Học tập đạo đức HCM

Nam Định: Phát triển kinh tế trang trại góp phần xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu - 14/04/2017 10:42
Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, nguồn lao động, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại được hình thành, phát triển sản xuất hàng hóa, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh trên thị trường của nông sản, xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Đến nay toàn tỉnh đã có 677 trang trại đạt tiêu chí của Bộ NN và PTNT quy định, trong đó có 11 trang trại trồng trọt, 69 trang trại tổng hợp, 313 trang trại chăn nuôi và 284 trang trại thuỷ sản. Kinh tế trang trại của tỉnh có bước phát triển mới, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hoá với quy mô, trình độ và hiệu quả cao hơn. Đã khai thác, tăng hiệu quả sử dụng những diện tích đất bồi nông nghiệp ven sông, ven biển và mặt nước cao gấp 5 lần so với sản xuất đại trà. Xác định phát triển kinh tế trang trại là nội dung trọng tâm, cốt lõi trong tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM, các địa phương tập trung thực hiện quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng NTM; phân định rõ các vùng sản xuất lúa, rau màu hàng hoá, vùng phát triển kinh tế trang trại, gia trại tập trung…; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, nước…) để các trang trại có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhiều trang trại chăn nuôi đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất như: công nghệ chuồng kín, máng uống tự động, máng ăn bán tự động, xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm khí sinh học (bi-ô-ga)… thực hiện đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn, đảm bảo chế độ dinh dưỡng, quản lý dịch bệnh nên hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn phương thức chăn nuôi nông hộ… Điển hình là trang trại của ông Đinh Văn Thiểm, thôn Hưng Thịnh, xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng). Được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho đấu thầu 2,5ha diện tích chuyển đổi ven đê, ông Thiểm đã đầu tư cải tạo, xây dựng trang trại chăn nuôi với 2 dãy chuồng lạnh khép kín nuôi lợn nái sinh sản và 1 dãy chuồng nuôi lợn thịt. Hiện trang trại của ông được phát triển lên tới 200 con lợn nái sinh sản là các giống lợn ngoại có năng suất, chất lượng thịt tốt như: Yorkshire, Landrace, Đan Mạch và 3 con lợn đực giống Pidu. Bình quân mỗi năm, trang trại của ông cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 4.000 con giống với giá bán 1,6 triệu đồng/con lợn giống một tháng tuổi, trên 2.000 liều tinh lợn và khoảng 60 tấn thịt lợn hơi, cho thu lãi trên 1 tỷ đồng/năm, cao điểm có năm lãi gần 2 tỷ đồng. Nuôi trồng thủy sản vốn là thế mạnh của tỉnh ta với các đối tượng nuôi chủ lực như: ngao, tôm thẻ chân trắng, cua xanh, cá bống bớp… có giá trị kinh tế cao.

Trang trại chăn nuôi lợn của ông Đinh Văn Thiểm, xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng).
Trang trại chăn nuôi lợn của ông Đinh Văn Thiểm, xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng).

Hiện các trang trại nuôi thủy sản phát triển mạnh ở vùng ven biển, hình thành các vùng nuôi tập trung có quy mô khá lớn như: vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở Bạch Long, Giao Phong (Giao Thuỷ), Hải Hoà, Hải Đông, Hải Lý, Hải Chính (Hải Hậu); vùng nuôi tôm sú, cá bống bớp, cá vược ở Nghĩa Hưng, Hải Hậu… Các trang trại từng bước làm chủ công nghệ sản xuất giống tại chỗ. Một số trang trại đã thành công trong việc sinh sản nhân tạo các loài hải sản có giá trị kinh tế cao như: tôm sú, cá bống bớp, cá song, cá vược, cá chim biển… Nổi bật trong các trang trại nuôi thủy sản là trang trại nuôi tôm của ông Cao Văn Uyển, xã Giao Phong (Giao Thủy). Ông Uyển cho biết: Năm 2010 được xã tạo điều kiện cho đấu thầu 4,5ha ngoài đê biển, ông đã đầu tư trên 2 tỷ đồng để xây dựng hệ thống kênh tưới, tiêu, ao chứa, ao lắng và cải tạo 2ha đầm nuôi quảng canh thành 13 ao nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp. Mỗi năm, doanh thu của trang trại ông Uyển đạt trên 3 tỷ đồng, lợi nhuận 1 tỷ đồng/năm. Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều trang trại nuôi thủy sản điển hình khác như: trang trại nuôi cá trê đồng và cá diêu hồng của ông Trần Văn Tráng, xã Hải Hòa (Hải Hậu) đạt sản lượng mỗi năm 250-450 tấn, thu lãi 1-1,5 tỷ đồng; trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng của ông Cao Văn Ba, xã Giao Phong (Giao Thủy) với quy mô 10ha, năng suất trên 25 tấn/ha, mỗi năm cho thu lợi nhuận 5-7 tỷ đồng... Thông qua việc phát triển các trang trại nuôi thuỷ sản đã tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở các địa phương. Do kết hợp tốt giữa trồng trọt với chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, nên trang trại tổng hợp phát triển bền vững và có thu nhập ổn định. Một số chủ trang trại đã chuyển đổi từ mô hình nuôi, trồng đơn canh sang sản xuất, kinh doanh tổng hợp. Trang trại tổng hợp của anh Ngô Văn Tài, xã Tân Khánh (Vụ Bản) có quy mô 2,6ha chăn nuôi vịt đẻ, ngan đẻ, gà thịt, cá, lúa… Đối với vịt đẻ, ngan đẻ anh liên kết cung cấp trứng cho các chủ lò ấp vịt, ngan giống ở Hà Nội; gà thịt và cá tiêu thụ qua các thương lái ở địa phương; lúa làm thức ăn chăn nuôi… mỗi năm doanh thu đạt 2,7 tỷ đồng, lợi nhuận 350 triệu đồng. Trang trại trồng trọt hiện nay phát triển chậm, không ổn định, tuy nhiên gần đây một số hộ nông dân đã tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất hàng hóa. Điển hình là ông Nguyễn Công Dũng, xã Yên Ninh (Ý Yên) thuê gom 12ha để sản xuất lúa thương phẩm theo mô hình cánh đồng mẫu lớn áp dụng cơ giới hóa ở hầu hết các khâu sản xuất; mỗi năm doanh thu đạt 1,8 tỷ đồng, lợi nhuận 300 triệu đồng.

Phát triển kinh tế trang trại là hướng đi tất yếu và đúng đắn của sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung nhằm nâng cao năng suất, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân, thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo đang đặt ra rất lớn ở khu vực nông thôn nói riêng và cho toàn xã hội nói chung. Kinh tế trang trại phát triển còn tạo việc làm ổn định với thu nhập khá cho nhiều lao động nông thôn, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng NTM. Quan trọng hơn, kinh tế trang trại đã làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế của một bộ phận nông dân, giúp chủ động và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng thị trường… từ đó hình thành một lực lượng lao động mới năng động hơn trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế trang trại tập trung bảo đảm VSATTP, kiểm soát dịch bệnh tạo nền tảng cho sản xuất nông nghiệp bền vững. Phát triển kinh tế trang trại với các khu trang trại tập trung không những tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng tốt mà còn tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Tổ chức quản lý tốt chất thải và nguồn thải nông nghiệp là điều kiện giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong nông thôn, bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất và sức khỏe cho cả cộng đồng. Đây là một trong những biện pháp giải quyết tiêu chí về môi trường đang đặt ra trong xây dựng NTM hiện nay.

Qua quá trình thực tiễn phát triển kinh tế trang trại tập trung thời gian qua cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện nay các cấp, các ngành, các địa phương cũng đang tiếp tục đúc rút kinh nghiệm thực tế, tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp với xây dựng NTM, tạo điều kiện thuận lợi về giao thông, điện, nước… cho kinh tế trang trại phát triển. Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia xây dựng và phát triển các vùng kinh tế trang trại sản xuất nông sản hàng hoá có lợi thế của tỉnh với quy mô lớn theo quy hoạch, đạt các tiêu chuẩn về môi trường, ATVSTP, an toàn dịch bệnh. Gắn sản xuất với chế biến, bảo quản và tiêu thụ, thực hành quản lý sản xuất và chất lượng nông sản theo chuỗi giá trị, tăng sản lượng sản phẩm hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh/ Báo Nam Định

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập631
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm630
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại792,375
  • Tổng lượt truy cập93,170,039
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây