Hiệu quả từ những mô hình điểm
Theo tổng hợp mới nhất của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH), tới thời điểm này, có khoảng 38.600 người ở các tỉnh, thành phố học nghề trồng trọt và chăn nuôi.
Một lớp dạy nghề trồng hoa lan ở Đà Nẵng. |
Điều kiện tiên quyết để chọn nghề đào tạo là phải phù hợp với công việc người lao động đang làm, với quy hoạch phát triển nông nghiệp của địa phương và dự định sản xuất của người lao động sau khi học (ví dụ: Dạy nghề trồng sắn cho người dân đang trồng sắn tại Quảng Trị, dạy nghề nuôi gà đồi cho người dân đang nuôi gà tại Bắc Giang, Thái Nguyên...) hoặc lao động có nhu cầu và điều kiện trồng cây mới, nuôi con mới có hiệu quả hơn. Người dạy là cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, các chuyên gia, nhà khoa học của các viện nghiên cứu (Viện Lúa, Viện Bông, Viện Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học nông nghiệp...) và nông dân sản xuất giỏi.
Kết quả sau đào tạo nhìn chung khá ấn tượng khi người dân đã nâng cao được chất lượng, sản lượng sản xuất, nâng cao năng suất lao động và giảm chi phí sản xuất, thu nhập tăng. Ví dụ, sau lớp nghề trồng lúa chất lượng cao ở Hậu Giang, sản lượng tăng từ 0,5 - 0,7 tấn/ha/vụ, giảm chi phí sản xuất từ 2 - 2,3 triệu đồng/ha do người học biết cách tính toán lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chọn giống, thời điểm chăm sóc...
Đặc biệt, một số địa phương sau khi tổ chức các lớp dạy nghề đã hình thành các hợp tác xã, tổ nhóm sản xuất như hợp tác xã sản xuất lúa chất lượng cao và sản xuất lúa giống tại Hậu Giang; CLB triệu phú trồng sắn tại Quảng Trị; CLB trăm triệu tại vùng trồng mía đường Thanh Hóa...
Còn nhiều khó khăn
Tuy nhiên, theo nhận định chung, ở một số địa phương, việc lựa chọn nghề làm thí điểm có phạm vi rộng, chưa đi sâu vào từng cây, con cụ thể (như dạy trồng cây lương thực, thực phẩm, trồng cây ăn quả, trồng cây công nghiệp, dạy nghề chăn nuôi, thú y, nghề nuôi gia súc, gia cầm...) nên nội dung khóa học chưa sát với nhu cầu của người học. Ông Mạc Văn Tiến - Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề bày tỏ: "Việc không xây dựng nghề cụ thể dẫn tới người dân học xong không áp dụng được vào thực tế sản xuất”.
Tương tự, một số nghề triển khai chưa bám theo quy hoạch phát triển cây trồng, vật nuôi ở địa phương nên sau khi học xong, người học khó tổ chức sản xuất. Bởi vậy, tại các tỉnh hiện nay, mô hình đào tạo nghề nông nghiệp hiện đang được định hướng phải căn cứ vào quy hoạch phát triển nông nghiệp, vùng sản xuất, cây trồng, vật nuôi; phải cụ thể đến từng cây trồng, vật nuôi. Người học là những người đang trực tiếp nuôi trồng cây, con hoặc có nhu cầu nuôi trồng cây, con mới theo quy hoạch phát triển nông nghiệp của địa phương.
Tại Hội nghị tổng kết 2 năm thực hiện Đề án 1956, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh, sẽ không đào tạo nghề nếu không gắn với việc làm. Trong lĩnh vực nông nghiệp, điều đó phải thể hiện ở chỗ, cơ sở đào tạo bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, các trường, trung tâm dạy nghề phải có mối liên hệ với doanh nghiệp sử dụng người lao động hoặc bao tiêu sản phẩm cho người học. Cơ sở đào tạo được lựa chọn phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp xã cung cấp cho lao động nông thôn các thông tin cụ thể quy hoạch phát triển nông nghiệp, nội dung, thời gian, phương thức đào tạo, thông tin về việc làm sau khi học (địa điểm, điều kiện làm việc...) để người có nhu cầu học biết và quyết định việc đăng ký học nghề.
Nguồn danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã