Trong những năm qua, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của người dân, nông nghiệp Ninh Bình đã có những bước phát triển khá toàn diện.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành đạt bình quân trên 2%/năm; giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác liên tục tăng, năm 2017 đạt trên 110 triệu đồng/ha. Đặc biệt, sản xuất đang chuyển dịch dần theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị.
Ngày càng nhiều mô hình liên kết
Gần đây, ghi nhận ngày càng nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, từng bước mở rộng quy mô, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, DN.
Đơn cử như chuỗi giá trị lúa gạo tại công ty CP Tổng công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình, với dây chuyền nhà máy xay xát công suất trên 30.000 tấn gạo/năm. Công ty đã liên kết với các HTX nông nghiệp ở các huyện Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn để sản xuất lúa với đúng chủng loại giống theo yêu cầu, bảo đảm về chất lượng cũng như các yếu tố về VSATTP.
Nông dân tham gia liên kết được hướng dẫn kỹ thuật, được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường. Còn công ty sau khi thu mua thóc sẽ đưa về chế biến, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Còn với công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, hàng chục năm qua đã nổi tiếng với các sản phẩm chế biến từ quả dứa, chanh leo, vải, ngô ngọt… xuất đi nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU…
Công ty thường xuyên đặt hàng các HTX trong và ngoài tỉnh để sản xuất các sản phẩm mà họ cần theo hình thức DN cung ứng một phần giống, vật tư, rồi trừ sau khi thu mua sản phẩm.
Ngoài ra, các HTX ngành hàng sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn như ở Khánh Thành (huyện Yên Khánh); Yên Từ, Mai Sơn, Yên Hòa (huyện Yên Mô); Gia Phương (huyện Gia Viễn) vài năm trở lại đây đã từng bước định hướng được thị trường, lo được đầu ra cho sản phẩm, đem lại thu nhập cao cho người sản xuất.
Thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông sản |
Thành lập các HTX kiểu mới
Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị là chủ trương lớn, không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà cùng với ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, liên kết sản xuất - tiêu thụ được xem là khâu hết sức quan trọng trong nỗ lực tạo ra sản phẩm nông sản an toàn. Quan trọng hơn cả là giúp giải bài toán “được mùa mất giá, được giá mất mùa” khiến không ít HTX, THT đau đầu thời gian qua.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay nền sản xuất nông nghiệp của chúng ta phần đa vẫn dựa vào nông hộ nhỏ lẻ, không có liên kết, hoặc liên kết chưa chặt chẽ. Chúng ta vẫn thiếu các DN lớn, DN đầu tàu đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Các HTX đóng vai trò là cầu nối giữa DN với nông dân thì hoạt động chưa thực sự hiệu quả, năng lực quản trị yếu…
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: Thời gian tới, để nâng cao phát triển chuỗi giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, cần tập trung phát triển sản xuất theo các sản phẩm chủ lực, đặc sản của từng địa phương. Trước mắt phải tạo ra được lượng sản phẩm hàng hóa bảo đảm an toàn, chất lượng.
Việc áp dụng KH-CN, nhất là công nghệ hữu cơ, công nghệ sạch là đòn bẩy cho phát triển nông nghiệp hàng hóa. Tăng cường xúc tiến thương mại; đánh giá, dự báo tốt, sát với thị trường là hoạt động quan trọng, là cơ sở để điều chỉnh sản xuất.
Thành lập các HTX kiểu mới (HTX ngành hàng) để liên kết các hộ nông dân, sản xuất tập trung để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ hiện nay.
Ngoài ra, cần tăng cường kết nối giữa DN thu mua, phân phối, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh thông qua hợp đồng hợp tác giữa DN với HTX kiểu mới nhằm xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững, khắc phục tình trạng mạnh ai nấy làm, tư thương ép giá, giải cứu nông sản…
Hà Phương/thoibaokinhdoanh.vn/