“Mình thích nghe chim hót lắm, ngày bé mình vẫn hay cùng lũ bạn đi bắt, bẫy chim về nuôi”, anh Hoàng Văn Công tâm sự. Nhưng mãi đến năm 2002, anh mới quyết định nuôi thử, để rồi sau đó trở thành ông chủ nuôi chim trời lớn nhất miền Bắc.
Chọn “nghiệp” nuôi chim
Dù khách quen hay lạ mỗi khi tới gặp anh, anh đều “lôi” ra ngay khu trang trại của mình, vừa làm việc vừa giải đáp thắc mắc cho mọi người, cũng là để đỡ… tốn thời gian bởi đối với anh Công thời gian lúc nào cũng là “vàng” đúng nghĩa của nó.
Theo lời kể của anh, chúng tôi được biết để có được thành quả như ngày hôm nay, Hoàng Văn Công (SN 1973) đã phải trải qua một con đường dài với nhiều cuộc đấu tranh tư tưởng quyết liệt. Ngày xưa, nhà Công nghèo lắm, nghèo nhất nhì cái thôn Bồ Nâu này, đến độ mới học hết lớp 2, khi con chữ còn chưa kịp “chui” hết vào đầu, anh đã phải bỏ học. Lớn lên, không học hành, không nghề nghiệp, anh đi làm phu hồ một thời gian dài, rồi “dạt” lên Hà Nội làm công việc vét bùn cho Công ty Môi trường đô thị.
Hơn 10 năm làm công việc nặng nhọc này đã giúp Công “được” đi khắp Hà Nội. Trong những năm tháng ấy, Công đặc biệt chú ý đến nghề đi bán chim trời rong của một số anh chàng ngoại tỉnh. Anh Công tâm sự: “Mình thích nghe chim hót lắm, ngày bé mình vẫn hay cùng lũ bạn đi bắt, bẫy chim về nuôi”. Đến năm 2002, anh quyết định về quê vay mượn tiền họ hàng để mua vài đôi cu gáy nuôi thử. Anh Công kể, khi nghe ý định của anh, rất ít người ủng hộ vì công việc của anh đang ổn định, nuôi chim không biết thế nào mà lần.
Lúc đầu anh chỉ dám nuôi thử loại chim cu gáy. Khi cặp chim đầu tiên ấp nở thành công đôi chim con, anh sướng như phát điên chạy khắp làng hét vang như đứa trẻ. Tiếp bước thành công, anh Công lại tìm mua những loại chim trời khác để nhân giống như cuốc, le le, công, trĩ, vịt trời... Tất cả cứ lần lượt thay nhau ra đời trong những chiếc lồng nuôi ở nhà anh. Lúc đầu chưa có tiền mua đất lập trang trại, anh Công cố gắng vừa làm, vừa thuyết phục bố mẹ cho nuôi chim trong vườn nhà. Vừa chăm chỉ, đam mê, lại có duyên nên việc chăn nuôi xuôi chèo mát mái, Công được tiếng mát tay trong việc nhân giống và tuyển cu gáy.
Tới năm 2005, anh đã luyện thành công một con chim cu gáy hót được 7 thứ tiếng (mà dân chơi chim cu gáy vẫn gọi là chuỗi gù 7 âm). Năm năm sau, khi đã tích cóp được một chút tiền, anh quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi khi mua khu đồng hoang, vốn là đầm lầy của thôn Bồ Nâu để cải tạo lập trang trại “cho “nó” chuyên nghiệp” - như lời anh nói.
Sau thời gian dài đầu tư công sức, khu trang trại của Hoàng Văn Công rộng gần 2ha nằm giữa cánh đồng thôn Bồ Nâu đã thành hình. Trong trang trại của anh lúc nào cũng nuôi khoảng 10 loại chim trời, gà rừng với số lượng cá thể lên đến hơn 1 vạn con. Anh khẳng định: “Cả về quy mô và số lượng, thì trang trại chim trời của mình là lớn nhất miền Bắc”. Tuy không nói chính xác giá trị cụ thể nhưng Công cho biết, trang trại của anh không dưới chục tỷ đồng. Tất cả những loại chim trời, vịt trời ở khu trang trại của anh đều có giá thành rất cao. Với những cặp chim cu gáy đẹp, tiếng gù hay giá có thể lên đến 20 triệu đồng. Còn những cặp bình thường cũng có giá 6-8 triệu đồng. Thịt vịt trời có giá bán lên đến 400.000-500.000 đồng/kg. Những cặp công, trĩ với màu sắc sặc sỡ cũng có giá cả chục triệu đồng. Anh hiện đang có trong tay tới 5.000 con bồ câu, 3.000 con chim cu gáy.
Mười hai năm gian khó
12 năm nuôi chim trời, giờ đây Hoàng Văn Công đã thành một tỷ phú, với khu trang trại có giá trị cả chục tỷ đồng. Không những thế, trang trại của anh còn trở thành khu bảo tồn các loài chim quý với nhiều giống độc, thậm chí là cả gà chín cựa huyền thoại.
“Tôi đã bật khóc khi thất bại trong những lần đầu lai tạo bồ câu Pháp và bồ câu Việt. Lúc đó cứ nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ thành công. Hay như lũ vịt trời, do chưa biết thuần hóa nên hàng chục con đã bay mất. Lũ gà chín cựa thì mãi cũng chỉ được 7, 8 cựa” - anh Công tâm sự. Theo anh Công: “Chim trời, vịt trời, gà rừng có cách sinh sản tự nhiên, nở cũng tự nhiên, ấp cũng theo tự nhiên vì vậy nuôi trong lồng chúng cuồng cánh, nhiều lúc giẫm đạp lên nhau mà chết. Chính vì thế không thể áp dụng cách ấp công nghiệp được, tất cả đều phải làm thủ công hết”. Đặc biệt, như giống cu gáy ta ấp tỷ lệ hỏng lên tới 50-60% nhưng anh đã thử nghiệm cách mượn cu gáy Pháp ấp và tỷ lệ thành công đã cao hơn nhiều…
Tuy nhiên, chuyện công việc chuyên môn mệt mỏi cũng không bằng việc đi lập trang trại và xin cấp phép. Cứ tưởng có tiền sẽ dễ dàng mua đất và được chính quyền địa phương tạo điều kiện, nhưng anh bảo thực tế không phải vậy. Vợ chồng anh đã phải rất nhiều lần thuyết phục, chứng minh với chính quyền địa phương để có được gần 2ha đồng hoang (vốn là khu đầm lầy). Anh Công kể khi ấy có rất nhiều người trong làng đố kỵ, nghi ngờ, thậm chí tìm cách phá hoại khi anh lập trang trại. Dã man nhất là nhiều thanh niên, thợ săn dùng súng hơi bắn chim trời của vợ chồng anh một cách không thương tiếc.
Hoàng Văn Công cho biết, việc lập trang trại và bảo vệ đàn chim của mình đã rất khó khăn, quá trình đi xin cơ quan chức năng cấp phép lại càng mệt mỏi, vất vả hơn. Trong suốt 2 năm 2011 - 2012, anh đã phải lặn lội tới Chi cục Kiểm lâm TP. Hà Nội hàng chục lần để xin cấp giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi sinh sản động vật hoang dã. Sau rất nhiều lần Chi cục Kiểm lâm xuống kiểm tra, đến tháng 2.2013, trang trại của anh mới được cấp phép.
Một vấn đề cực kỳ khó khăn nữa mà anh phải đối mặt đó là việc phòng dịch cho đàn chim trời lên đến hơn 1 vạn con, nhất là dịch cúm H5N1 hay H7N9. Vì thế, cứ hàng tuần anh Công và vợ lại dùng loại ống rửa xe máy để làm dụng cụ phun thuốc phòng dịch cho khắp cả khu trang trại. Anh giải thích: “Trang trại rộng lớn nên phải dùng loại ống này phun thuốc phòng dịch như mưa phùn khắp cả các chuồng, ao… thì mới đảm bảo được cho cả đàn chim trời”. Với số lượng chim khổng lồ, mỗi tháng anh phải bỏ ra 35-40 triệu đồng để lo “bữa ăn” cho lũ chim. Vì số người đi bắt châu chấu, cào cào ngày một ít dần nên cào cào, châu chấu thành “hàng hiếm” anh phải mua với giá 300.000 đồng/kg về cho chim ăn. Rồi thì dế cũng phải mua loại không bị phun thuốc chống ruồi. Rau, cỏ, bèo mỗi ngày vài tạ cũng đều phải chọn loại rau dại tự nhiên để không bị phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật….
Qua nhiều lần thất bại xen lẫn với thành công, anh đã đúc kết ra thành một tập sách ghi kỹ thuật nuôi các loại chim trời một cách quy củ, khoa học. Anh đã cho chúng tôi xem những trang giấy bí quyết ấy, và sẵn sàng chia sẻ nó với bất kỳ ai muốn làm giàu từ nuôi chim trời hoặc người có lòng đam mê tìm đến đây.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;