Và như một sợi chỉ liên kết xuyên suốt, Chương trình xây dựng nông thôn mới đang trở thành giải pháp trọng tâm mà thành phố tập trung thực hiện để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn.
Trên thực tế, không phải đến khi Trung ương phát động Chương trình xây dựng nông thôn mới, TPHCM mới chú trọng chỉ đạo phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, mà Thành ủy, UBND TP đã quan tâm tập trung, xuyên suốt hơn 40 năm qua – ngay sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Có thể nói, không phải ngày một ngày hai mà Thành phố xóa được lớp học ca 3 ở ngoại thành. Cũng như xây dựng và đưa vào hoạt động các Trạm Y tế xã đạt chuẩn; rồi đường giao thông nông thôn, thủy lợi đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh; giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên 1 ha đất canh tác đến cuối năm 2014 đạt 325 triệu đồng/ha/năm; xây dựng nông thôn mới đến tháng 8/2015 đã đạt được các thành tựu cơ bản.
“Hoàn thành xây dựng Chương trình Nông thôn mới không chỉ dừng lại ở việc hoàn chỉnh 19 tiêu chí mà phải thường xuyên kiên trì, bền bỉ nâng cao chất lượng các tiêu chí; xây dựng nông thôn ngày càng phát triển mạnh mẽ, bền vững. Với tinh thần không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân và cư dân ở nông thôn Thành phố”, ông Võ Văn Thưởng - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, khẳng định.
(Ảnh minh họa: Vietpress)
Mặt khác, xây dựng nông thôn mới đặc thù TPHCM, một khu vực nông thôn vùng ven đô thị đặc biệt. Nét đặc thù chủ yếu ở đây là tốc độ đô thị hóa nhanh, quy mô dân số đông; trên địa bàn một xã xen lẫn nhiều khu dân cư đô thị và dân cư nông thôn; diện tích đất nông nghiệp có xu hướng ngày một giảm; định hướng cây trồng – vật nuôi phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị và tuổi bình quân lao động nông nghiệp ngày một già đi, trung bình trên 40 tuổi.
Ở chiều ngược lại là tiến trình công nghiệp hóa mạnh mẽ của thành phố, với sự hình thành và phát triển của các khu công nghiệp, hệ thống cảng, mạng lưới giao thông ở khu vực ngoại thành.
Ông Phan Thanh Huệ – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi – xã điểm đầu tiên đạt 19/19 tiêu chí của TP, chia sẻ: “Tất cả các công việc, hoạt động đều được đưa ra dân đóng góp. Cho nên khi đã nắm và hiểu được những chương trình như vậy thì người dân sẵn sàng tham gia, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới để đạt được kết quả như ngày hôm nay”.
Tuy vậy, dù đứng trước nhiều áp lực, dưới sự tập trung chỉ đạo chăm lo cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn của Thành ủy, UBND Thành phố – nông thôn TP dần thu hẹp. Tuy nhiên, trên thực tế đây là vùng dự trữ cho phát triển với các khu quy hoạch đất nông nghiệp, đất đô thị; là vùng đệm bảo vệ môi trường, phòng chống lụt bão, là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của Thành phố. Vì vậy, xây dựng nông thôn mới của TP phải đảm bảo mục tiêu đầu tiên và bao quát là: không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn - theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
“Huyện tiếp tục đầu tư xây dựng nhà thiếu nhi, triển khai các dự án trường học, cơ sở y tế nhằm đảm bảo đủ chỗ học, sinh hoạt thể chất vui chơi cho học sinh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trong đó, xây dựng mới các trạm y tế tại xã – thị trấn đạt chuẩn Quốc gia, nâng cấp mở rộng bệnh viện đa khoa Hóc Môn cùng với việc đầu tư trang thiết bị, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ y bác sỹ thực hiện công tác khám sức khỏe tốt nhất cho nhân dân”, ông Lê Tuấn Tài – Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết.
Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dần theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi; các hoạt động dịch vụ, ngành nghề nông thôn phát triển. Mở rộng diện tích sản xuất cây trồng, vật nuôi có hiệu quả cao, góp phần nâng giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác chưa đến 160 triệu/ha/năm năm 2010 lên 325 triệu đồng/ha/năm năm 2014, và ước giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác cuối năm 2015 là 375 triệu đồng/ha/năm. Từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung với các loại hình tổ chức sản xuất quy mô lớn, hiện đại.
Trong năm 2014, xuất khẩu được 451,4 tấn hạt giống cây trồng, 300.000 cành hoa lan, gần 16.000 con cá sấu, 11 triệu con cá cảnh và hơn 1.000 tấn rau các loại.
Ông Nguyễn Thành Tài – nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, cho rằng, Thành phố phải có kế hoạch chiến lược đối với những loại nông sản nào phù hợp với điều kiện đô thị TPHCM. Ví dụ như TPHCM sẽ phát huy thế mạnh về nghiên cứu cây trồng vật nuôi mới, có thể trở thành trung tâm giới thiệu về giống cây con mới cho cả phía Nam. Đồng thời TPHCM cũng có điều kiện liên kết với nước ngoài để định hướng cho người nông dân tập trung sản xuất cái gì.
Trên địa bàn các xã xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo có thu nhập bình quân từ 16 triệu đồng/người/năm - chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2014 - 2015 của Thành phố từ khoảng 11% đầu năm 2014 giảm xuống còn dưới 4% vào cuối năm 2014. Đối với 5 huyện ngoại thành đã giảm được gần 7% hộ nghèo so với đầu năm 2014, vượt chỉ tiêu kế hoạch là giảm từ 4-5% tỷ lệ hộ nghèo và Thành phố không còn hộ nghèo trong chuẩn nghèo quốc gia.
Đặc biệt, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp qua các năm. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2008 gần 16 triệu đồng, đạt 55% so với thu nhập khu vực thành thị; đến năm 2010 là 22 triệu đồng, đạt gần 67% so với thu nhập khu vực thành thị và đến năm 2014, thu nhập khu vực nông thôn trên 40 triệu đồng, đạt hơn 80% so với thu nhập khu vực thành thị. Qua đó, cho thấy thu nhập của người dân khu vực nông thôn từng bước được nâng lên rõ rệt.
“Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của khu vực nông thôn, trong đó tập trung ở những vùng còn khó khăn. Chúng ta phải tập trung để đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm, các loại tệ nạn xã hội ở trên địa bàn xã, ấp để người dân có cuộc sống an lành”, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh.
Xây dựng nông thôn mới là một tiến trình, theo hướng ngày một đi lên, phát triển liên tục. Xác định đạt tiêu chí không phải là kết quả cuối cùng, mà chỉ là đánh giá mức độ đạt được trong quá trình. Theo đó, những giá trị mang tính định lượng là thước đo để so sánh sự phát triển giữa các vùng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã