Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả vượt qua ngoạn mục 2 sản phẩm chủ lực là gạo và cao su. Với gần 2,5 tỷ USD, ngành hàng rau quả cũng đã vượt qua chính sản phẩm này của năm 2015 là 1,8 tỉ USD; trong đó, có sự đóng góp rất lớn của “vựa trái cây” ĐBSCL.
Bước ngoặt này mở ra hướng mới trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp kể từ năm Đinh Dậu, theo hướng gia tăng diện tích trồng cây ăn trái đặc sản thay vì tiếp tục trồng lúa chỉ để dành được danh hiệu đứng đầu thế giới.
Những câu chuyện giữa doanh nghiệp và nhà nông trong ngày cuối năm, những kỳ vọng tốt đẹp trong năm mới đều đã được cụ thể hoá trong các hợp đồng kinh tế. Với gần 3 ha xoài, ông Huỳnh Thanh Bá, Phó Giám đốc HTX Xoài Mỹ Xương cho biết, những ngày giáp Tết, các HTX, tổ hợp tác trồng xoài vùng chuyên canh Đồng Tháp nhộn nhịp đón các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây trong nước đến tìm hiểu, ký hợp đồng thu mua trái cây…
Bên ấm trà nóng thơm dịu hương sen, trong ánh mắt đầy niềm tin, ông Bá cho biết, chính nhờ nỗ lực sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn nên cơ hội tiêu thụ sản phẩm với giá bán cao, ổn định đã đến. Một thói quen sản xuất mới an toàn, hiệu quả đã được hình thành, thống trị trong tiềm thức của họ.
Giờ đây, không chỉ ông Bá, nhiều nhà vườn trồng xoài vùng chuyên canh đã tự tin để cho ra những quả xoài ngon, ngọt, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe trong xuất khẩu, góp phần đưa “tiếng lành” trái cây Việt ngày một vươn xa.
Đó cũng là một trong những nguyên nhân đem lại sự khởi sắc của ngành hàng rau quả vùng ĐBSCL và của cả nước trong năm 2016. Gần 30 loại trái cây được xuất khẩu đem về 74% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả. Những loại trái cây như thanh long, nhãn, dưa hấu, xoài… đã chinh phục được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Đức, Australia, Hàn Quốc…
Trăn trở cùng sự phát triển của ngành nông nghiệp, GS. TS Võ Tòng Xuân cho biết, đến giờ, khi sang xứ người, gạo không thể đem lại lợi tức cao hơn trái cây. Vì thế, nên chăng từ năm Đinh Dậu này, ĐBSCL sẽ giảm diện tích trồng lúa. Diện tích dư ra này cần được quy hoạch lại thành vùng sản xuất lớn trồng các loại cây ăn trái nổi tiếng của Việt Nam để xuất khẩu:
Sau hơn một năm vật lộn để tìm các giải pháp thích nghi với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, người ĐBSCL đã “bắt” được tia sáng, một cách làm mới táo bạo hơn, hứa hẹn đem lại giá trị cao hơn trên một đơn vị diện tích canh tác.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, địa phương đi tiên phong trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của cả nước cho rằng, nếu kiểm soát tốt chất lượng đầu vào, kim ngạch xuất khẩu rau và trái cây của Việt Nam có thể đạt gấp đôi, gấp 3 lần so với năm 2016.
Năm 2016, dù liên tiếp đối mặt với những khó khăn trong xuất nhập khẩu, đối phó với hạn mặn nhưng lại là một năm khởi sắc của ngành hàng rau quả. Đây chính là một trong những cơ sở quan trọng để ngành nông nghiệp, khởi đầu từ năm Đinh Dậu, được cơ cấu lại, tạo ra những giá trị thực thay vì thành tích hay danh hiệu, góp phần quan trọng vào việc tăng thu nhập và cải thiện đời sống của dân cư vùng nông thôn./.