Theo đó, NHNN sẽ kiểm soát trực tiếp tổ chức tín dụng nào nào có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật dẫn đến nguy cơ mất an toàn hoạt động.
Căn cứ vào thực trạng tài chính, mức độ rủi ro và vi phạm pháp luật của TCTD, NHNN sẽ quyết định đặt TCTD vào tình trạng kiểm soát đặc biệt dưới hình thức giám sát đặc biệt hay kiểm soát toàn diện .
Giám sát đặc biệt là hình thức kiểm soát đặc biệt được thực hiện qua việc NHNN áp dụng các biện pháp giám sát hoạt động hàng ngày của TCTD. Kiểm soát toàn diện là hình thức kiểm soát đặc biệt được thực hiện qua việc NHNN áp dụng các biện pháp kiểm soát trực tiếp, toàn diện hoạt động hàng ngày của TCTD.
Căn cứ vào kết quả thanh tra, giám sát của NHNN và đề nghị của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nơi TCTD đặt trụ sở chính hoặc Ban kiểm soát đặc biệt, Thống đốc NHNN sẽ quyết định về việc đặt TCTD vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, quyết định thời hạn, gia hạn thời hạn, chấm dứt kiểm soát đặc biệt, nội dung kiểm soát đặc biệt, nội dung kiểm soát toàn diện. Đồng thời, Thống đốc NHNN sẽ Quyết định thành lập Ban kiểm soát đặc biệt…
Trong trường hợp TCTD bị đặt trong diện kiểm soát đặc biệt, Thống đốc NHNN có thẩm quyền quyền yêu cầu chủ sở hữu TCTD đó thực hiện tăng vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn vốn pháp định, đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động trong một thời hạn được xác định cụ thể; hoặc yêu cầu chủ sở hữu TCTD bị kiểm soát đặc biệt xây dựng, trình NHNN kế hoạch tái cơ cấu hoặc bắt buộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại với các TCTD khác trong trường hợp TCTD đó không có khả năng hoặc không thể tăng được vốn điều lệ theo yêu cầu của NHNN.
NHNN có quyền trực tiếp thực hiện hoặc chỉ định TCTD khác thực hiện việc tham gia góp vốn, mua cổ phần của TCTD được kiểm soát đặc biệt trong trường hợp TCTD không thể thực hiện được yêu cầu tăng vốn điều lệ và không bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động hoặc khi NHNN xác định số lỗ lũy kế của TCTD đã vượt quá giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của TCTD được kiểm soát đặc biệt ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất và việc chấm dứt hoạt động của TCTD được kiểm soát đặc biệt có thể gây mất an toàn hệ thống TCTD.
Quyết định kiểm soát đặc biệt sẽ được thông báo tới Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên của TCTD được kiểm soát đặc biệt. Thông tin về việc kiểm soát đặc biệt được Thống đốc NHNN quyết định công bố thông qua một hoặc một số hình thức: Đăng tải trên báo, qua họp báo; qua website của TCTD hoặc Trang tin điện tử của NHNN, công bố tại Đại hội đồng cổ đông của TCTD đó; trường hợp Quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt do Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố quyết định công bố thông tin.Việc công bố thông tin về việc kiểm soát đặc biệt với TCTD là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai xử lý các yếu kém của TCTD đó.
Thống đốc NHNH quyết định thành phần, số lượng và cơ cấu Ban kiểm soát đặc biệt phù hợp với hình thức kiểm soát đặc biệt. Trong đó, thành viên của Ban kiểm soát đặc biệt là cán bộ của NHNN, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, các chuyên gia ngân hàng, cán bộ của TCTD do NHNN trưng tập. Trưởng Ban kiểm soát là cán bộ lãnh đạo cấp Vụ hoặc các chức danh tương đương của NHNN, thành viên Ban kiểm soát đặc biệt không được là người có liên quan với thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc và cổ đông lớn của TCTD bị kiểm soát đặc biệt.
Ban kiểm soát đặc biệt có nhiệm vụ chỉ đạo TCTD được kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án củng cố tổ chức và hoạt động; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai các nội dung giám sát đặc biệt, nội dung kiểm soát toàn diện và các giải pháp được nêu trong phương án đã được duyệt. Ban kiểm soát đặc biệt có quyền yêu cầu TCTD kiểm kê toàn bộ tài sản hiện có hoặc thuê tổ chức kiểm toán độc lập, cơ quan chuyên môn đánh giá thực trạng tài chính, định giá tài sản và xác định giá trị doanh nghiệp của TCTD được kiểm soát đặc biệt. Ban Kiểm soát có trách nhiệm xây dựng, trình Thống đốc NHNN phê duyệt phương án tham gia góp vốn, mua cổ phần của TCTD bị kiểm soát đặc biệt. Đồng thời, Ban kiểm soát đặc biệt cũng có quyền yêu cầu TCTD mời hoặc trực tiếp mời các khách nợ, chủ nợ đến đối chiếu công nợ với TCTD bị kiểm soát đặc biệt để xác định khả năng thu nợ, trả nợ.
Thời hạn kiểm soát đặc biệt sẽ do Thống đốc quy định trong Quyết định kiểm soát đặc biệt. Quyết định gia hạn hay chấm dứt kiểm soát đặc biệt sẽ được thông báo tới các cơ quan và tổ chức như khi công bố quyết định kiểm soát đặc biệt. Việc gia hạn thời hạn kiểm soát đặc biệt được áp dụng với các TCTD có triển vọng hoạt động bình thường hoặc có thêm thời gian để tiến hành các thủ tục sáp nhập, hợp nhất, mua lại.
TCTD được chấm dứt kiểm soát đặc biệt trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 152 của Luật các TCTD. Khi TCTD được NHNN chấm dứt kiểm soát đặc biệt do không khôi phục được khả năng thanh toán, NHNN sẽ gửi văn bản tới Tòa án về việc chấm dứt áp dụng các biện pháp phục hồi thanh toán và yêu cầu TCTD đó làm đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
Khi có nguy cơ hoặc đã lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán, Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên), hoặc Tổng giám đốc của TCTD có trách nhiệm phải báo cáo ngay Thống đốc NHNN (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) và Giám đốc NHNN chi nhánh nơi đặt trụ sở chính.
Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc và cán bộ TCTD được kiểm soát đặc biệt, TCTD có trách nhiệm chấp hành nghiêm túc các quyết định, chỉ đạo của NHNN và Ban kiểm soát đặc biệt; xây dựng phương án củng cố tổ chức và hoạt động theo yêu cầu của Ban kiểm soát đặc biệt. Thực hiện quản trị, kiểm soát và điều hành mọi mặt hoạt động và bảo đảm an toàn tài sản của TCTD theo Điều lệ, quy định của pháp luật…
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 27/4/2013./.