Ngôi nhà của chị Quý nằm sâu trong con ngõ nhỏ, rộn vang tiếng chim muông. Chị Quý bảo, vợ chồng chị chọn ngôi nhà này cũng là một cái duyên. Người ta cho đất mặt đường chị không nhận, vợ chồng bàn nhau mua cả một quả đồi sâu trong ngõ. Xung quanh nhà là rừng cây xanh tốt, tỏa bóng mát. Chị Quý cũng thuộc diện “chịu chơi”, có bao tiền tích góp được, chị xây chuồng trại hết để cho chim trĩ, công, gà lôi, gà rừng ở.
Khác với việc xây dựng chuồng trại để nuôi gia súc, gia cầm, chuồng để nuôi chim rừng phải đảm bảo được cả yếu tố thiên nhiên trong đó. Trong chuồng phải có cây, phía trên chuồng có bóng mát và phải quây kín bằng sắt mắt cáo. Mỗi chuồng đều có khóa cẩn thận. “Lũ chim rừng này tinh lắm, mình làm cái gì không “ưng ý”, chúng sẽ tìm mọi cách bỏ đi”, chị Quý cho biết.
Chị Lương Thị Quý đã thành công trong việc cho mẹ gà nuôi con của chim trĩ.
Dãy chuồng gà rừng nằm trước nhà, hiện giờ có 3 con mái trong thời kì sinh sản. Chuồng cho gà rừng phải làm rất kì công. Chị phải đặt rất nhiều thanh ngang cho gà rừng bay, nhảy. Chị còn lót một cái ổ rơm cho gà mái đẻ. Nom thấy người tiến gần chuồng, chú gà trống lông mượt như tơ, đi lại thoăn thoắt lao thẳng về phía chúng tôi giơ móng vuốt lên dọa nạt.
Chị Quý chia sẻ với danviet.vn, giống gà rừng là khó thuần hóa nhất. Suốt mấy chục năm qua, chúng vẫn coi người nuôi chẳng ra gì. Hễ vào chuồng là chúng nhảy bổ ra đòi ăn thua. Có lần chị Quý quên không đóng cửa chuồng, chỉ trong nháy mắt cả lũ gà rừng hơn chục con bay sạch. Mỗi sáng chúng còn gáy te te ở trên đồi mà chị không sao dụ chúng về chuồng được nữa.
Chị Quý cho biết, 1 con chim trĩ là loài siêu đẻ mỗi năm có thể đẻ cả trăm trứng.
Nuôi chúng nhiều năm dần dà, chị Quý cũng hiểu được bản tính của giống gà khôn ngoan này. Gà mái đẻ mỗi lứa từ 6-9 quả trứng. Gà mái ấp trứng gần một tháng là nở. Chúng nuôi con được 1 tuần là bỏ. Gà con tự thân vận động nên rất dễ chết. Chú gà trống nhốt chung, thỏa sức dọa nạt chính “đàn con” của mình. Đây cũng là lí do giải thích vì sao, lượng gà rừng sinh trưởng không được nhiều. Thời gian vừa rồi, chị lấy trừng gà rừng cho gà ta ấp. Mỗi lứa được vài con. Khát khao trở lại rừng đã ngấm vào gen mỗi chứ gà rừng con. Hở ra là chúng chạy mất.
Cạnh chuồng gà rừng là dãy chuồng của các “nàng” công. Gần chục con công đang thời kì sinh sản đều do bàn tay chị Quý nuôi nấng chúng từ khi còn trứng nước. Đám công đực đang xòe đôi cánh rộng với muôn màu “ve” gái. Đám công cái cũng chẳng vừa, chúng chẳng thèm đoài hoài gì đến chàng công đực đang ra sức lấy lòng mình. Chứng kiến cảnh này chị Quý tủm tỉm, những “nàng” công này rất khảnh ăn. Ngoài ngô, đậu tương ra, chúng rất thích ăn rau sạch. Bữa nào cũng phải có rau, chúng mới ở yên trong chuồng. Được cái bù lại, các “chị” này sinh sản rất tốt. Từ một hai con công giờ chị Quý đã có cả một đàn công.
Quả thực để thuần hóa được lũ chim rừng sinh sống yên ổn trong chuồng đã khó, cho chúng sinh sản còn khó hơn nhiều lần. Đám chim trĩ 7 màu là loài vô địch vể đẻ. Chúng đẻ sòn sòn trong suốt 3 tháng trời. Có con đẻ cả trăm quả trứng. Cái khó là chọn xem quả trứng nào có sống. Khác với việc soi trứng gà ta để xem quả nào có sống, trứng của chim trĩ rất khó soi.
Chuồng nuôi chim trĩ và gà rừng phải được rào kín 4 phía.
Mỗi chuồng chim trĩ, chị Quý nhốt 2 con mái, 1 con đực. Nếu nhốt 2 con đực chung một chuồng, chúng sẽ đánh nhau cho đến chết mới thôi. Chị Quý kì công “canh” xem hôm nào anh chim trĩ cao hứng thuần phục được chim trĩ cái là hôm đó trứng có sống. Hôm sau, chị Quý nhặt riêng của trứng đó ra để ấp. Cách này có hiệu quả không? Nghe tôi hỏi vậy, chị Quý lắc đầu: Giống như gà rừng, chim trĩ khó thuần, chọn 10 quả trứng rồi cho gà ta ấp, cũng chỉ nở được 5-6 con là cùng.
Sau nhiều năm nuôi đám chim rừng này, chị Quý cũng dần nắm được tính nết của từng loài mà có cách cho ăn phù hợp. Thức ăn của chúng vẫn là ngô, đậu tương và thóc. Nói về hiệu quả nuôi chim rừng, chị Quý không giấu giếm, nuôi chúng mang lại hiệu quả kinh tế hơn hẳn các vật nuôi bình thường. Giá mỗi kg gà rừng bán được 4-500 nghìn đồng. Nếu chăm tốt, sau một năm gà rừng đạt trọng lượng trên 1kg. Chim trĩ là mang lại lợi nhuận cao nhất, sau một năm, một con chim trĩ mang lại cả triệu đồng.
Theo: Xuân Tuấn/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;