Học tập đạo đức HCM

Nguyên Phó TT Vũ Khoan: “Đừng la lớn khi nông dân được mùa”

Thứ bảy - 08/02/2014 09:01

Nguyên Phó TT Vũ Khoan: “Đừng la lớn khi nông dân được mùa”

Tôi thấy một cái dở của chúng ta là “thật thà quá mức”. Cứ nông dân được mùa là mình phàn nàn mất giá. Thương lái nước ngoài sẽ lợi dụng điều này để hạ giá nông sản của mình xuống.
“Tôi thấy một cái dở của chúng ta khi tuyên truyền cho nông nghiệp là “thật thà quá mức”. Cứ nông dân được mùa là mình phàn nàn mất giá. Thương lái nước ngoài sẽ lợi dụng điều này để hạ giá nông sản của mình xuống. Hội nhập là phải khéo léo hơn” - Trong câu chuyện đầu năm với NTNN, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã chia sẻ về những vấn đề của nông nghiệp, hội nhập, kể cả về cuộc sống gia đình ông...

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.

Nông nghiệp không là nơi cư trú của nền kinh tế

Thưa ông, cả nước vừa bước sang những ngày đầu tiên của năm mới 2014 với sự kỳ vọng về một tương lai phát triển. Liệu sự kỳ vọng đó có quá lớn lao khi những thách thức mà chúng ta đang đối mặt không hề nhỏ?

- Tôi nhận định rằng, năm 2014 cũng có một số những nhân tố tạo được thuận lợi nhất định cho sự phát triển của Việt Nam. Đó là những tiến bộ trong ổn định kinh tế vĩ mô đã đạt được trong mấy năm qua thể hiện ở chỉ số giá tức lạm phát đã giảm xuống, lãi suất cho vay cũng đã giảm, xuất khẩu tiếp tục tăng, đầu tư nước ngoài cũng tăng... 

Cá tra- mặt hàng có lợi thế lớn của Việt Nam nhưng nông dân chưa được hưởng lợi đúng mức.
Cá tra- mặt hàng có lợi thế lớn của Việt Nam nhưng nông dân chưa được hưởng lợi đúng mức.

Điều này cho thấy, những nhân tố ổn định vĩ mô cũng dần dần được khôi phục lại. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn rất nhiều thách thức như sự ổn định nói trên chưa thật sự vững chắc. Điều này thể hiện ở chỗ bội chi ngân sách rất cao mà năm nay lại còn xin tăng trần bội chi ngân sách nữa. 

Ngoài ra, sản xuất cũng đã phục hồi, nhưng chưa được mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp cũng chưa nối lại được công việc làm ăn. 

Tuy nhiên, mối quan tâm của tôi là chúng ta phải xử lý một loạt những vấn đề lâu dài cơ bản, chứ nếu chỉ nhìn gọn trong năm 2014 thôi thì chưa đủ. Vấn đề của chúng ta là phải đặt ra những yêu cầu dài hạn, trong đó có nhu cầu về tái cấu trúc nền kinh tế rồi chuyển đổi mô hình tăng trưởng để đạt được mục tiêu gần nhất là biến nước ta thành nước công nghiệp.

Như vậy là giữa cái ngắn hạn và cái dài hạn đã gắn kết với nhau, đan xen lẫn nhau. Nếu chúng ta chỉ nhìn ngắn hạn mà không tính đến lâu dài thì sự phát triển của đất nước sẽ không bền vững.

Trong bức tranh tổng thế đó, đâu là điểm nhấn mà ông thực sự quan tâm?

- Tôi rất quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp. Nhớ lại thời đổi mới cuối những năm 80 của thế kỷ trước, lúc đó chúng ta đổi mới về tư duy và tư duy nông nghiệp. Một trong những đổi mới đầu tiên là về giá mua nông sản, giá bán lương thực, rồi giao đất cho nông hộ, khoán mười… Và thực tế đã cho thấy, đổi mới nông nghiệp đã thành công, góp phần quan trọng trong sự phát triển của đất nước. 

"Vợ chồng cùng làm ngoại giao thì có cái không hay là về toàn nói chuyện chính trị, trong nhà thì mỗi người một việc, tôi đi đối ngoại là chính, suốt đời đi làm đối ngoại, công việc trong nhà không tham gia được nhiều. Tất cả là do vợ tôi “phát ngôn và hành động”.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan

Tuy nhiên, sau nhiều năm phát triển và luôn là chỗ dựa của nền kinh tế, đến năm 2013 đã xuất hiện một vài dấu hiệu đáng quan ngại. Thứ nhất là tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp không còn được cao như trước nữa, thậm chí hiện tượng nông dân bỏ ruộng, ruộng bị bỏ hoang… đã bắt đầu xuất hiện. Chỉ là hiện tượng thôi nhưng cần suy xét và có các giải pháp cẩn thận. Điều này rất quan trọng bởi nước ta là nước nông nghiệp, nên mặt trận nông nghiệp có vấn đề gì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. 

Có thể hiểu rằng, mặc dù Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng chúng ta chưa có chiến lược rõ ràng để phát triển nông nghiệp bền vững?

- Nói không có chiến lược thì không đúng vì chiến lược đầy ra đấy, biết bao nhiêu bản chiến lược, sản phẩm này cũng có sản phẩm kia cũng có nhưng tất cả những chiến lược ấy không vẽ nên một bức tranh chuẩn mực. Những cái đưa ra chưa phải là giải pháp vì nó chưa trúng vấn đề, chưa đúng tầm. 

Chúng ta đang lãng phí tài nguyên của mình, trong khi đó các nước khác tài nguyên của họ cũng không phải là nhiều, dân số làm nông nghiệp không nhiều nhưng tại sao họ lại tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, trong khi nói về gạo, cà phê, hồ tiêu… không hề có thương hiệu nào là của Việt Nam?

Căn bản là phải xác định đường đi cho nông nghiệp, khi đường hướng chưa rõ ràng thì không đổ nguồn lực, không đầu tư vào đấy. Hiện cũng có khá nhiều đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhưng hiệu quả lại chưa cao. Ngoài ra, các nghiên cứu khoa học lại không tập trung nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp, thay vào đó là chạy theo những lắp ráp, sao chép của nước ngoài.

Tôi nói ví dụ như chúng ta không cải tạo giống cây trồng để xảy ra hiện tượng thoái giống, giống lúa của chúng ta phần nhiều nhập từ Trung Quốc Trong khi đó ở Thái Lan cũng là cây ổi, cây na, xoài nhưng mang đặc trưng riêng. Thậm chí có những loại giống họ lấy của ta về nhưng lại lai tạo thành một sản phẩm rất đặc biệt. 

Vậy lỗ hổng ở đây là gì, thưa ông?

- Đây chính là chưa nhận thức đúng vị trí của nông nghiệp nên đầu tư chưa trúng, kể cả đầu tư tài chính, trí tuệ, chính sách và khoa học đều chưa tương xứng với vị trí của một nước nông nghiệp.

Bây giờ công nghiệp hóa nghĩa là 63 tỉnh thành đều đua nhau công nghiệp hóa mặc dù không có tiềm năng. Thực tế có nhiều tỉnh không có tiềm năng cũng lao vào công nghiệp, bỏ bê nông nghiệp. Bởi vậy sai ở chỗ nhận thức là nước công nghiệp chứ không phải là “tỉnh công nghiệp”.

Đáng ra một nước nông nghiệp như Việt Nam thì nền cơ khí nông nghiệp của mình phải phát triển lắm mới phải. Nhưng thực tế mình nhập máy móc cơ khí nông nghiệp rất nhiều. 

Tôi thấy, nông dân mình cũng rất sáng tạo, chịu khó tiếp cận công nghệ, tìm kiếm mối quan hệ với các nhà khoa học để cải tiến công việc làm ăn của mình. Nông dân đi bằng nhiều đường khác nhau nhưng mẫu số chung của tất cả con đường đó là không chịu chấp nhận cảnh lạc hậu. Theo tôi, có 3 phương cách nông dân nên phát huy: Đó là tiếp cận kiến thức, tự mày mò để cải thiện công cụ của mình và tìm kiếm mối quan hệ nào đó vơi các nhà khoa học với những người hiểu biết, từ đó họ sáng tạo ra những cải thiện công nghệ.

Thật thà quá cũng dở

Nhớ lại thời điểm Việt Nam đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), người dân cũng lo sợ rất nhiều thứ như sự cạnh tranh, sân chơi quá lớn hoặc không đủ sức để tham gia sân chơi này. Hiện tại chúng ta cũng đang chuẩn bị bước vào một sân chơi bé hơn là Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mối lo ngại lại quay trở lại khi nông dân tin rằng, nông sản Việt Nam sẽ thua trên sân nhà bởi sức cạnh tranh quá lớn. Ông nhận định sao về điều này?


"Tôi không còn vướng bận với chính trường, nhưng lại rất bận rộn với việc đi dạy và nói chuyện. Tôi dạy rất nhiều lớp, các địa phương cũng mời tôi dạy về kỹ năng quản lý, lãnh đạo... Ngoài ra, tôi cũng đi nói chuyện với thanh niên, tiếp xúc giao lưu, nói chuyện thời sự với các cụ hưu trí... Tôi cũng dành nhiều thời gian cho hoạt động thể dục, thể thao như đi bộ và đánh golf”.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan

- Thực ra cái gì cũng có hai mặt tức là được cái này thì phải mất cái kia chứ không bao giờ được cả, trong cái cuộc chơi của thế giới này chẳng có ai được cả hết. Ví dụ về nông sản, nếu ký TPP chúng ta sẽ được thuế suất bằng 0 thì mình mới xuất được sang Nhật gạo chứ lâu nay Nhật đóng cửa kín họ không cho nhập. Thế thì đấy là cơ hội. 

Tuy nhiên, thách thức lại ở chỗ, đậu tương của Mỹ sẽ vào Việt Nam với giá rất rẻ… Vì vậy, chúng ta phải nắm được cái lợi thế của mình, phải dựa vào lợi thế so sánh chứ không phải đất nước nào cũng có lợi thế. Với những cái có lợi thế, chúng ta phải dốc nguồn lực vào để phát huy, còn những cái không có lợi thế chúng ta sẽ không làm nữa.

Tôi cũng không đồng tình với khái niệm “thua trên sân nhà”. Chúng ta nói đến việc này nhưng lại quên chuyện chúng ta đã thắng trên sân người! Phải hiểu rằng, bây giờ nhiều nước chặn các mặt hàng nông sản của ta như cá basa, cà phê vì mình đã chiếm sân của họ trong lĩnh vực này. Hay nói chuyện xuất khẩu gạo, trước đây Việt Nam còn đói, nay Việt Nam đã xuất khẩu hàng triệu tấn, thậm chí còn khiến Thái Lan phải van nài “thôi ông từ từ, chúng ta phải phối hợp với nhau…”. Đó là cái thắng của mình.

Hồi tôi còn là Bộ trưởng Bộ Thương mại, tôi khổ sở vì chuyện các nước sang ta cứ nói rằng mình phá giá hết cả, đó là mình chiếm lĩnh được thị trường, mình thắng trên sân họ nên họ mới làm như thế… Thế nên, nếu hội nhập mà thua thì hội nhập làm gì! Phải nhìn vấn đề theo nhiều chiều, không phiến diện, tránh để mất dũng khí đi lên của chúng ta.

Tôi thấy một cái “dở” của Việt Nam khi tuyên truyền cho nông nghiệp đó là “thật thà quá mức”. Cụ thể ở đây là nông dân mình hễ được mùa là phàn nàn mất giá, nên thương lái nước ngoài sẽ hạ giá nông sản của mình xuống. Đáng lý ra, mình được mùa thì phải giấu đi, bảo là mất mùa, thế mình mới nâng giá lên được. Các nước họ “nói dối” ghê lắm, kiểu như mình đi buôn bán quốc tế là “dại ơi là dại”.

Chúng ta phải làm gì để nông nghiệp luôn là tường thành vững chắc trong phát triển kinh tế đất nước?

- Vấn đề thứ nhất là nên định vị thế nào cho nông nghiệp trong toàn bộ quá trình công nghiệp hóa đất nước. Nước nào cũng vậy thôi, đều đi lên công nghiệp hóa từ nông nghiệp, tuy nhiên cách đi thì khác nhau. Có những nước bỏ hẳn nông nghiệp, cung cấp cho thành phố và bần cùng hóa nông dân để phát triển công nghiệp. Nhưng cũng có những nước công nghiệp đi lên công nghiệp bằng nông nghiệp ví dụ như Australia, New Zealand, thậm chí có những nước rất tiên tiến như Hà Lan, Đan Mạch cũng có những cách tận dụng nông nghiệp để tiến lên rất ngoạn mục.

Câu hỏi đặt ra ở đây là: Nông nghiệp đóng vai trò như thế nào trong quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam? Chúng ta phải trả lời được câu hỏi này, định vị nông nghiệp từ đó sẽ quyết định chính sách ruộng đất sẽ như thế nào. Đó là vấn đề mà cá nhân tôi chưa nhìn thấy rõ. Chúng ta đã có chính sách “tam nông” thì cuối cùng sản xuất nông nghiệp mới là quan trọng. Vì thế theo nhìn nhận của tôi, trong ba lĩnh vực: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì nông nghiệp chưa chuyển biến rõ nét lắm, trong khi đó bức tranh nông thôn đã có một số thay đổi.

Vấn đề thứ hai là định vị nông nghiệp ở vị trí nào và đưa nông nghiệp đi lên bằng động lực gì? Tôi thấy hiện nay đang có mốt thời thượng trong dư luận là hay nói khoán hộ, hoặc sản xuất hộ đã hết tác dụng. Tôi không tán thành lắm với quan điểm này vì đây là cách nhìn “vơ đũa cả nắm”. Ở chỗ này nó hết tác dụng, nhưng nhiều nơi khác nó vẫn còn tác dụng rất lớn. 

Nếu ta nghĩ rằng bây giờ phải thay đổi quan hệ sản xuất, bỏ kinh tế hộ, thành lập một kiểu kinh tế gì đó thì khéo lại vội vàng. Vấn đề ở đây là phải tùy trường hợp, vùng miền, cây trồng, vật nuôi thì sẽ có một giai đoạn gọi là “quá độ”, lồng ghép giữa các hình thức làm ăn khác nhau. Tôi cho rằng, bây giờ chưa phải là lúc tuyên cáo chung về kinh tế hộ. Đúng là kinh tế hộ nhỏ lẻ thì không đi lên được nhưng mà xóa bỏ ngay cũng chưa phải, mà phải tìm một con đường thích hợp hơn với tính chất và trình độ sản xuất của từng vùng, miền, từng lớp dân cư… Rõ ràng, chuyện thứ hai là tìm con đường đi lên, hay nói một cách khoa học tức là thiết lập quan hệ sản xuất nào cho phù hợp đấy là vấn đề chưa được thể hiện rõ ràng. 

Lâu nay cứ nói nông nghiệp là vùng cư trú của nền kinh tế, khi khó khăn thì lại trở về nông nghiệp tức là một cái gì đó không quan trọng, trong khi đó 70% dân số là nông nghiệp. Nếu cứ nói rằng nông nghiệp là nơi trú ngụ hoặc là chỉ để bảo đảm an ninh lương thực thì không đủ tức là chúng ta đã hiểu không chuẩn về tầm quan trọng của nông nghiệp trong sự phát triển của đất nước.

Vấn đề thứ ba là vị trí nông ngiệp của nước ta trong bức tranh toàn cầu. Chúng ta cứ “vỗ ngực” là nước sản xuất gạo, xuất khẩu gạo vào hạng 2 thế giới (có khi hạng 1), rồi cà phê, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản… Nhưng hãy xác định trên bản đồ thế giới, ngành nông nghiệp của chúng ta đứng ở vị trí nào, đi theo hướng nào. Cái đó tùy thuộc vào cơ cấu chuyển biến của sản xuất và tiêu dùng thế giới, cũng ít khi được đặt ra.

Không phải năm 2013 mà bước sang năm 2014 mới chính là bước bản lề của nông nghiệp Việt Nam. Lý do bởi, tiềm năng cũ đã cạn dần, trong khi tiềm năng mới chưa được xác định rõ. Vì vậy, chúng ta phải nhìn rộng ra chứ không chỉ nhìn riêng trong năm 2014.

Hãy để cho dân làm

Trong thông điệp đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập đến chuyện Nhà nước đóng vai trò kiến tạo cho sự phát triển, thay vì làm thay. Theo ông, đây có phải là điểm nhấn mới về sự phát triển đổi mới so với hiện nay?

- Cái này thì không mới, thế giới đã làm lâu rồi. Nhiều nước trên thế giới khi chuyển hẳn sang kinh tế thị trường thì Nhà nước chỉ tạo điều kiện, tạo môi trường thuận lợi cho người dân làm ăn chứ không can thiệp vào những công việc cụ thể. Bản chất của nền kinh tế thị trường là vậy. 

Lâu nay, Nhà nước ta vẫn hay can thiệp vào công việc sản xuất kinh doanh rồi gây cản trở bằng những thủ tục, thông tư rườm rà, bây giờ Nhà nước phải rút để người dân làm ăn, còn bản thân Nhà nước chỉ kiến tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất cho người ta làm ăn. Nhưng chẳng có gì là muộn khi chúng ta nhận được rằng, không thể chỉ dừng lại ở lời nói, mà cần phải hành động.

Việc Nhà nước chỉ đóng vai trò kiến tạo cũng là cách để phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân. Theo định hướng đó, quyền làm chủ của nhân dân sẽ được phát huy như thế nào, thưa ông?

- Có thể nói nôm na thế này: Hãy để dân làm và dân chịu. Chúng ta nhớ lại ngày xưa, mọi thứ là hợp tác xã rồi Nhà nước cấm nhân dân không được làm gì cả, không được buôn bán, không được chở gạo đi, không được bán lợn… Tóm lại đổi mới chính là để dân làm. Trước đây cấm đoán hết, “ngăn sông cấm chợ”, thậm chí thời chúng tôi lúc ấy đi ăn bát bún là phải “ăn giấu ăn giếm” sau những tấm mành treo, vì hồi đó cấm sản xuất bún. Sau đó đổi mới, người dân được làm bún, bánh phở nên đời sống được nâng lên. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997 đã cởi trói cho kinh tế tư nhân, Luật Doanh nghiệp ra đời.

Vì vậy bây giờ, còn cái gì chưa “cởi trói” cho người dân thì phải “cởi trói” nốt, hãy để dân làm theo quy luật của thị trường, nâng cao sự cạnh tranh. Cho dù quy luật của thị trường là khắc nghiệt, nhưng có như vậy mới bứt phá, mới sáng tạo được để mà tồn tại. 

Tôi cũng ân hận rất nhiều…

Người ta vẫn gọi ông với những tên gọi dân dã như “ông hội nhập”, “ông chữa cháy”… khi nói về sự đóng góp của ông trong việc Việt Nam hội nhập thế giới. Có bao giờ ông hối tiếc rằng, đáng lẽ có những việc mình còn có thể làm tốt hơn? 

- Có chứ! Tôi tự hài lòng với mình rằng, tôi đã cố sức làm những việc có thể trong con đường hội nhập đưa Việt Nam đến với thế giới. Nhưng tôi cũng ân hận là có nhiều việc mình thấy mà chưa làm được nhiều: Đó là làm sao để góp phần một tạo dựng một xã hội tử tế. Trong chuyện này tôi chưa đóng góp được nhiều, lo cho thanh niên còn ít quá, hay là đời sống người nông dân tôi cũng chưa đóng góp được gì… 

Những việc trong phạm vi phụ trách nhiều như hội nhập chẳng hạn, cái mà tôi đóng góp được là đưa đất nước hội nhập với thế giới đem lại hiểu quả khá cụ thể nhưng cái thiếu của mình là không góp phần để chuẩn bị cho đất nước hội nhập thành công hơn, tận dụng được nhiều cơ hội hơn. Một phần của thiếu sót này là chưa có kinh nghiệm vì sự nghiệp này quá mới và quá rộng lớn, khắc phục những thách thức cũng chưa được tốt. 

Vợ ông từng là người phát ngôn Bộ Ngoại giao, trong khi ông lại là người phát ngôn của Việt Nam trong rất nhiều cuộc đàm phán với thế giới. Trong gia đình, ai là người phát ngôn chính?

- Chúng tôi kết hôn năm 1957. Vợ tôi - bà Hồ Thể Lan, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam vào những năm 80. Thời điểm đó, tôi là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Chúng tôi quen nhau khi cùng học ở Nga năm 1954, nhưng khi về Việt Nam năm 1957 chúng tôi mới kết hôn. Lúc đó, bà ấy làm ở Bộ Y tế sau đó mới chuyển sang Bộ Ngoại giao. 

Tuy nhiên trong nghề, chúng tôi hỗ trợ nhau nhiều. Thời điểm bà ấy là người phát ngôn, vì bận rộn nên chúng tôi thường phải trao đổi công việc trong những bữa cơm, nên những phát ngôn của bà ấy tôi đều định hướng và duyệt trước. 

Xin cảm ơn ông! 
                                                                       Đăng Thúy (thực hiện)
                                                                              Theo danviet.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập345
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại853,570
  • Tổng lượt truy cập92,027,299
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây