khó với người dân, phát triển sản xuất, từng bước nâng cao cuộc sống.
Từ sự nỗ lực đó, nguồn vốn ưu đãi đã đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, có tác dụng tích cực, mạnh mẽ tới chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Tình trạng nông dân phải đi vay “nóng” ở bên ngoài chịu lãi suất cao đã chấm dứt.
Đến nay nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần hỗ trợ 2/3 số xã của huyện Nam Sách đạt chuẩn nông thôn mới, và giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 10,8%/năm 2011 xuống còn 2,6% vào cuối năm 2016. Tiêu biểu như chị Phạm Thị Thạc ở thôn Vạn Tảo được vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi thông qua Hội Phụ nữ xã Hồng Phong đã đầu tư thâm canh vườn chuối và ruộng rau. Sau thời gian siêng năng lao động, gia đình chị thoát nghèo, xây được nhà hai tầng kiên cố đón Xuân Đinh Dậu, và sở hữu 8 sào bắp cải, su hào cùng đàn lợn 20 con.
Cũng như chị Thạc, gia đình chị Nguyễn Thị Hoài đã sử dụng 45 triệu đồng vốn vay của chương trình HSSV để chi phí cho cả 3 người con theo học đại học, cao đẳng. Hiện cô con gái lớn Nguyễn Thị Chi đã tốt nghiệp, làm giáo viên tại trường tiểu học xã Hồng Phong, có thu nhập ổn định, hàng tháng vẫn đều đặn gửi tiền giúp mẹ trả nợ ngân hàng.
Chị Hoài tâm sự: “Mình được cán bộ ngân hàng tạo cơ hội vay vốn cho con em học hành đến đầu đến đũa nên cũng phải có trách nhiệm sử dụng đồng vốn vay sao cho hữu ích”.
Đông Dương
http://thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã