Học tập đạo đức HCM

Ngành thức ăn chăn nuôi Việt nam: Cần hài hòa nhiều lợi ích

Thứ ba - 15/03/2016 22:40
(Người Chăn Nuôi) - Ngành thức ăn chăn nuôi (TĂCN) là một yếu tố quan trọng tạo sự bền vững cho ngành chăn nuôi và quyết định giá trị sản phẩm và thương hiệu của ngành chăn nuôi Việt nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Tuy vậy, việc phát triển của ngành TĂCN cần phù hợp với quy mô tổng thể của ngành chăn nuôi.

Giá trị lớn

Trước kia, người chăn nuôi quan niệm giá trị của ngành nằm ở khâu cuối cùng là sản lượng thịt được xuất bán trên thị trường và doanh số từ thực phẩm được tiêu thụ, nhưng ngày nay lợi nhuận được hiểu là nguồn thu từ tất cả các khâu trong đó lợi nhuận từ sản xuất TĂCN chiếm ví trị quan trọng. Trước kia, người nông dân chăn nuôi như hình thức tiết kiệm, tận dụng các sản phẩm từ trồng trọt, nhưng ngày nay trồng trọt và chăn nuôi đã dần tách riêng thành hai ngành rõ rệt và phần lớn TĂCN người nông dân đều mua trên thị trường. Ước tính thị trường tiêu thụ TĂCN Việt Nam hiện nay vào khoảng 6 tỷ USD/năm và có thể tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới.

Tuy vậy, 50 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang nắm tới 60% thị phần. Gần 240 doanh nghiệp trong nước chỉ chia nhau những thị phần nhỏ lẻ. Trước kia, phổ biến quan niệm rằng chỉ có doanh nghiệp nhỏ ít vốn mới đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi. Nhưng quan niệm đó đã dần thay đổi, khi các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đều là những công ty rất lớn, điển hình như doanh thu của Tập đoàn C.P. (Thái Lan) là 34 tỷ USD mỗi năm, còn doanh thu của Cargill là 140 tỷ USD mỗi năm. Theo tính toán, một số công ty nước ngoài đã cán mốc doanh thu 1 tỷ USD/năm tại thị trường Việt Nam. Rõ ràng thị trường nông nghiệp không còn đơn giản là manh mún với những tư duy "tiểu nông" nữa mà thực sự là một lĩnh vực đòi hỏi đầu tư lớn không chỉ vốn liếng mà còn cả chất xám, kỹ thuật, thương mại.

top các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi - chăn nuôi

 

Không thể "cò con"

Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chỉ thực hiện một vài khâu trong chuỗi giá trị chăn nuôi, chẳng hạn làm giống thì không chăn nuôi, sản xuất thức ăn thì không làm giống, tiêu thụ sản phẩm thì không chăn nuôi… Chính vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam không tạo được một thương hiệu nào trọn vẹn trên thị trường. Ngược lại, các công ty nước ngoài đều xây dựng một quy trình khép kín từ giống, thức ăn, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh và một thương hiệu được bảo đảm về chất lượng.

Hòa Phát là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đặt ra chiến lược tạo ra một sản phẩm chăn nuôi có xuất xứ và thương hiệu với việc đầu tư sản xuất 1 triệu tấn thức ăn gia súc, đồng thời sẽ chăn nuôi 1 triệu đầu lợn, doanh thu 15.000 - 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, mục tiêu này chỉ có thể hoàn thành vào năm 2020, và khi đó Hòa Phát cũng chỉ hi vọng chiếm giữ trên thị trường TĂCN vào khoảng 10%, tương đương Cargill, Proconco hiện nay. Song Hòa Phát đã chứng tỏ họ đang thoát ra khỏi tư duy "cò con" mò mẫm tìm kiếm nguồn lợi mà đối thủ "bỏ quên", để tự tạo ra thị trường cho chính mình bằng những sản phẩm do chính công ty nghiên cứu sản xuất và phát triển thương mại.

Quá trình từ "cò" vượt lên thành "đại bàng" của Hòa Phát cho thấy khi tạo ra những sản phẩm truy xuất nguồn gốc có đẳng cấp quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều bài toán khó, chẳng hạn vấn đề nguyên liệu nhập khẩu hay công nghệ giống. Để sản xuất 1 triệu tấn thức ăn và 1 triệu con lợn mỗi năm, chắc chắn Hòa Phát sẽ phải liên doanh liên kết với các đối tác không chỉ ở Việt Nam và từ nhiều quốc gia khác. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội khi Việt Nam tham gia sâu hơn vào quá trình hội nhập quốc tế.

 

Cạnh tranh không cân sức

Các sản phẩm chăn nuôi của các công ty nước ngoài đang dần chiếm lĩnh thị trường khi những cánh cửa thương mại quốc tế được mở ra. Nhiều trang trại đã dần chuyển sang sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm của các công ty nước ngoài, song cũng nhiều doanh nghiệp trang trại muốn "giấy rách giữ lấy lề" cố gắng tự xoay xở để sản xuất ra sản phẩm nội có chất lượng cao hơn.

Đồng Nai là một thủ phủ chăn nuôi của Việt Nam, nhưng người dân ở đây đang khá chật vật để duy trình ngành nghề truyền thống. Người chăn nuôi thấy mua 1 kg cám nuôi heo hiện có giá 10.000 - 11.000 đồng, bèn tự mua nguyên liệu về trộn chỉ mất 7.000 đồng, như một cách giảm chi phí. Song họ cho biết là giá bán heo trên thị trường đang phụ thuộc vào công ty nước ngoài, nghĩa là người dân phải xem các công ty ngoại bán giá bao nhiêu để định giá heo của mình với thương lái. Chi phí TĂCN chiếm tới hơn 2/3 giá trị thương phẩm. Giá TĂCN Việt Nam thường cao hơn khu vực khoảng 20% khiến người dân rất khó khăn khi phải cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập như gà Mỹ, bò Úc.

 

Tăng tốc

 Gần đây đã có những cuộc tranh luận rằng các sản phẩm của các công ty nước ngoài sản xuất tại Việt Nam có phải là sản phẩm của Việt Nam hay không? Có nhất thiết phải tách bạch các sản phẩm chăn nuôi của doanh nghiệp nước ngoài với sản phẩm trong nước khi chúng cùng được sản xuất và tiêu thụ trên cùng một địa bàn? Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đóng góp của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài vào ngành chăn nuôi là điều đáng ghi nhận, như tạo công ăn việc làm, tạo nhiều sản phẩm chất lượng phục vụ người dân, tạo sự cạnh tranh trong ngành. Song nếu gộp kết quả của các doanh nghiệp nước ngoài vào ngành chăn nuôi trong nước là điều bất cập, vì các công ty nước ngoài tại Việt Nam là các công ty đa quốc gia, tất cả hoạch định chiến lược phát triển của họ đều mang đậm dấu ấn của các công ty đa quốc gia này.

ngành chăn nuôi cần hài hòa nhiều lợi ích - chăn nuôi

 

Hoàn toàn không phải sự may mắn tình cờ khi các công ty nước ngoài thành công tại Việt Nam. Các tập đoàn nước ngoài đã có mặt tại thị trường Việt Nam từ rất sớm như C.P. (năm 1988) ngay khi Việt Nam đang trong thời kỳ đổi mới, SCPA - Proconco (năm 1991) khi khối Đông Âu tan vỡ, Cargill (năm 1995) lúc Việt Nam hội nhập mạnh vào ASEAN… và việc họ chiếm lĩnh trên 65% thị phần ngành TĂCN như ngày nay là kết quả của quá trình vươn lên của các doanh nghiệp này. Trong khoảng thời gian đó, các công ty Việt Nam đã làm gì? Những sản phẩm có sức cạnh tranh của Hòa Phát cũng chỉ có thể ra đời vào năm 2016, điều đó cho thấy sự phát triển của các công ty nước ngoài không tác động nhiều đến các doanh nghiệp trong nước.

Những năm gần đây, các công ty Việt Nam đã thực sự quan tâm đến ngành chăn nuôi hiện đại và cố gắng lấp khoảng cách với các doanh nghiệp nước ngoài, trước hết bằng việc bỏ vốn mua lại cổ phần của công ty nước ngoài, như trường hợp Tập đoàn Masan mua cổ phần của Việt - Pháp, hay Hòa Phát xây dựng chuỗi sản xuất mới.

 

Cảnh báo môi trường nghiêm trọng

Ngành TĂCN Việt Nam đang có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Song, vấn đề khiến nhiều người lo ngại là liệu ngành chăn nuôi Việt Nam có phát triển "quá nóng" hay không và liệu quy mô của ngành có vượt quá tầm kiểm soát về mặt môi trường?

Theo số liệu, những năm 1990, tổng đàn heo của Thái Lan là 26 triệu con, nhưng hiện nay tổng đàn chỉ còn 9 triệu con. Chính nguy cơ ô nhiễm đã khiến Thái Lan không phát triển đàn heo của họ khiến thị trường thức ăn cho heo ở Thái Lan cũng thu hẹp lại. Trong khi đó, Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng đàn heo và đây chính là cơ hội cho ngành TĂCN của các nước nhắm vào. Tương tự đàn heo của Đài Loan chỉ trong 10 năm đã giảm từ 24 triệu con xuống còn 4 triệu con cũng vì nguy cơ ô nhiễm.

Nhìn lại, theo quy hoạch Việt Nam sẽ đạt tổng đàn heo khoảng 34 triệu con vào năm 2020. Với quy mô tổng đàn lợn khổng lồ như vậy thì thị trường TĂCN heo cũng sẽ bùng nổ rất nhanh, nhưng bài toán đặt ra là Việt Nam sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường (đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước và không khí) như thế nào với đàn heo 34 triệu con mỗi năm và liệu tiền thuế thu từ các doanh nghiệp sản xuất TĂCN có đủ trang trải được những thiệt hại môi trường mà các trang trại nuôi heo gây ra cho chính người nuôi heo và cộng đồng?

>> Theo báo cáo của Grand View Research, Việt Nam tiêu thụ 15.829,3 nghìn tấn TĂCN năm 2014, tăng trưởng kép từ 2015 - 2022 dự tính đạt 6,4%, quy mô thị trường sẽ chạm 10,55 tỷ USD vào năm 2022. TĂCN gia cầm chiếm tỷ trọng lớn nhất (39,5%) vào năm 2014, tăng trưởng kép dự tính đạt mức cao nhất 6,6%. Tiếp đến là TĂCN lợn, dự tính đạt tỷ trọng 8.605,7 nghìn tấn năm 2022, tăng trưởng kép 6,2%.

 

Nguyễn Anh
http://nguoichannuoi.vn/


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập379
  • Hôm nay40,149
  • Tháng hiện tại196,943
  • Tổng lượt truy cập90,260,336
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây