Ông Nguyễn Văn Hùng (giữa, đeo cà vạt đỏ) cùng TBT Nguyễn Phú Trọng thăm di tích thành cổ Quảng Trị |
Thưa ông, để làm sáng tỏ những phát triển mạnh mẽ, tươi đẹp của Quảng Trị mấy năm nay như lời nhận xét của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm giữa năm 2017, xin ông cho biết những điểm nhấn, điểm mới của tỉnh Quảng Trị là gì?
Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ 16 (2015 - 2020), Ban Thường vụ đã nghiêm túc nhìn nhận, định vị lại vị trí Quảng Trị trong mối quan hệ với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước. Nhận diện rõ hơn tiềm năng nổi trội khác biệt cũng như những khó khăn, thách thức. Mạnh dạn chỉ ra những hạn chế, yếu kém thực tại các mặt của địa phương. Từ đó xác định mục tiêu và định hướng phát triển, đề ra những nội dung công việc, đầu việc trọng tâm, cụ thể để tập trung chỉ đạo thực hiện với nhiều biện pháp, giải pháp căn cơ trong các năm tiếp theo của cả nhiệm kỳ.
Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Trị đã mở ra nhiều hướng đi mới, biến khó khăn thành lợi thế để phát triển kinh tế với những triển vọng như phát triển công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, dệt may… Xưa nay ai cũng nói gió Lào, cát trắng, nắng vàng ở Quảng Trị là khắc nghiệt, nhưng Quảng Trị không chịu khoanh tay ngồi nhìn. Sau bao lần phân tích lợi thế, chúng tôi quyết định kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư phát triển điện gió.
Đến nay, Quảng Trị đã có 4 dự án điện gió với tổng mức đầu tư 5.365 tỉ đồng. Bộ Công thương đã có Quyết định phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Quảng Trị giai đoạn đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, Quảng Trị có 3 vùng quy hoạch điện gió với diện tích 6.707ha. Nếu đến năm 2025, tổng sản lượng điện gió đạt 5.000MW thì mỗi năm riêng điện gió sẽ mang về cho ngân sách của Quảng Trị thêm 5.000 tỷ đồng. Còn Khu kinh tế Đông Nam mặc dù mới khởi động nhưng có hai doanh nghiệp đã nộp ngân sách được hơn 300 tỷ đồng trong năm 2017.
Đặc biệt, Quảng Trị rất chú trọng phát triển kinh tế biển. Con cá, con mực là tài nguyên quý giá đóng góp một phần quan trọng vào nguồn lực kinh tế. Quảng Trị có đường bờ biển dài hơn 75km, có đảo Cồn Cỏ, đặc sản cá, tôm ngon nổi tiếng. Trong năm 2017, lần đầu tiên của Việt Nam có ngư dân Lê Văn Tuấn ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đánh trúng mẻ cá thu bè nặng 160 tấn, bán với giá 6 tỷ đồng. Được kết quả này do ngư dân mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị thăm dò cá hiện đại phục vụ đánh bắt gắn với bảo vệ biển đảo quê hương. Con cá, con mực và biển Đông là của chúng ta, phải biết khai thác, giữ gìn để còn mãi cho muôn đời sau.
Trong nông nghiệp, ngoài việc tăng diện tích trồng lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao thì gạo sạch Triệu Phong vừa được giải nhất về công nghệ phù hợp thân thiện với môi trường tại hội nghị quốc tế ở Seoul, Hàn Quốc. Với lâm nghiệp chiếm tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế thì Quảng Trị đã tái cơ cấu nội ngành lâm nghiệp một cách quyết liệt. Nhờ thay đổi về tổ chức sản xuất từ nhỏ lẻ sang liên kết phát triển trồng rừng FSC có giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần trồng rừng bình thường. Với hai nhà máy chế biến gỗ rừng trồng có quy mô, năng suất lớn, sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu đã giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Năm 2017, tỉnh Quảng Trị có 22/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tăng trưởng kinh tế tăng 7,02% so với năm 2016. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng /năm, tăng 7,8% so với năm 2016. Đến cuối năm 2017 có thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 40 xã (kế hoạch là 37 xã).
Tuy nhiên, Quảng Trị có hơn 70 % dân số sống ở nông thôn, kinh tế nông nghiệp vẫn chiếm thế chủ đạo, thưa ông?
Vì vậy, Tỉnh ủy - HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững và thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới một cách căn bản, toàn diện. Đặc biệt chú trọng vai trò của các cơ quan nhà nước với các vấn đề xuyên suốt vượt ra ngoài khuôn khổ nông nghiệp truyền thống, để tăng kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân nhiều hơn bằng chính sách và công cụ mà chỉ Nhà nước mới có. Để người nông dân và doanh nghiệp tự tin trong bước chuyển đổi từ sản xuất ra nhiều nông sản, sang làm ra nhiều giá trị gia tăng từ nông sản và nâng cao thu nhập từ kinh doanh trong nông nghiệp, chúng tôi luôn xác định ngành nông nghiệp trong bước chuyển đổi không chỉ đơn thuần là một ngành sản xuất vật chất, nó cần được nhìn nhận là một ngành kinh doanh nông nghiệp mà nhu cầu của thị trường là mệnh lệnh cho SXNN.
Quảng Trị đã xác định bộ sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh là “sáu cây, hai con” cho giai đoạn 2017 - 2010 có định hướng đến 2025, gồm hồ tiêu, cà phê chè, cao su, gỗ nguyên liệu, cây dược liệu, cây lúa và con bò, con tôm.
Trong phát triển cây trồng, con nuôi, tỉnh chủ trương khuyến khích doanh nghiệp ngoại hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật cho doanh nghiệp nội. Lãnh đạo tỉnh đã đặt hàng các các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản và các doanh nghiệp trong nước khi đến đầu tư tại tỉnh. Triển khai các mô hình trồng rau công nghệ cao, rau hữu cơ, lúa hữu cơ, tiêu hữu cơ, cây ăn quả hữu cơ, gạo sạch Triệu Phong tại Khe Sanh, Lao Bảo, Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh theo hướng dẫn dắt nông dân và liên kết để tạo chuỗi giá trị. Phải đi lên từ lợi thế cạnh tranh của mình đang có là tài nguyên đất đai. Thực hiện chủ trương người dân góp đất, liên doanh, liên kết sản xuất với doanh nghiệp.
Ông là lãnh đạo rất quan tâm đến nông nghiệp, từng mang hồ tiêu và gạo sang Mỹ để quảng bá sản phẩm. Vậy để phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, theo ông tỉnh Quảng Trị cần nhấn mạnh đến yếu tố nào ?
Đó là phát triển phải chú ý đến yếu tố bền vững dựa trên hai trụ cột: Cội nguồn truyền thống văn hóa và kinh tế nông nghiệp - môi trường. Tập trung phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế. Chính phủ cũng đã khuyến khích tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững.
Ông Nguyễn Văn Hùng vận động người dân trồng rau sạch để đáp ứng yêu cầu thị trường |
Bác Hồ đã từng căn dặn việc gì chưa biết thì phải học dân, hỏi dân. Vì vậy chúng tôi luôn trăn trở, thời gian qua người nông dân đã được giúp những gì? Bà con cần giúp gì để phát triển hơn nữa? Câu hỏi đó luôn nhắc tôi và nhiều đồng chí lãnh đạo khác trong tỉnh luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân để hiểu dân cần điều gì nhất và câu trả lời cho thời gian tới là: Đầu tư, phát triển hơn nữa để tri ân nông dân. Chúng ta đang đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư xuất hiện những robot với chi phí làm việc mỗi giờ thấp hơn 1/3 so với giá nhân công hiện tại. Điều này sẽ khiến đô thị hóa và việc kéo người lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp trong tương lai gặp rất nhiều khó khăn. Trong lúc du lịch và nông nghiệp là hai lợi thế không thể bàn cãi của Quảng Trị nên phải đầu tư mạnh hơn nữa cho du lịch và nông nghiệp.
Khi nông nghiệp hướng đến chế biến sâu sau thu hoạch và chuỗi giá giá trị cao thì phải coi đất đai là một yếu tố đầu vào của sản xuất. Cần xây dựng ngân hàng đất đai để phát triển nông nghiệp. Muốn vậy thì Quảng Trị phải tiếp tục dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất. Việc xây dựng ngân hàng đất đai là thiết lập cơ chế tạo quỹ đất cho phát triển nông nghiệp tập trung, quy mô lớn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;