Học tập đạo đức HCM

Nông thôn mới trên vùng đất cách mạng Cam Đường

Chủ nhật - 31/08/2014 03:29
Đảng bộ và nhân dân xã Cam Đường, thành phố Lào Cai đã và đang quyết tâm dồn sức xây dựng vùng quê cách mạng năm xưa sớm trở thành xã điểm nông thôn mới.

 

Lòng dân mãi khắc ghi


Đảng bộ tỉnh Lào Cai hiện có hàng vạn đảng viên với gần 20 đảng bộ cơ sở và hàng trăm chi bộ, đảng bộ trực thuộc với bề dày thành tích đáng tự hào, nhưng không ai quên được chi bộ nông thôn đầu tiên được thành lập ngày 10/10/1948 tại thôn Soi Lần, xã Cam Đường chỉ có gần 10 đảng viên. Từ những hạt nhân quý này, tại đây đã thành lập một trung đội du kích, mỗi thôn có từ 1 đến 2 tiểu đội. Đầu tháng 12/1948 công tác chuẩn bị cho cuộc đấu tranh vũ trang của quần chúng đang được gấp rút tiến hành thì địch phát hiện cơ sở cách mạng non trẻ này và chúng tổ chức vây bắt cán bộ nhưng không thành, chúng liền bắt một số dân trong đó có đồng chí Hoàng Sào - dân tộc Tày là người địa phương.

 

Địch dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ mua chuộc và dùng nhiều cực hình tra tấn, nhưng đồng chí vẫn giữ vững một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng. Trước tình hình đó quân và dân Cam Đường đề nghị tỉnh cho địa phương thực hiện khởi nghĩa vũ trang toàn dân và đã đi đến thắng lợi, giải phóng Cam Đường.


Theo các nhà sử học, Khu căn cứ cách mạng Cam Đường ra đời trong thời kỳ hết sức khó khăn của cuộc kháng chiến chống Pháp giai đoạn (1948 - 1950). Trong những ngày tháng mới được thành lập chi bộ nông dân đầu tiên ở phía nam của tỉnh là khu Cam Đường, Tỉnh ủy Lào Cai đã giao cho chi bộ lãnh đạo nhân dân tiến hành nhiều hình thức đấu tranh phong phú, trong đó có phát động chiến tranh du kích giải phóng từng vùng. Hình thức đấu tranh kết hợp chính trị, đấu tranh vũ trang đã tạo ra một không khí cách mạng sôi động thu hút nhiều quần chúng đi theo cách mạng. Trong thời gian vừa xây dựng căn cứ, vừa vũ trang chiến đấu, quân và dân Khu căn cứ đã chủ động đánh hàng trăm trận, phá nhiều đồn bốt của địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, tiến tới giải phóng Lào Cai tháng 11/1950.


Hiện tại, ngoài những dấu tích, quang cảnh của khu di tích được ghi chép lại, Khu căn cứ Cam Đường còn được bà con nhân dân, UBND xã lưu giữ khá nhiều hiện vật liên quan đến sự kiện như nhà sàn - nơi thành lập chi bộ nông thôn đầu tiên; lán tập kết; cối giã thuốc súng; trống báo động và nhiều súng đạn; dao kiếm, mìn tự tạo của quân du kích Cam Đường. Hiện nay khu di tích cách mạng Cam Đường đã được tu bổ và xây dựng phòng trưng bày truyền thống gắn liền với tên gọi di tích để đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân, thiết thực làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau. Đồng thời sẽ là nơi thu hút đông đảo du khách thập phương từ mọi miền Tổ quốc tới tham quan.


Nông thôn mới Cam Đường đã hiện hữu


Đi trên con đường bê tông bằng phẳng, bên những cánh đồng lúa xanh mướt, nối liền 21 thôn bản, có lẽ những ai từ xa mới đến đây không thể ngờ rằng vùng đất Cam Đường thuộc 1 trong 17 xã, phường của thành phố Lào Cai này từng chịu sự chiếm đóng và bóc lột dã man của thực dân Pháp và bè lũ tay sai là những địa chủ, cai khai thác mỏ apatit cách đây 66 năm về trước.


Xã Cam Đường nằm ở phía nam thành phố Lào Cai, có diện tích tự nhiên 1.544 ha, từng có gần 800 ha đất nông nghiệp, nhưng do nhường đất mở đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai mà đất nông nghiệp nay chỉ còn lại trên 100 ha. Nông dân biến thành thị dân, Cam Đường đã có 30% dân số là con em của mình trực tiếp tham gia các doanh nghiệp khai thác mỏ, quản lý đường cao tốc và một phần đông được đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp sang làm các dịch vụ khác.

Có lẽ chẳng có địa phương nào mà cùng một lúc phải di chuyển 400 hộ trong một thời gian ngắn trước Tết để nhường đất cho xây dựng đường cao tốc, mà không đòi hỏi thêm bất cứ một yêu sách nào. Ông Mã Bạch Đằng ở thôn Vạch I, có nhà và diện tích đất vườn khoảng 4 ha, đang sản xuất phát triển, nhưng khi được Bí thư chi bộ báo, khu đất gia đình nằm trong quy hoạch đường cao tốc, ông Đằng và gia đình vui vẻ nhận đền bù về nơi tái định cư sớm nhất.


Ông Hà Bá Ngọc - Bí thư Đảng ủy xã Cam Đường cho biết: Đảng bộ xã Cam Đường luôn tự hào về truyền thống cách mạng của cha anh đi trước. Trong những năm qua Đảng bộ và nhân dân các dân tộc đã có nhiều cố gắng trong phát triển kinh tế xã hội, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội từng bước được xây dựng, đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thì địa phương phát triển chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của mình.


Tại Đại hội lần thứ 22 (2010 - 2015), Đảng bộ xã đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng Cam Đường thành một trong những xã điểm nông thôn mới của thành phố Lào Cai. Trong đó, chuyển hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa có năng suất chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao gắn với phát triển đô thị, dịch vụ.

Hết năm 2011, Cam Đường đã hoàn thành toàn bộ các quy hoạch hạ tầng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch trung tâm xã. Đây là cơ sở tốt để xây dựng hoàn chỉnh các công trình hạ tầng thiết yếu như: xây dựng trụ sở UBND, trạm y tế, nhà văn hóa xã...; nâng cấp và xây mới các tuyến kênh mương nội đồng; hoàn thành xây mới 2 trường mầm non và 1 phân hiệu tiểu học. Đến giữa năm 2014, Cam Đường đã đạt 70% trường và điểm trường đạt chuẩn, về trước kế hoạch 1 năm. Đến nay tất cả 21 thôn có nhà văn hóa, trong đó có 1 nhà văn hóa cộng đồng của dân tộc Tày bằng nguồn vốn xã hội hóa do các doanh nghiệp và nhân dân đóng góp xây dựng.


Trong sản xuất nông nghiệp, Cam Đường đã mạnh dạn mở rộng các mô hình thâm canh thủy sản trên cơ sở chuyển đổi diện tích đất ruộng sản xuất kém hiệu quả, kết hợp trồng rau an toàn, hoa cao cấp để tạo ra sản phẩm có giá trị cạnh tranh trên thị trường, nhờ đó đời sống thu nhập của bà con nông dân không ngừng được nâng cao với mức thu nhập bình quân 500 kg thóc/đầu người năm. Cả xã không còn hộ đói, số hộ nghèo không đáng kể.


Năm 2014, Cam Đường được Nhà nước đầu tư gần 100 tỷ đồng xây dựng quần thể khu trung tâm cụm xã cùng nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội khác. Đây sẽ là cú "hích" mạnh để bộ mặt nông thôn xã ven đô thật sự đổi thay, nhất là vùng đất cánh mạng thực sự thay da đổi thịt, xứng tầm xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã được Đảng và Nhà nước phong tặng.

 

Lục Văn Toán 
Nguồn baotintuc.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập210
  • Hôm nay27,635
  • Tháng hiện tại220,728
  • Tổng lượt truy cập92,598,392
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây