Việt Nam là một quốc gia có năng lực sản xuất rất lớn về nông nghiệp. Không ít sản phẩm nông nghiệp của nước ta đang chiếm vị trí hàng đầu thế giới về sản lượng và kim ngạch như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều… Các loại nông sản thiết yếu khác như rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống đều có thể được cung ứng với khối lượng lớn, chất lượng cao. Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, ngành nông nghiệp của nước ta luôn phải đối mặt với bài toán được mùa mất giá. Nông dân không thể vui khi được mùa, vì thường bị thương lái ép giá, khiến thu nhập không tăng thêm bao nhiêu, dù sản lượng thu hoạch tăng hơn hẳn.
Để giải quyết bài toán này, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng về nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp theo định hướng thị trường, tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp cũng đã ra đời. Nhưng so với trên 1.000 điểm bán lẻ hiện đại, hơn 9.000 chợ truyền thống và hơn 900.000 cửa hàng bán lẻ truyền thống đang hoạt động trên cả nước thì hệ thống phân phối và bán lẻ dành cho sản phẩm nông nghiệp mới chiếm tỷ lệ nhỏ.
Trong khi đó, theo Pgs Nguyễn Thường Lạng, Đại học Kinh tế quốc dân, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chính là nhu cầu thiết yếu và không thể thiếu của người tiêu dùng trong mọi hoàn cảnh. Bởi vậy, nếu gắn bán lẻ với việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sẽ giúp hệ thống này tồn tại trong thời gian dài, không cần lo sự thay đổi xu hướng tiêu dùng trong tương lai. Và theo tính toán, lợi nhuận thu được từ hệ thống phân phối và bán lẻ có thể đạt từ 20 - 30% , thậm chí có thể lên tới trên 50% giá trị sản phẩm. Do đó, doanh nghiệp cần có cái nhìn lâu dài và liên tục để nâng cao vai trò của bán lẻ trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Nhằm tăng cường vai trò thị trường bán lẻ trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trước hết, Nhà nước cần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng giữa các nhà bán lẻ, tạo điều kiện để làm thay đổi cơ bản hệ thống phân phối sản phẩm nông nghiệp. Cần quy hoạch hệ thống hạ tầng nông thôn gắn với hệ thống hạ tầng thương mại nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp. Khuyến khích cá nhân, tổ chức thành lập mạng lưới phân phối và bán lẻ mang tính quốc tế để phân phối và bán lẻ sản phẩm nông nghiệp ở nước ngoài, thay thế dần phân phối hàng qua trung gian nước ngoài, bị ép giá... Bên cạnh đó, coi trọng đào tạo đội ngũ nhân viên phân phối và lực lượng bán lẻ chuyên nghiệp, có kỹ năng thực hiện công việc hiệu quả, hiểu rõ tập quán sản xuất, vận chuyển, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Ngoài ra, cần quan tâm phát triển hình thức bán lẻ hiện đại tại vùng nông thôn ngoại thành, ngoại thị; thành lập các bách hóa, cửa hàng tự chọn tại thị trấn, thị xã của các tỉnh đồng bằng, ven biển. Thêm vào đó, hình thành khu vực bán lẻ tập trung với nhiều loại hình đa dạng, kết hợp giữa phát triển các điểm bán lẻ với thu mua nông sản. Điều này sẽ giúp tránh được tình trạng mất cân đối thị trường như hiện nay, khi siêu thị tập trung cao tại các thành phố lớn, nhưng lại thưa thớt ở khu vực nông thôn.
Theo daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;