Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 36 về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả, bền vững Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phong trào này đã khởi sắc trở lại ở khắp các vùng miền của cả nước.
Trong cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2017 về Chương trình xây dựng nông thôn mới Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, so với đầu năm 2016 - khi xây dựng nông thôn mới có dấu hiệu chững lại thì sau đó tới nay, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 36 vào tháng 12.2016, xây dựng nông thôn mới có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Ngoài việc từng bước xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp lý cho Chương trình, Phó Thủ tướng cho biết thêm, nhiều địa phương đã xây dựng các mô hình nông thôn mới, giảm nghèo bền vững với các tiêu chí cao hơn tiêu chí của Trung ương công bố, nhất là Bộ NN - PTNT đang hướng tới xây dựng tiêu chí cho nông thôn mới kiểu mẫu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp sơ kết nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2017 của Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia |
Nhờ sự tích cực tuyên truyền của các cấp hội, phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Cả nước có 33 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 3 huyện so với cuối năm 2016 (phấn đấu đến hết 2017 tăng ít nhất 8 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2016). Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, đến nay Chương trình đã có sự chuyển biến rõ nét về chất lượng và đi vào chiều sâu. Cả nước đã có thêm 18 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 5 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo quy định tại Quyết định số 558/QĐ-TTg; đã có thêm 1.091 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 12,2% so với cuối năm 2015). Một trong những thành công của Chương trình là hầu hết các địa phương đã có nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo, tổ chức triển khai; bộ máy tham mưu giúp việc đồng bộ, thống nhất xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương; người dân và cộng đồng ngày càng hiểu rõ lợi ích và tích cực tham gia hơn vào xây dựng nông thôn mới.
Thành công trong cơ cấu lại nền nông nghiệp
Xác định phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn, nhiều Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp tỉnh đã phối hợp với Sở NN-PTNT, các đơn vị có liên quan, tham mưu cho Ban Chỉ đạo của tỉnh chỉ đạo thành công các mô hình về liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng, bước đầu đã đem lại hiệu quả. Điển hình là các chương trình như: Nông thôn mới gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, theo chuỗi liên kết (Hà Nam, Lâm Đồng); ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm, hiệu quả cao (Đồng Nai, Tây Ninh); mô hình nông thôn mới gắn với du lịch sinh thái (TX Đông Triều, Quảng Ninh; huyện Hoa Lư, Ninh Bình; huyện Phong Điền, Cần Thơ...).
Chương trình nông thôn mới cũng góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần người dân nông thôn. Nhiều hình thức văn hóa, văn nghệ dân gian được khôi phục (các chiếu chèo ở Thái Bình, các đội kèn đồng của huyện Hải Hậu, Nam Định, các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử ở ĐBSCL...); những lễ hội văn hóa lành mạnh như Lễ hội hoa tam giác mạch (Hà Giang), Lễ hội hoa ban (Điện Biên)... được hình thành và phát triển, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần thúc đẩy các mô hình xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng...
Bên cạnh đó, việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 được xác định là phù hợp hơn với điều kiện thực tế. Đến nay, có 19/63 tỉnh, thành phố chủ động ban hành Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới của địa phương để cụ thể hoá Bộ tiêu chí quốc gia. Nhiều huyện, xã bắt đầu thực hiện theo tiêu chí mới của giai đoạn 2016-2020.
Theo kế hoạch đến hết năm 2017, cả nước phấn đấu có ít nhất 31% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 5% so với năm 2016; có ít nhất 38 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng thêm ít nhất 8 huyện được công nhận đạt chuẩn trong năm 2017; số tiêu chí bình quân/xã cả nước tăng thêm tối thiểu 1 tiêu chí/xã so với năm 2016. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu là tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, tập trung ở những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn.
Chung tay vì người nghèo
Đánh giá sau một năm Quốc hội quyết định lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia chỉ còn 2 Chương trình là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, 2 Bộ khẳng định, việc lồng ghép đã giúp Chính phủ, các địa phương tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả, đưa Chương trình mục tiêu quốc gia đi đúng hướng. Đặc biệt, hệ thống gần 60 văn bản pháp lý được hoàn thiện cơ bản đầy đủ, làm cơ sở cho các địa phương triển khai từ nay tới năm 2020. Ngoài việc từng bước xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp lý cho Chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều địa phương đã xây dựng các mô hình nông thôn mới, giảm nghèo bền vững với các tiêu chí cao hơn tiêu chí của Trung ương công bố, hướng tới xây dựng tiêu chí cho nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới, kế hoạch năm 2017 nguồn vốn từ ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia là 15.231 tỷ đồng (vốn đầu tư là 11.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 4.231 tỷ đồng). Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 8.000 tỷ đồng và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 7.231 tỷ đồng.
Cho tới nay, hầu hết các địa phương đã hoàn thành việc phân bổ, giao vốn kế hoạch năm 2017 và đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Một số địa phương có kết quả giải ngân đạt cao như: Hưng Yên (84,9%), Hà Nam (79,6%), Bến Tre (54,9%)… Tuy nhiên, kết quả giải ngân nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên phạm vi cả nước đạt thấp, tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm mới đạt 13,09%, trong đó giải ngân thuộc lĩnh vực xây dựng nông thôn mới chỉ đạt 11%.
Để thực hiện hiệu quả hai Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2017, làm tiền đề cho tới năm 2020, phát biểu tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm mới đây của Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, địa phương hoàn thành tổ chức Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xuống tới cấp huyện trong năm nay và mỗi xã phải có cán bộ chuyên trách thực hiện chương trình. Bộ NN - PTNT chủ trì, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung Quyết định số 1600 về tiêu chí huyện nghèo, xác định đối tượng hỗ trợ là thôn, bản hay cấp xã từ nguồn 4.000 tỷ đồng tiền thưởng cho cơ sở có kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới.
Theo Anh Hiến/daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;