Trong vài năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp hữu cơ được nhiều DN trong nước quan tâm và mạnh dạn bỏ vốn lớn đầu tư. Thời gian gần đây thậm chí có một làn sóng hợp tác từ các tập đoàn nước ngoài vào các dự án nông nghiệp sạch với những cam kết hợp tác và mở rộng tiêu thụ.
Ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam thông tin rằng, tính đến thời điểm cuối tháng 4/2016, tại Việt Nam đã có hàng chục mô hình nông nghiệp hữu cơ hiệu quả. Tiêu biểu trong số này có thể kể đến các mô hình sản xuất rau hữu cơ tại Thanh Xuân (Hà Nội) và Đà Lạt (Lâm Đồng); mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ tại Cà Mau; mô hình sản xuất chè hữu cơ ở Bảo Lộc (Lâm Đồng)…
Hầu hết các mô hình sản xuất hữu cơ đều ghi nhận mức lợi nhuận cao hơn từ 20-30% so với sản xuất truyền thống. Đáng mừng hơn là nhu cầu tiêu thụ các loại nông sản hữu cơ hiện nay đang tăng lên rất mạnh mẽ. Bên cạnh nhu cầu tiêu thụ nội địa thì nhiều DN của nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, EU… đã trực tiếp đến từng dự án đặt vấn đề liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm.
Ảnh minh họa |
Minh chứng điều này, đại diện Công ty TNHH Hưng Thịnh (Tây Ninh) cho hay, hiện đã có một tập đoàn của Đức đặt vấn đề hợp tác với công ty để xây dựng một trang trại rộng 1.500 ha phục vụ nuôi cá và tôm hữu cơ. DN nước ngoài này bày tỏ sẽ sẵn sàng góp vốn và cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm từ trang trại mở rộng.
Trong khi đó, ông Võ Minh Khải, Tổng giám đốc Công ty Viễn Phú (sản xuất gạo hữu cơ – Cà Mau) cũng cho biết, hiện công ty đã hoàn thành việc ký kết hợp đồng hợp tác với một DN Nhật Bản để mở rộng diện tích sản xuất lúa – tôm theo mô hình hữu cơ lên mức 320 ha.
Tới đây, DN sẽ tiếp tục ký kết với 7 DN nữa đến từ Nhật Bản để phát triển các mô hình hữu cơ mới. Các đối tác đều cam kết rằng họ sẽ bỏ vốn đầu tư đồng thời triển khai quảng bá, marketing các sản phẩm hữu cơ tại thị trường Nhật Bản để mở rộng tiêu thụ.
Theo nhận định của ông Lê Thành, chuyên gia về nông sản hữu cơ tại Việt Nam, hiện nay diện tích đất nông nghiệp được các DN sử dụng để sản xuất nông nghiệp hữu cơ mới chỉ chiếm khoảng 0,2%. Với sự đầu tư và sức cầu mạnh từ các thị trường nước ngoài thì khả năng trong vòng vài năm tới các mô hình nông nghiệp hữu cơ có thể tăng lên mạnh mẽ.
Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cần nhanh chóng xây dựng một hệ tiêu chuẩn quản lý Nhà nước về nông nghiệp hữu cơ, cần thiết thì có thể ban hành một văn bản pháp lý riêng cho lĩnh vực này theo hướng tạo điều kiện tốt nhất cho các DN mở rộng hợp tác với các đối tác nước ngoài. Bởi hiện nay những trở ngại lớn nhất cho các DN hoạt động lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ là thiếu vốn đầu tư ban đầu và phải bỏ quá nhiều chi phí cho việc kiểm tra - chứng nhận các nông sản hữu cơ.
Thêm vào đó, việc tiêu thụ nông sản hữu cơ hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào các thị trường xuất khẩu. Do vậy, muốn tạo được uy tín mạnh mẽ và được người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu tin tưởng, cách tốt nhất là bắt tay làm ăn với chính các tập đoàn nông nghiệp – thực phẩm lớn của nước đó.
Khi họ bỏ vốn hợp tác họ sẽ chủ động hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản hữu cơ Việt Nam. Điều này một mặt giúp các DN trong nước có cơ hội mở rộng mô hình sản xuất kinh doanh, mặt khác giúp cho việc xã hội hóa thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ có cơ hội bứt phá.
Hà Minh
http://thoibaonganhang.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;