Trong chuyến công tác tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, sáng 14/4, tại An Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và Bí thư Tỉnh ủy An Giang Phan Văn Sáu đã chủ trì tọa đàm về thành lập các hợp tác xã kiểu mới.
Tại buổi tọa đàm, đại diện một số hợp tác xã nông nghiệp cho rằng: Các loại hình dịch vụ của hợp tác xã phát triển đa dạng với chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn. Đặc biệt đã xuất hiện mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện hợp đồng kinh tế. Các bên tham gia đều có cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm lợi nhuận ngày càng tăng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Mỉnh Em, Giám đốc Hợp tác xã Phú An Em cho rằng đa số bà con nông dân trong vùng sản xuất với diện tích nhỏ nên phải hợp đồng với rất nhiều hộ. Do vậy, việc kí kết gặp không ít khó khăn, cần hỗ trợ Hợp tác xã tiếp cận với các doanh nghiệp, tạo điều kiện bao tiêu cho bà con nông dân sản xuất từ khâu đầu vào đến đầu ra.
Còn bà Trần Thị Yến Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chợ Mới cho rằng: Hầu như doanh nghiệp và bà con nông dân chưa có tiếng nói chung trong giá. Tuy đã ký kết hợp đồng, các điều khoản, thời gian thu hoạch đã thực hiện xong nhưng chốt giá không được và bà con phải bán lúa cho thương lái bên ngoài.
“Các doanh nghiệp chưa mặn mà lắm đối với xây dựng cánh đồng mẫu lớn để tiêu thụ hàng hóa cho bà con nông dân. Vì yêu cầu của Chính phủ, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đến địa phương hợp đồng mua lúa với bà con nông dân để có chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu. Thời gian tới quy định chặt chẽ chính sách đối với doanh nghiệp việc ký kết tiêu thụ hàng hóa cho bà con nông dân.Nếu chúng ta tiếp tục như hiện nay, điệp khúc được mùa mất giá tiếp tục tái diễn, mất đi tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và người nông dân, mất niềm tin của người dân”.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang cho rằng: Hiện nay, An Giang đang xây dựng lộ trình củng cố vai trò Hợp tác xã, nhằm từng bước nâng cao vai trò Hợp tác xã. Tuy nhiên, cơ chế chính sách giữa Hợp tác xã và doanh nghiệp còn chồng chéo bất cập.
“Tôi thấy Chính phủ và Bộ ngành cần xem lại cơ chế chính sách đã ban hành. Hiện nay, nói chính sách 62 hỗ trợ doanh nghiệp cánh đồng mẫu lớn nhưng doanh nghiệp không tiếp cận mà lại giao cho địa phương, nhưng địa phương không có nguồn. Các Hợp tác xã cho biết việc rất khó tiếp cận vốn, đất đai, chính sách. Vai trò của Hợp tác xã quan trọng nhưng hỗ trợ nhà nước qua cơ chế chính sách chưa tạo thế cho lực lượng này phát triển trong điều kiện hiện nay”, bà Tuyết nói.
Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Nông dân sản xuất đơn lẻ không thể bán vào siêu thị và xuất khẩu ra nước ngoài. Nếu nông dân liên kết trực tiếp với doanh nghiệp thì dễ bị ép giá và không chủ động được đầu ra. Vì vậy, nông dân thông qua Hợp tác xã và Hợp tác xã là khâu trung gian, chỉ có Hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp mới đảm bảo đầu ra cho nông dân. Tuy nhiên, hiện chỉ có 9% Hợp tác xã bao tiêu cho nông dân còn hơn 90% chưa bao tiêu đầu ra cho nông dân, vì vậy cần nâng cao năng lực quản lý của Hợp tác xã…/.