Học tập đạo đức HCM

Những con đường, nhịp cầu mơ ước

Thứ ba - 21/07/2015 21:48
Bằng nhiều phương thức vận động sáng tạo, áp dụng mô hình hay xây dựng giao thông nông thôn (GTNT), những cây cầu, đường xi-măng đã rộng mở, lan tỏa đến các miền quê xa xôi, đánh thức tiềm lực trong giao thương kinh tế - xã hội, vận chuyển nông sản, rút ngắn khoảng cách giữa đô thị với địa bàn miền núi, hải đảo heo hút trước đây. Chủ trương xây dựng những con đường, cây cầu vùng nông thôn là minh chứng rõ nhất của ý Đảng hợp lòng dân, khi nhận được sự đồng tâm, ủng hộ của toàn xã hội, hiện thực hóa những con đường, nhịp cầu mơ ước bao đời.

Nền tảng xóa đói nghèo

Vùng rừng U Minh Hạ, "túi nghèo" của tỉnh Cà Mau, từ khi tất cả bảy xã của huyện U Minh nối liền mạng lưới giao thông, cùng với gần 1.400 km đường huyện, xã, ấp được xây dựng, đưa vào sử dụng, đã chuyển mình mạnh mẽ. Đường đến đâu, đời sống người dân phát triển đến đó, chỉ số ít những hộ nằm sâu nơi hẻo lánh, chưa có đường mới còn nghèo. Ông Phan Thanh Trung, người dân ấp 12 nói rằng, cả ấp có 80 hộ, giờ chỉ còn hai hộ nghèo, con đường mới đã giúp hàng hóa của người dân trong ấp, từ cọng rau đến con cá không chỉ dễ bán mà còn bán rất được giá. Người dân không phải tay xách nách mang ra chợ, thương lái đánh xe đến tận nơi, mua bán rất dễ dàng.

Từ ngày có đường bê-tông liên xã và cây cầu treo, công việc hằng ngày chở bốn đến năm bao tải nông sản từ thôn Nà Cà (xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) ra chợ của chị Lâm trở nên nhàn hẳn. Không phải ỳ ạch đẩy xe đạp thồ trên con đường đồi dốc khúc khuỷu, giờ chị Lâm đã lướt xe máy êm ru từ nhà đến tận chợ huyện, không tốn một giọt mồ hôi. Theo lời chị, những năm trước, người dân xã Phong Dụ quê chị gặp muôn vàn khó khăn vì thiếu điện, thiếu nước, giao thông cách trở. Dân số trong xã tới 90% là người Dao, tập tục canh tác còn lạc hậu, cái nghèo vì thế cứ đeo đẳng hàng chục năm trời, chẳng mấy người dám mơ có chiếc xe máy. Ba năm trở lại đây, khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là GTNT, cuộc sống người dân xã Phong Dụ thay đổi hẳn, các mô hình kinh tế phát triển mạnh mẽ. Các tuyến đường liên xã xuất phát từ Phong Dụ được mở ra, thay thế những con đường đất lầy lội quanh năm.

Giao thông được xác định là nền tảng quan trọng xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội đối với các địa phương. Tại hầu hết các nơi, nhiều phương thức, mô hình sáng tạo trong xây dựng GTNT đã được áp dụng, triển khai như Nhà nước và nhân dân cùng huy động vốn để thi công; Nhà nước hỗ trợ vật tư, phương tiện, địa phương thành lập các đội thi công; nhân dân vận động vốn thực hiện, Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật,... Trong tất cả các phương thức, sức dân luôn giữ vai trò chủ đạo. Trong giai đoạn 2010 - 2015, người dân tại các vùng quê mặc dù còn nghèo khó, nhưng đã sẵn lòng đóng góp hơn 27 nghìn tỷ đồng, gần tám triệu ngày công lao động, hiến hơn 3.300 ha đất để làm đường, đưa hệ thống giao thông ngày một rộng mở, nối liền các thôn ấp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Không thể kể xiết những tấm gương người dân tiêu biểu hiến hàng nghìn m 2đất, tự nguyện tháo dỡ cổng, tường rào, thậm chí phá cả một phần căn nhà đang ở để ủng hộ làm đường. Một gia đình ở huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã đóng góp một tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó phần lớn dành cho làm đường GTNT. Tại các công trình, dự án xây dựng đường GTNT, gần như không xảy ra khiếu kiện kéo dài, bức xúc của người dân về câu chuyện giải phóng mặt bằng. Họ rất đồng tình với chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm", bởi nhận rõ lợi ích của các công trình trong phát triển kinh tế, phục vụ nhu cầu đi lại, học tập, khám, chữa bệnh,... Điều quan trọng nhất, người dân được bàn, được tham gia giám sát công trình và biết mọi vấn đề liên quan tài chính. Các đường liên thôn, ngõ xóm hầu hết do dân tự thu, tự làm nên giá thành hạ, chất lượng bảo đảm.

 

Bộ đội giúp người dân làm đường bê-tông về các thôn, xóm.

Đột phá phát triển GTNT

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), vào năm 2010, cả nước còn 149 xã chưa có đường ô-tô đến trung tâm. Sau 5 năm triển khai Chiến lược phát triển GTNT, có thêm 84 xã hoàn thành việc xây dựng đường đến trung tâm, chỉ còn lại 65 xã do mới chia tách hoặc ở địa hình rất khó khăn, như các xã: Cù lao ven sông Tiền, sông Hậu; vùng ven biển ngập mặn Bạc Liêu, Cà Mau; các xã vùng núi cao hiểm trở Quảng Nam, Nghệ An,... Trong vòng 5 năm qua, đường GTNT đã tăng thêm 217 nghìn km, trong đó đường huyện tăng 10.500 km, đường xã và về thôn, xóm tăng 101 nghìn km. Đến nay, đã có 220 nghìn trên tổng số gần 493 nghìn km đường GTNT được cứng hóa.

Hệ thống GTNT không chỉ là những tuyến đường huyết mạch nối các trung tâm huyện với xã hoặc nối các trung tâm xã, mà còn là các tuyến đường liên thôn xóm, nối các khu dân cư, phục vụ đời sống dân sinh. Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhận định: Đến thời điểm này, có thể nói các chỉ tiêu chiến lược phát triển GTVT đã cơ bản đạt tiến độ. Việc tạo bước đột phá trong phát triển GTNT thời gian tới có ý nghĩa quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội khu vực này.

Theo đó, trước tiên cần rà soát các chiến lược, quy hoạch, chương trình lớn để điều chỉnh, định hướng phát triển GTNT bền vững, tập trung, không lạc hậu. Nếu làm không tốt, có thể dẫn đến tình trạng "nay làm, mai lại phá" hết sức lãng phí. Bên cạnh đó, cần dành một phần kinh phí thỏa đáng cho công tác bảo trì. Công tác này chưa được quan tâm đúng mức, cho nên đã xảy ra một số trường hợp công trình cầu, đường bị hư hỏng nhưng không được bảo dưỡng. Một vấn đề quan trọng khác, cần tăng cường sự giám sát của nhân dân, thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch trong thực hiện công trình, dự án, nhất là với kinh phí huy động và thi công. Khảo sát tại nhiều địa phương, chúng tôi nhận thấy, lực lượng quản lý GTNT rất yếu kém, bất cập, nhất là ở cấp cơ sở. Biên chế cấp huyện mới có cán bộ quản lý giao thông, còn ở cấp xã gần như "trống trận địa". Vì thế, Nhà nước nên có chính sách bố trí bộ phận chuyên trách quản lý bảo dưỡng đường ở cấp xã, không cần thiết phải thêm biên chế mà chỉ cần bố trí một người có trách nhiệm theo dõi hạ tầng giao thông.

Cán bộ này chỉ cần kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng vẫn có thể huy động từ sức dân. Hiện nay, đang có nghịch lý những địa phương có nguồn thu tốt, mức hỗ trợ làm đường GTNT của chính quyền cao, còn nơi khó khăn, nguồn thu thấp nên hỗ trợ hạn chế, trong khi chính những địa bàn này rất cần đẩy mạnh phát triển GTNT. Nguồn lực mỗi địa phương khác nhau, nhưng quan điểm chỉ đạo phải thống nhất dành sự quan tâm, đầu tư thích đáng cho GTNT vì đây là vấn đề dân sinh có ý nghĩa hết sức quan trọng. Hiện, Bộ GTVT đang xây dựng các đề án phát triển cầu, đường nông thôn tại 50 tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, huy động bằng nhiều nguồn vốn, như: ODA, từ thiện, huy động từ quỹ xã hội, kết hợp nội lực địa phương, sẽ bảo đảm được sự hài hòa. Trong trường hợp khó huy động được các nguồn vốn, Chính phủ có thể xây dựng các chương trình mục tiêu hướng về các tỉnh nghèo để phát triển GTNT.

Tại hội nghị tổng kết 5 năm phát triển GTNT gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bày tỏ sự vui mừng: Cách đây bốn năm, Ban Bí thư thí điểm mô hình nông thôn mới, giao Chính phủ thực hiện. Lúc đó chúng tôi vô cùng lo lắng, vì theo báo cáo từ các địa phương, mỗi xã cần tới vài trăm tỷ đồng để thực hiện nhưng nguồn lực thực tế rất ít ỏi. Kết quả hôm nay chúng ta đạt được đã vượt quá mong đợi.

Mục tiêu đến năm 2020, khối lượng công việc vẫn còn rất lớn, cần thêm 25% số xã đạt tiêu chí về giao thông theo tiêu chuẩn nông thôn mới. Chắc chắn, số xã còn lại sẽ khó khăn hơn vì hầu hết thuộc diện đặc biệt khó khăn, địa hình hiểm trở. Quan trọng nhất vẫn là làm sao huy động được các nguồn lực, ngoài hỗ trợ từ ngân sách, các địa phương cần huy động từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác.

Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh: "Thời gian qua, có nơi còn huy động sự đóng góp của cả người nghèo, điều đó rất phản cảm. Chính phủ nghiêm cấm huy động người nghèo đóng góp xây dựng nông thôn mới. Nếu họ góp sức lao động, chính quyền cơ sở cần tạo điều kiện để cho họ có thêm thu nhập. Các địa phương nghèo nếu huy động theo tỷ lệ 50/50 như vùng đồng bằng, sẽ buộc các cấp xã, huyện "vắt kiệt" sức dân. Vì thế, với các địa bàn nghèo, ngân sách phân bổ về phải đáp ứng ít nhất 90%, thậm chí 100%" .

BÀI VÀ ẢNH: QUANG HƯNG
theo nhandan
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập490
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại869,743
  • Tổng lượt truy cập92,043,472
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây