Dễ bị “đánh cắp”
Nông sản Việt Nam được biết đến với hàng loạt thương hiệu nổi tiếng như bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc, bưởi Phúc Trạch, vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên… nhưng cho đến nay, nhiều thương hiệu vẫn đang bị thả nổi theo kiểu ai dùng cũng được.
Hồng xiêm Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) đang bị hồng xiêm trồng ở nhiều vùng khác “mượn danh” (ảnh minh họa). |
Ông Đào Văn Hồ- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Bộ NNPTNT) cho biết: “Việc chưa có được thương hiệu dẫn đến các doanh nghiệp ở từng lĩnh vực vẫn mặc nhiên sử dụng nhãn hiệu chung và ỷ lại việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho Nhà nước, nên nhiều sản phẩm dù có chất lượng tốt vẫn có giá thấp hoặc bị ép giá”.
Thống kê mới nhất của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cho thấy, đến nay Việt Nam có tới 933 sản phẩm, dịch vụ đặc thù gắn với 721 địa danh trên cả nước, trong đó có 800 sản phẩm nổi tiếng. Tuy nhiên thực tế cho thấy, số lượng chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ có 136 sản phẩm có đăng ký bảo hộ. Trong đó, 59 nhãn hiệu tập thể, 24 chỉ dẫn địa lý, 53 sản phẩm được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nổi tiếng.
Tuy nhiên, tất cả các sản phẩm được đăng ký bảo hộ trên chỉ có hiệu lực trong nước, nếu các doanh nghiệp nước ngoài ở bất kỳ quốc gia nào có nhu cầu “mượn tạm” hoặc lấy lại như trường hợp về thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, vẫn bị mất một cách đơn giản. Theo ông Tạ Quang Minh- Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ: “Phải thẳng thắn thừa nhận, đối với thương hiệu nông sản nổi tiếng, chúng ta mới đặt được nền móng ban đầu, mới đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm này. Còn việc xây dựng và phát triển thương hiệu, chưa được quan tâm”.
Theo TS Lê Xuân Thảo- Giám đốc Công ty Sở hữu trí tuệ INVENCO: “Việc không đăng ký thương hiệu đã và đang là vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay đối với các mặt hàng nông sản của nước ta. Ngay cả một số mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị lớn như gạo, điều, thanh long… vẫn chưa có thương hiệu; thậm chí nhiều nông sản đã đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu nhưng vẫn chưa bền vững do bị nước ngoài đánh cắp”.
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay, theo TS Thảo là việc giữ gìn thương hiệu sau khi đã đăng ký. “Nếu chất lượng của nông sản không đồng đều, đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, thì sớm muộn thương hiệu đó sẽ chết yểu” - TS Thảo nói.
Cần có “bàn tay” của Nhà nước
Ông Trần Việt Hùng - nguyên Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cho rằng: “Việc đăng ký chỉ dẫn địa lý hay nhãn hiệu tập thể đều do địa phương cân nhắc. Đăng ký chỉ dẫn địa lý cần đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, nên phức tạp hơn. Đối với người dân có nông sản, đăng ký cái nào cũng có lợi ích kinh tế. Nhiều trường hợp địa phương đăng ký trước nhãn hiệu tập thể, rồi từ từ đăng ký chỉ dẫn địa lý sau”.
Ông Hùng cũng đề xuất: “Nhà nước đã có nhiều chương trình, biện pháp hỗ trợ xây dựng, thậm chí là hỗ trợ quản lý sử dụng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Song có thể do nông dân, địa phương chưa thấy lợi ích rõ ràng từ đó, nên việc khai thác, sử dụng chưa hiệu quả”.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Trần Việt Hùng- Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) nhấn mạnh: “Để thương hiệu được duy trì và đứng vững, cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng, cũng như nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu nông sản”.
Xử phạt chưa nghiêm
Theo GS-TS Nguyễn Văn Bộ- Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp VN, nhiều sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý đang bị sử dụng trái phép. Cụ thể như, nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc tràn lan trên thị trường, thậm chí ở Thái Lan cũng sản xuất nước mắm Phú Quốc. Thương hiệu bưởi Đoan Hùng của Phú Thọ đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý nhưng giống quý này được trồng khắp nơi cũng lấy tên “bưởi Đoan Hùng”. Rõ ràng quản lý còn nhiều bất cập. Việc chưa có chế tài xử lý sử dụng trái phép thương hiệu khiến người tham gia sản xuất không mặn mà bảo hộ, làm mất giá trị sản phẩm.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;