Người dân góp công, góp của bê tông hóa đường làng ngõ xóm |
Năm 2013, xã Quốc Tuấn, huyện An Dương (TP Hải Phòng) mạnh dạn quy hoạch lại SX nông nghiệp, chuyển đổi đất lúa năng suất kém sang trồng các loại cây hàng hóa giá trị cao. Sau 5 năm, với sự cần cù, ham học hỏi của người dân, Quốc Tuấn đã trở thành vùng trồng đào cảnh trù phú, cuộc sống người dân ấm no, nông thôn ngày một đổi mới.
Ông Nguyễn Văn Bến, Phó Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn cho biết, dù cách trung tâm TP Hải Phòng không xa nhưng nơi đây vẫn là một vùng thuần nông với những con người chân chất, cuộc sống bình yên. Xã có hơn 2.000 hộ dân với gần 8.000 nhân khẩu, đời sống gắn bó với SX nông nghiệp.
Theo thống kê, năm 2012, thu nhập trên địa bàn xã chỉ đạt 15 triệu/người/năm. Tuy nhiên, con số mới nhất được báo cáo đã tăng lên 41 triệu đồng. Cả xã Quốc Tuấn không còn tìm thấy một căn nhà tạm, đường làng ngõ xóm phong quang. Vì đâu có sự bứt phá thần kỳ đến như vậy?
Theo ông Bến, năm 2013, trong nghị quyết của Đảng bộ xã đã đề ra mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao đời sống người dân để chung tay xây dựng NTM. Cuối cùng, cây được lựa chọn để chuyển đổi cơ cấu là đào cảnh bán dịp Tết. Ông Bến khẳng định, nếu làm tốt, thời tiết thuận lợi, một hộ dân dịp Tết có thể thu về hàng trăm triệu đồng tiền đào. Và đương nhiên, giá trị của loài cây này gấp nhiều lần so với cây lúa.
Ông Chu Văn Bộc, trưởng thôn Nhu Kiều, cả thôn có 550 hộ thì 100% thuần túy làm nông nghiệp. Từ khi có chủ trương đó tới nay, người dân đã chuyển được trên 30ha trồng lúa sang cây đào cảnh hay rau màu. Thậm chí, một hội sinh vật cảnh thôn được thành lập với 121 hội viên tham gia, giúp đỡ nhau kỹ thuật, cả vốn SX.
Hôm chúng tôi về, người dân Nhu Kiều đang tất bật đổ con đường bê tông mới rộng thênh thang. Theo ông Bộc, con đường bê tông cũ được làm năm 2010, các gia đình tự nguyện đóng góp 3,5 triệu đồng/khẩu. Nay được Nhà nước cho xi măng, cả thôn lại thống nhất đóng thêm mỗi khẩu 1,7 triệu đồng để làm đường mới, dày hơn, rộng hơn.
Anh Quản Văn Cường, làng Nhu Kiều bảo, cuộc sống nhờ có cây đào mà vơi bớt khó khăn đi nhiều. “Vùng đất này trồng lúa kém năng suất lắm, nếu thời tiết thuận lợi, cao lắm cũng chỉ tạ rưỡi, tạ bảy thóc một sào thôi. Một năm tính ra chỉ thu được 400 nghìn/sào. Còn năm nào mưa bão hay dịch bệnh thì mất trắng”.
Anh Cường mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ đất lúa sang trồng đào cảnh. Mỗi sào anh trồng khoảng 120 gốc đào loại trung bình, loại gốc to thì thưa hơn. Từ thực tiễn và học hỏi kinh nghiệm các vùng hoa cây cảnh, tới nay anh Cường được biết tới là thợ lành nghề trong trồng đào ở xã Quốc Tuấn. Dịp Tết, giá mỗi cây đào có giá vài trăm nghìn đồng. Cá biệt có những cây đào thế, gốc đẹp khách mua 4 – 5 triệu đồng.
Hàng trăm hộ dân ở xã Quốc Tuấn đã chuyển đổi sang trồng đào cảnh |
“Mỗi sào đào một năm cũng thu được 72 triệu đồng, sau trừ chi phí hơn gấp nhiều lần trồng lúa. Nếu không mạnh dạn chuyển đổi, mà chỉ trồng lúa thì gia đình sẽ không đủ sống, con cái cũng không thể học hành đầy đủ. Sắp tới tôi sẽ thuê thêm đất để mở rộng diện tích trồng đào”, anh Cường tâm sự.
Tương tự, năm 2013, gia đình anh Nguyễn Văn Bích cũng mạnh dạn chuyển đổi hơn 7 sào đất lúa sang trồng đào cảnh. Với loại đào gốc to, đẹp như nhà anh Bích, dịp Tết có giá 1 triệu đồng/gốc. Với 300 gốc đào, sau khi bán và trừ chi phí, anh bỏ túi khoảng hơn 200 triệu đồng.
Theo anh Bích, trong 5 vụ đào vừa qua, chưa năm nào vùng này bị thất thu, cũng không lỗ vốn bao giờ. Do cây đào ít bị sâu bệnh, ít phải sử dụng thuốc BVTV nên hạn chế được ô nhiễm môi trường sống.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Bến khẳng định, chính nhờ cây đào, vài năm trở lại đây, cuộc sống của người dân ngày một ấm no. Kinh tế ngày càng phát triển, từ đó bộ mặt nông thôn cũng đổi mới. Từ năm 2012, Quốc Tuấn hòa mình vào phòng trào xây dựng NTM của Hải Phòng nói riêng, cả nước nói chung. Tới nay, Quốc Tuấn đã cơ bản hoàn thành đủ 19 tiêu chí NTM. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã