Ông Chủ tịch xã trẻ, thạc sỹ kinh tế Trần Phi Long khi 30 tuổi giữ chức Phó chánh Văn phòng Thành ủy Uông Bí (Quảng Ninh). 34 tuổi, Trần Phi Long được bầu vào cấp ủy của TP Uông Bí và được tăng cường về làm Phó Bí thư - Chủ tịch UBND xã Điền Công. Đây là cơ hội để ông Chủ tịch xã trẻ tuổi cống hiến và thực hiện nhiều giấc mơ, hoài bão của mình trong việc xây dựng quê hương Điền Công.
Điền Công cách xa trung tâm TP Uông Bí, là một xã khó khăn. Có thời Điền Công là 1 trong 31 xã nghèo nhất tỉnh Quảng Ninh. Qua nhiều kỳ đại hội Đảng, nhiều khóa HĐND, nhiều đời Bí thư, nhiều đời Chủ tịch, mỗi người đổ một lượng mồ hôi, một nguồn trí tuệ để Điền Công thay da đổi thịt từng ngày.
Nhưng dấu ấn đậm nét, nổi bật nhất trong thời gian Trần Phi Long đảm nhiệm chức danh “xã trưởng”, là cùng tập thể Đảng ủy xã đoàn kết lãnh đạo 15 dòng họ với 474 hộ, 1.928 nhân khẩu phát huy truyền thống quật cường của cha ông trong sự nghiệp chế ngự thiên nhiên, đánh giặc ngoại xâm, xây dựng Điền Công thành điểm sáng NTM của tỉnh Quảng Ninh và của cả nước.
Người dân hiến đất tham gia xây dựng NTM
Không thuộc diện được đầu tư, nhưng ngay sau khi nhận được sự chỉ đạo của TP Uông Bí về việc thực hiện Nghị Quyết số 01/NQ-TU, ngày 27/10/2010 của Tỉnh ủy về Chương trình xây dựng NTM, Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ xã đã nghiên cứu kỹ từng tiêu chí, phát động trong toàn dân phát huy truyền thống của quê hương.
Đến năm 2012, xã Điền Công gióng trống công bố xã hoàn thành 19/19 tiêu chí của Chương trình, trở thành xã về đích trước 3 năm theo kế hoạch của tỉnh.
Điều tự hào mà không tự kiêu của xã Điền Công, của ông Chủ tịch trẻ là Điền Công đi lên bằng chính nội lực của mình. Trước hết là bằng ý chí, sự quyết tâm của Đảng bộ, của toàn dân.
Trung tuần tháng 6/2013, xã Điền Công được tỉnh chọn làm mô hình mẫu để giới thiệu với đại biểu của hơn 20 tỉnh thành trong cả nước đến trao đổi và học hỏi kinh nghiệm. Nhiều vị đại đại biểu phải ngả mũ bái phục, bởi Điền Công không có điều kiện thuận lợi như nhiều địa phương khác trong cả nước. Điền Công đi lên từ đầm lầy, từ vùng nước lợ, và hơn hết, từ chính sự nỗ lực của toàn dân.
Chủ tịch xã Trần Phi Long cho biết, mặc dù xã không thuộc diện được Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng NTM, nhưng Đảng ủy, UBND đã quán triệt tới từng cán bộ, đảng viên, từng hộ dân về chủ trương xây dựng NTM.
Xã thành lập Ban chỉ đạo do Chủ tịch xã làm Trưởng ban, Chủ tịch MTTQ làm Phó ban; trưởng các đơn vị, trưởng các thôn, trưởng các dòng họ... làm ủy viên để tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, Nhà nước, phổ biến nội dung, tổ chức cho các hộ dân ký cam kết. Lập tiến độ cụ thể thực hiện từng tiêu chí. Hằng tuần, hằng tháng kiểm điểm những việc đã làm được, những khó khăn, vướng mắc.
Kiên trì, cụ thể, cầm tay, chỉ việc..., cứ thế sau mỗi ngày, hình hài của NTM ở xã Điền Công hiện dần. Cụ thể mà người dân nào cũng nhận ra, đó là thu nhập của họ được cải thiện rõ rệt, bình quân đạt 20,3 triệu đồng/người/năm. Con số mà trước đó vài năm còn là trong mơ.
Từ xã nghèo nhất trong 31 xã nghèo của tỉnh, đến nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,7%, một tốc độ giảm nghèo phi mã. Các công trình điện - đường - trường - trạm - nhà ở của dân đều được quy hoạch, cải tạo, nâng cấp, xây mới đạt chuẩn theo quy định.
Nhờ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân theo phương châm: Dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ, cùng sự chung tay góp sức của các DN, lực lượng vũ trang, nhà hảo tâm..., trong 2 năm xã Điền Công đã huy động được hơn 132 tỷ đồng cho Chương trình xây dựng NTM. Với thế mạnh là nuôi trồng thủy sản, xã đã thành lập tổ HTX dịch vụ và đã hình thành 19 gia trại, 3 trang trại, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Nhận biết đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu của Điền Công không thuận lợi cho trồng lúa, xã quyết định chuyển 10 ha lúa sang trồng dưa cho năng suất cao, thu nhập từ 100-120 triệu đồng/ha. Các loại cây trồng hiệu quả kinh tế cao khác cũng được đưa vào thử nghiệm và trồng đại trà.
Nếu trước đây xã Điền Công chỉ có 500 m đường bê tông ở trung tâm xã, thì nay Điền Công đã tạo nên hệ thống giao thông liên xã, liên thôn, liên ngõ, xóm với tổng chiều dài gần 22 km, tất cả đều bê tông hóa, rộng theo tiêu chuẩn.
Đặc biệt con đường bê tông dài trên 5,5 km, rộng 5,5 m nối từ đường 18A về trung tâm xã, với kinh phí 16 tỷ đồng do ngân sách TP đầu tư đã góp phần kéo Điền Công, một xã giữa mênh mông sông nước gần lại với đô thị.
Anh cán bộ địa chính tên Hùng được TP Uông Bí tăng cường cho xã bảo với chúng tôi, trước đây đường chưa được bê tông thì đi lại khó khăn lắm. Trời mưa là phải ngủ lại văn phòng, nay xe máy chỉ chạy từ 7-10 phút là về đến trung tâm thành phố.
Đến năm 2012 xã Điền Công cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, ngoài 3 tỷ đồng được UBND tỉnh thưởng do xã “Tự lực vươn lên”, UBND tỉnh còn tặng cờ “Đơn vị có phong trào thi đua xây dựng NTM 2 năm (2011-2012); được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen xã có thành tích xuất sắc trong 5 năm (2009-2012) về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;