Xây dựng được chiếc cầu, làm được một đoạn đường là niềm vui lớn của bà con ND nơi miền sông nước, giao thông cách trở vì mạng lưới kênh rạch chằng chịt. Những chiếc cầu, những con đường gắn bó với đời sống người dân nên ai cũng quan tâm và có khi còn chủ động đi trước chính quyền địa phương một bước trong việc lên kế hoạch. “Hễ hô lên thì người góp công, người góp của, công việc xã hội thì phải xã hội hóa chứ” – ông Phạm Dân Chúng (ấp Hoà An, xã Hoà Lạc, huyện Phú Tân, An Giang) triết lý như thế trong những lúc đi vận động bà con. Ông bảo, điều qua trọng để huy động được sức dân là phải công khai minh bạch mọi khoản đóng góp, chi phí công trình thì dân ủng hộ hết mình. Làm công việc xã hội phải luôn gắn lợi ích của nhân dân lên trên hết, những việc làm cụ thể phải được công khai rõ ràng, chắc chắn sẽ được chính quyền đồng tình và nhân dân ủng hộ”.
Riêng năm 2013, hội viên, ND các xã, thị trấn ở huyện Phú Tân đóng góp trên 8 tỷ đồng và trên 3.000 ngày công xây dựng cầu đường, nâng cấp đường giao thông nông thôn.
Những nhóm bắc cầu của ấp
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ở các vùng nông thôn hình thành ngày càng nhiều những đội nhóm bắc cầu, làm đường rất quy củ… Thành lập hơn một năm nay, hai tổ bắc cầu nông thôn ở Hoà Lợi 2 và Hoà Lợi 3 (xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành) đã vận động được gần 900 triệu đồng để xây 6 cây cầu sắt liên ấp, liên xã; cất và sửa chữa 12 cây cầu gỗ bắc ngang kênh, rạch. Nhờ vậy, giao thông đi lại ở vùng sâu nơi đây không còn trở ngại, rút ngắn khoảng cách với trung tâm xã và huyện Châu Thành. “Thành viên tổ bắc cầu là hội viên, ND địa phương, hoạt động theo tinh thần tự nguyện và có sự phân công rõ ràng” – ông Cao Văn Vịnh - Chủ tịch UBMTTQ xã Vĩnh Lợi, cho biết.
|
Huyện Thoại Sơn được xem là nơi khởi xướng và cũng là địa phương đi đầu ở An Giang về xây dựng cầu, đường nông thôn. Việc chuyển đổi từng bước từ “cầu dây văng” sang “cầu sắt” rồi lên “cầu bê tông cốt thép” là một minh chứng. Ông Vũ Thanh Quyền - Chủ tịch Hội ND huyện cho biết, trong nhiều năm qua, trung bình mỗi năm, hội viên, ND các xã, thị trấn đóng góp trên 1 tỷ đồng và trên 3.000 ngày công lao động. Giờ đây, giao thông nông thôn ở Thoại Sơn đã thông suốt. Chính sự thông suốt của hệ thống giao thông nông thôn đã tạo nên sự sung túc cho vùng Tứ giác Long Xuyên cùng sự giao thương phát triển trong khu vực. “Nhờ có Đội thi công cầu số 1 Chín Hoa, Đội thi công cầu số 2 Tám Chuyền, Tư Sang… góp phần thúc đẩy công việc tu sửa, nâng cấp cầu đường nông thôn và xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng ở địa phương” – ông Lê Minh Thảo - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn khẳng định.
Theo Danviet.vn