Học tập đạo đức HCM

Nông dân thi đua làm giàu

Thứ hai - 21/09/2015 21:12
Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), thì các tiêu chí về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững (tiêu chí 10 đến 13) luôn là mục tiêu quan trọng nhất được nhiều địa phương tại TP Hồ Chí Minh chọn làm trọng tâm, trọng điểm để tổ chức thực hiện. Qua thực tế, đã xuất hiện những cách làm sáng tạo, tạo nên phong trào thi đua làm giàu trong nông dân ở các xã xây dựng NTM…
 

Những điển hình tiên tiến

Nhìn tác phong giản dị với quần Jeans, áo sơ-mi bạc mầu, ít ai biết Phạm Duy Khánh (34 tuổi) đang là ông chủ của tám ha đất nuôi tôm thẻ với tổng giá trị tài sản hàng chục tỷ đồng. 

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi, từ chối nhiều cơ hội làm việc lương cao, Khánh trở về quê ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ để học làm nông dân với nhiều cái không: Không đất, không kinh nghiệm, không vốn… Với ý chí mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm, Khánh đã bàn với gia đình cho đi học kỹ thuật nuôi tôm tại trường nông nghiệp để nuôi tôm theo phương pháp quảng canh (một vụ tôm xen một vụ cá rô phi). Khánh cho biết, nuôi cá chủ yếu là để cải tạo môi trường nước, chuẩn bị cho vụ nuôi tôm tiếp theo. Được hỗ trợ kỹ thuật, được vay vốn của mô hình xây dựng NTM, từ vài vuông tôm nhỏ lẻ, đến nay Khánh đã là ông chủ của tám ha tôm thẻ - cá rô phi, đạt doanh thu khoảng 500 triệu đồng /ha/vụ. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm lợi nhuận từ các vuông tôm của Khánh đạt gần hai tỷ đồng. 

Cũng tại xã Lý Nhơn, nói đến mô hình “muối – tôm” là nhiều người nhắc ngay đến nông dân Lê Văn Núi (ấp Tân Điền). Ông được xem là cha đẻ của mô hình này. Ông Núi kể, trước đây, người dân xã Lý Nhơn chủ yếu chỉ làm muối, một năm hai vụ. Những tháng mùa mưa, nông dân để đồng trống ngập nước, chờ mùa khô thau đồng, sửa bờ, nạo kênh dẫn nước mặn về làm muối. Làm như vậy lãng phí công và tốn chi phí cải tạo lại đồng muối trước vụ sản xuất. Sau khi được các cán bộ Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm xen làm muối theo hình thức quảng canh, ông đã áp dụng trên 3 ha đất làm muối của mình và đã thành công. Mùa nắng, ông vẫn làm muối; mùa mưa, ông mua tôm giống thả xuống ruộng để tôm tự phát triển từ những thức ăn có sẵn trong tự nhiên. Đến cuối vụ, ông thu hoạch được chục tấn tôm và không phải tốn thêm chi phí cải tạo lại đồng ruộng để làm muối. Bình quân, với 3 ha đất, mỗi năm ông Núi thu lợi hàng trăm triệu đồng. 

Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ, hiện nay, huyện có khá nhiều điển hình nông dân làm giàu. Đó là nông dân Nguyễn Văn Sỏi (ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An), đi đầu trong việc tham gia chuyển đổi mô hình sản xuất muối truyền thống năng suất thấp sang mô hình sản xuất muối kết tinh trên ruộng trải bạt với diện tích 6 ha. Với mô hình mới này, năng suất bình quân đạt 70 tấn/ha, tăng 20 tấn/ha so với trước kia; giá bán tăng 100 đến 200 đồng/kg, muối trắng, sạch hơn so với sản xuất truyền thống. Sản lượng hằng năm đạt 500 đến 600 tấn, thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Đó là nông dân Nguyễn Thanh Toàn (ấp Tân Điền, xã Lý Nhơn) nổi tiếng khắp cả vùng nhờ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng khoa học tiên tiến đạt hiệu quả cao nhiều năm liền. Hiện, anh Toàn có diện tích ao nuôi hơn 10 ha, sản lượng bình quân đạt 100 tấn/năm, lãi bình quân đạt 1,8 tỷ đồng… 

Chung sức cùng làm giàu

Những điển hình nông dân kể trên không chỉ biết làm giàu cho bản thân và gia đình, mà còn tích cực hỗ trợ những người nông dân khác vượt khó làm giàu. Theo Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ, từ thành công của ông Núi, xã đã nhân rộng mô hình nuôi tôm theo hình thức quảng canh. Đến nay, hai phần ba số hộ làm muối trong xã Lý Nhơn đã đứng ra tự thành lập hơn 20 tổ hợp tác, khai thác tối đa lợi thế của vùng đất. Từ mô hình làm muối, nuôi tôm, không ít hộ đã giàu lên một cách bền vững.

Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng cho biết thêm, các mô hình làm kinh tế giỏi xuất hiện tại địa phương luôn được trân trọng, chọn lọc để nhân rộng. Đơn cử, từ một hộ nuôi chim yến ban đầu, hiện nay ở Cần Giờ đã có hàng trăm hộ đầu tư nuôi chim yến. Ở các xã Long Hòa, Bình Khánh, An Thới Đông, thị trấn Cần Thạnh, người dân đã liên kết với nhau đầu tư vào du lịch nhà vườn. Tại Thạnh An, Lý Nhơn lại nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp, luân canh trên ruộng lúa, đồng muối. Huyện có hơn ba nghìn hộ dân chuyển sang nuôi tôm với diện tích khoảng ba nghìn ha. Nhờ chuyển dịch hợp lý, những cánh đồng nhiễm mặn khi xưa giờ đây đem lại nguồn thu đáng kể cho nông dân. 

Cùng với việc khuyến khích đa dạng hóa vật nuôi, thương mại dịch vụ, du lịch sinh thái được Cần Giờ xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Các thành phần kinh tế được khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển hoạt động kinh doanh, phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân... Nhờ vậy, nhiều xã trước đây thuộc diện khó khăn giờ đã đạt hầu hết các tiêu chí quốc gia về xã NTM. 

Còn huyện Hóc Môn lại chú trọng phát triển các hợp tác xã (HTX) kiểu mới. Chẳng hạn, xã Nhị Bình có HTX Cá sấu giống Nam Bộ nổi tiếng lâu nay, cung cấp cá sấu giống cho cả miền nam. Theo Chủ tịch UBND xã Nhị Bình Trần Văn Chiến, ban đầu HTX chỉ có 29 xã viên tham gia góp vốn, người ít thì vài ba chục triệu đồng, người nhiều thì vài trăm triệu đồng, đến nay, đã tăng lên hàng trăm xã viên với giá trị tài sản hàng chục tỷ đồng. 

Xã Tân Thới Thượng lại nổi tiếng bởi có HTX nông nghiệp dịch vụ Ngã ba Giồng với 52 xã viên, canh tác 28 ha trồng rau quả, gia vị sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và toàn bộ sản phẩm qua sơ chế đều được đưa vào siêu thị. Bình quân mỗi năm, HTX cung cấp cho các siêu thị tại TP Hồ Chí Minh khoảng 3.500 tấn rau sạch. Bà Cao Thị Hòa, Chủ tịch Hội nông dân xã Xuân Thới Thượng cho biết, cái được lớn nhất từ mô hình sản xuất này là HTX thu được lợi nhuận, đồng thời phương thức hợp tác mới được định hình và mở rộng ra nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác cùng phát triển, thu hút vốn, kỹ thuật, lao động trên địa bàn. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế, tạo cơ hội cho nhiều người dân làm giàu và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Giá trị sản xuất bình quân trên một ha năm 2014 của 56 xã thực hiện xây dựng NTM tại TP Hồ Chí Minh đạt 325 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp hơn hai lần so với năm 2010. Khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị được thu hẹp, thu nhập bình quân ở nông thôn đạt 3,34 triệu đồng/tháng, thu nhập ở thành thị 4,12 triệu đồng/ tháng. 

(Nguồn: UBND TP Hồ Chí Minh)

Theo TÙNG QUANG/nhandan.org.vn


 Tags: tiêu chí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập293
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm292
  • Hôm nay54,202
  • Tháng hiện tại884,929
  • Tổng lượt truy cập92,058,658
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây