Học tập đạo đức HCM

Nông dân Nghệ An tích tụ ruộng đất sản xuất lớn

Chủ nhật - 17/09/2017 23:36
Từ sau đợt dồn điền đổi thửa lần 2 (năm 2013), phong trào nông dân tích tụ ruộng đất sản xuất lớn đã phát triển khá mạnh ở nhiều địa phương của Nghệ An.

Những “ông chủ mới” trên đất quê

Ấp ủ giấc mơ trở thành “ông chủ”, làm giàu trên quê hương, sau khi doanh nghiệp trồng chuối thất bại, trả lại đất cho người dân, ông Đặng Quang Hoàng, ở xóm 9 xã Viên Thành, huyện Yên Thành thuê lại 6 ha đất màu ở xứ đồng Cây Trường và đồng Lệ Kệ làm trang trại. Mức giá thuê được tính 50 kg thóc/sào/năm.

Nông dân xã Diễn Hoa (Diễn Châu) tích tụ ruộng đất trồng ngô sinh khối. Ảnh: quang an
Nông dân xã Diễn Hoa (Diễn Châu) tích tụ ruộng đất trồng ngô sinh khối. Ảnh: Quang An

Sau khi đầu tư mua máy cày, máy làm luống, máy gieo hạt, năm 2016, ông Hoàng ký hợp đồng với Trang trại bò Nghi Lâm trồng 6 ha ngô sinh khối, tuy gặp thời tiết bất thuận, mất nhiều công sức nhưng vẫn thu được 200 tấn ngô cây, trị giá 200 triệu đồng.

Đầu năm 2017, ông Hoàng lại ra tận Ninh Bình, tìm đến Công ty Đồng Giao ký hợp đồng liên kết sản xuất cây đậu tương. “Tôi đang có kế hoạch liên kết với Công ty Đồng Giao trồng dứa Cayen hoặc cây hẹ. Những loại cây này trồng và chăm sóc rất đơn giản mà lại lưu gốc được 2 - 3 năm, hiệu quả kinh tế rất cao. Đặc biệt, nhờ có sản phẩm tập trung, đồng bộ nên có thể ký hợp đồng thẳng với doanh nghiệp, yên tâm về đầu ra sản phẩm” - ông Hoàng chia sẻ. 

Năm 2013, gia đình ông Cao Thanh Hà, ở xóm 4 xã Diễn Liên (huyện Diễn Châu) xin nhận đất của nhiều hộ dân bỏ không sản xuất ở vùng Cồn Cơi để làm trang trại tổng hợp. Sau 4 năm xây dựng, hiện trang trại của ông Hà có trên 1.000 con vịt đẻ, 300 con gà, mỗi ngày ông thu về 700 - 800 quả trứng vịt, vài trăm quả trứng gà; cùng đó, 3 cái ao cho 3 - 4 tấn cá/năm. Thời kỳ cao điểm, có lúc trong trại ông Hà nuôi mấy nghìn con vịt, hàng nghìn con gà, trên 100 con lợn thịt, chưa kể nguồn thu từ cây ăn quả.

Hiện nay, trên địa bàn xã Diễn Liên còn có rất nhiều gia đình phát triển mô hình mới. Đặc biệt, vài năm gần đây, bà con đưa vào phát triển cây thanh long ruột đỏ và mít sầu riêng, chỉ 1- 2 năm đã cho thu hoạch. Toàn xã có 22 ha thanh long vừa trồng xen cây khác.

Những mô hình nêu trên ngày càng xuất hiện nhiều ở các huyện, xã trong tỉnh, góp phần tích cực trong chuyển đổi sản xuất, phát huy giá trị trên cùng một đơn vị diện tích. Vấn đề cốt lõi để các mô hình tích tụ ruộng đất phát huy hiệu quả là có sự liên kết giữa các hộ dân và doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản.

Chăn nuôi lợn kết hợp nuôi cá ở Hưng Tân (Hưng Nguyên). Ảnh: Trân Châu
Một mô hình trang trại chăn nuôi lợn kết hợp nuôi cá ở xã Hưng Tân (Hưng Nguyên). Ảnh: Trân Châu

Tạo sự bền vững cho sản xuất tập trung

Từ những mô hình hiệu quả, nhiều địa phương đã có cơ chế chính sách khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, sản xuất tập trung. Tại xã Diễn Liên có 4 vùng đất rất đặc trưng, trong đó 1 vùng là đất cao cưỡng, 3 vùng còn lại là đất lầy thụt, sâu sục.

Trước đây, bà con vẫn sản xuất lúa nhưng hiệu quả rất thấp, lúa vụ xuân đạt 2 tạ/sào và hè thu thường chỉ 50 - 70 kg/sào. Sau dồn điền đổi thửa, một số hộ dân không có nhu cầu sản xuất nữa, xã đã xây dựng quy chế chuyển đổi, gom đất thành thửa lớn và cho một số hộ nhận thầu phát triển trang trại tổng hợp. Nhờ đó đến nay, trên địa bàn xã Diễn Liên đã có 46 hộ làm kinh tế gia trại, trang trại, quy mô từ 5.000m2 đến 3,5 ha/mô hình. 

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Diễn Châu - ông Lê Thế Hiếu, cho biết: Huyện có cơ chế hỗ trợ để phát triển sản xuất tập trung theo mức từ 5 ha sản xuất vụ đông tập trung được hỗ trợ 1 triệu đồng/ha tiền làm đất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ đầu tiên được hỗ trợ 5 triệu đồng/ha; làm mô hình công nghệ cao từ 1.000 m2 trở lên hỗ trợ 50 triệu đồng. Đồng thời tạo điều kiện để người dân tích tụ ruộng đất theo dạng thuê, mượn đất.

Huyện cũng quy hoạch từng vùng sản xuất, trang trại để giao cho các hộ dân có nhu cầu. Đến nay, tất cả các xã đều có từ 20 - 50 ha đất trang trại/xã, toàn huyện có 259 trang trại với quy mô từ 2 ha trở lên, bình quân thu nhập đạt 250 triệu/ha.

Dồn điền đổi thửa trồng mía ở Tân Kỳ
Dồn điền đổi thửa phát triển trồng mía ở huyện Tân Kỳ. Ảnh: Phương Thảo

Xu hướng tích tụ ruộng đất thành trang trại đang được đánh giá là tất yếu trong phát triển nông nghiệp ở Nghệ An. Tư duy sản xuất của nông dân tốt hơn theo hướng sản xuất hàng hoá, tập trung.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 74 trang trại có hợp đồng với doanh nghiệp cung ứng sản phẩm đầu vào; 14 trang trại có hợp đồng với doanh nghiệp gia công sản phẩm; 104  trang trại có hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, các trang trại cũng rất chú trọng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các HTX. 

Nghệ An có tổng diện tích đất nông nghiệp hơn 1.464.697 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp hơn 304.000 ha. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường - cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo dồn điền đổi thửa của tỉnh, thì  đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 313/313 xã với trên 88.891 ha đất sản xuất nông nghiệp đủ điều kiện đã thực hiện dồn điền, đổi thửa tại thực địa.

Sau dồn điền đổi thửa, bình quân mỗi hộ còn 2 - 3 thửa, diện tích đất công ích đã được bố trí thành vùng tập trung. Đây là điều kiện quan trọng tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất. Tính riêng trong hai năm, từ 2014 - 2016, Nghệ An đã giao đất, cho thuê đất nông nghiệp cho gần 600 trường hợp, với diện tích trên 4.425 ha. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, thì tích tụ ruộng đất, sản xuất tập trung vẫn còn nhiều khó khăn do đại bộ phận nông dân vẫn đang có tư tưởng giữ ruộng, trong khi đó cơ chế về đổi, thuê đất chưa cụ thể, hầu như chỉ mới đang là khuyến khích và tạo điều kiện.

Về lâu dài, rất cần có sự chỉ đạo thống nhất để có sự quy hoạch cụ thể cho từng loại cây trồng, vật nuôi, xác định sản phẩm cụ thể để đầu tư sản xuất, xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ một cách bền vững.

Phú Hương/baonghean.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập142
  • Hôm nay40,149
  • Tháng hiện tại195,404
  • Tổng lượt truy cập90,258,797
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây