Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình, trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, trồng trọt chiếm tỷ lệ hơn 60% với diện tích trồng cây hằng năm hơn 110.000 ha. Trong đó có một số mô hình sản xuất theo vùng chuyên canh, tập trung, hiệu quả cao như lúa Yên Khánh, Nho Quan, rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, dứa… Tuy nhiên, quy mô sản xuất hàng hóa vẫn còn khiêm tốn và thiếu sự gắn kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị sản phẩm.
Một thí dụ điển hình là trong sản xuất rau an toàn ở huyện Yên Khánh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX rau an toàn Khánh Thành Phạm Văn Thẫn chia sẻ, HTX bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 6-2016 với diện tích sản xuất rau an toàn hơn 20 ha, sản lượng đạt hàng trăm tấn mỗi vụ. Sau một thời gian tích cực hỗ trợ tập huấn, đến nay các thành viên trong HTX cơ bản đã nắm vững và triển khai sản xuất theo quy trình an toàn, chủng loại rau cũng khá phong phú và thay đổi theo mùa. Tuy nhiên, đến lúc thu hoạch thì HTX lại phải “chạy đôn chạy đáo” lo đầu ra cho rau bởi hiện chủ yếu vẫn bán cho thương lái trên địa bàn. “Mong ước lớn nhất của chúng tôi là được các doanh nghiệp kết hợp đầu tư để HTX sản xuất theo kế hoạch, không bị động trong mỗi mùa vụ” - ông Thẫn cho biết.
Tương tự, tại xã Khánh Hồng (huyện Yên Khánh) địa phương có hơn 40 ha chuyên canh rau quanh năm, bài toán tổ chức sản xuất cũng còn rất nhiều bất cập. Giám đốc HTX Yên Lạc Tống Minh Hiền chia sẻ, ý thức được tầm quan trọng của thương hiệu sản phẩm, đến nay tình trạng nông dân trồng “luống ăn, luống bán” đã không còn, tuy nhiên việc tiêu thụ sản phẩm có lúc vẫn rất bấp bênh. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý đầu tư mở rộng vùng sản xuất của nhiều hộ nông dân. Hay như tại HTX Thủy sản Cao Hòa, huyện Gia Viễn có sản lượng thủy sản đạt 500 đến 600 tấn, nhưng việc tiêu thụ trong năm nay hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái và luôn bị ép giá. Đại diện HTX cho biết, nếu giá thu mua ổn định, người nông dân yên tâm sản xuất thì sản lượng thủy sản có thể lên tới hàng nghìn tấn mỗi năm. Tuy nhiên, hiện phần lớn sản lượng chỉ được bán cho các thương lái rồi cung cấp ra thị trường tự do trong tỉnh và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, tính ổn định của sản xuất chưa cao, phụ thuộc nhiều vào thị trường và không gắn với chế biến.
Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình Vũ Văn Nga cho biết, đây là khâu yếu của nông nghiệp Ninh Bình hiện nay. Lấy thí dụ thực tế của đơn vị mình, ông Nga thở dài ngao ngán khi bản thân bỏ tiền ra đầu tư vùng nguyên liệu tập trung nhưng bị nông dân “phá hợp đồng”. Công ty đầu tư giống, phân bón “đặt hàng” sản xuất 300 tấn gạo nếp cái hoa vàng. Tuy nhiên, đến ngày thu hoạch, công ty chỉ thu được 65 tấn, còn lại bà con nông dân đã “nhanh tay” bán cho thương lái, “hàng xáo” với mức giá “hời” hơn. Chính vì vậy, theo ông Nga, muốn hướng tới sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp, tỉnh Ninh Bình cần phải nâng tầm hơn nữa việc liên kết, tránh để tình trạng rời rạc, mạnh ai nấy làm như hiện nay.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình Bùi Văn Diệu cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đang có hướng phát triển các chuỗi hàng hóa về rau sạch và các mặt hàng nông, lâm thủy sản. Trong đó tỉnh sẽ tập trung đầu tư mở rộng các vùng sản xuất đối với các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của địa phương. Cụ thể, tỉnh sẽ mở rộng 50% diện tích trồng lúa chất lượng cao, tức là khoảng 40.000 ha/năm. Đối với cây rau, phát triển các vùng rau trên quỹ đất màu tập trung ở các huyện Yên Khánh, Yên Mô. Ngoài ra, cây hoa được lựa chọn cho khu vực chung quanh TP Ninh Bình và vùng cây ăn quả tập trung ở TP Tam Điệp, huyện Nho Quan. Đối với chăn nuôi, tỉnh mở rộng vùng nuôi các con chủ lực như dê núi, gà thả vườn, lợn rừng, lợn hướng nạc… Bên cạnh đó, để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nông nghiệp, sở cũng đã tham mưu cho tỉnh ban hành Nghị quyết và đề án về “Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Đồng thời từng bước đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã