Cụ thể, kim ngạch XK tôm trong tháng 3 đạt 279 triệu USD, tổng XK 3 tháng đạt trên 719 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ. Những tháng đầu năm, thời tiết thuận lợi, người nuôi tôm thu được sản lượng cao, bên cạnh đó nhu cầu thị trường vẫn cao hỗ trợ cho sản xuất và XK tôm.
XK cá tra trong tháng 3 ước đạt 165 triệu USD, nâng tổng kim ngạch XK 3 tháng đầu năm ước đạt gần 430 triệu USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ. Sản lượng và giá cá tra tăng là nguyên nhân khiến XK cá tra duy trì tăng trưởng ổn định trong những tháng đầu năm. Trong quý đầu tiên của năm, kim ngạch XK cá tra sang Trung Quốc tăng 42% và thị trường này đã vượt Mỹ trở thành nhà NK cá tra lớn nhất của Việt Nam.
XK các mặt hàng hải sản cũng tăng khả quan, trừ nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm 10%. Trong đó, XK cá ngừ tăng 22% đạt 148 triệu USD trong quý I; XK mực, bạch tuộc tăng hơn 19% đạt 157 triệu USD. XK các loại cá biển khác cũng tăng trên 19%, đạt gần 310 triệu USD.
Hiện nay, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam, chiếm khoảng trên 50% tổng giá trị XK thủy sản.
Kim ngạch XK thủy sản thời gian tới dự kiến sẽ còn gặp nhiều khó khăn bởi thuế chống bán phá giá (CBPG) tôm, cá tra tại các thị trường truyền thống như EU, Hoa Kỳ đang ở mức cao. Bên cạnh đó, chương trình thanh tra cá da trơn và thẻ vàng EU cho hải sản Việt Nam có thể vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến XK thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới.
Theo VASEP, bên cạnh sự trợ giúp của Chính phủ, các doanh nghiệp ngành thủy sản cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc tập trung vào 3 vấn đề căn bản. Thứ nhất, vấn đề an toàn hóa chất, kháng sinh phải được quan tâm tối đa để duy trì hình ảnh và bảo đảm khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Thứ hai, hoạt động truy xuất nguồn gốc cần phải được tiến hành sớm để theo kịp tốc độ phát triển cũng như đòi hỏi của các thị trường nhập khẩu. Quan trọng hơn hết là phải có một hệ thống dữ liệu có khả năng truy xuất tốt nhất để đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu tạo ra được điểm khác biệt. Thứ ba, tập trung cải tiến và đưa công nghệ vào chế biến làm tăng thêm tỷ trọng giá trị gia tăng để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh.