Hơn chục ki lô mét các trục đường chính khang trang, sạch đẹp trong mỗi xóm làng ở xã Hải Quang, huyện Hải Hậu (Nam Định) mới đây đã được bà con trồng hoa dọc hai bên đường.
Mặc dù bận rộn việc đồng áng, bán buôn, nhưng người dân trong xã, nhất là các bà, các mẹ, các em trong Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cũng không quên chăm sóc để những “thảm hoa” mười giờ, hoa sao, cỏ lạc tiên rực rỡ sắc màu, khiến những ngày cuối năm này, mỗi người con xa quê trở về lòng không khỏi xốn xang với cảnh sắc và diện mạo mới của quê hương.
Về đích nông thôn mới cách đây 2 năm, đến nay, xã Hải Quang của huyện nông thôn mới Hải Hậu ngày thêm khởi sắc.
Ngoài việc tạo cảnh quan, môi trường sạch đẹp, xã còn tích cực vận động bà con chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, nuôi trồng thủy sản... cho hiệu quả kinh tế cao.
Hải Quang đã không ngừng bổ sung và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, sẵn sàng cho giai đoạn 2 (2016-2020) của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng - Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, kết quả nổi bật và dễ nhận thấy nhất của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua là bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt; trong đó, cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn... phát triển vượt bậc.
Bước sang giai đoạn 2 (2016 - 2020) Chương trình sẽ tập trung ưu tiên cho các nhóm theo chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và nhóm xã đặc biệt khó khăn.
Theo ông Tiến, nhiều địa phương đã tìm ra những mô hình nông thôn mới mang tính đặc trưng riêng như: Mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu (Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hậu Giang); Mô hình nông thôn mới gắn với du lịch sinh thái, du lịch biển (Thị xã Đông Triều- Quảng Ninh; huyện Hoa Lư- Ninh Bình; huyện đảo Phú Quốc- Kiên Giang; huyện Trảng Bom- Đồng Nai...), nông thôn mới gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, theo chuỗi liên kết (Hà Nam, Lâm Đồng).
Đáng chú ý, phong trào "Mỗi xã một sản phẩm" của tỉnh Quảng Ninh đã bắt đầu phát huy hiệu quả, bước đầu thành công là kinh nghiệm tốt để các địa phương khác học tập, nhân rộng.
Bên cạnh đó, một số địa phương đã chủ động ban hành kế hoạch và tiêu chí nâng chất đối với các xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới như Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Lâm Đồng...
Cũng theo ông Nguyễn Minh Tiến, theo bộ tiêu chí mới xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 thì đã có nhiều thay đổi căn bản.
Đặc biệt là việc giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố ban hành quy định về tiêu chuẩn tại địa phương.
Việc này khắc phục được tình trạng bộ áp dụng các tiêu chí cũ không phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương như giai đoạn trước.
Đồng thời, bộ tiêu chí mới cũng bổ sung nhiều chỉ tiêu hơn, phản ánh chất lượng cuộc sống của người dân.
Qua đó, khẳng định từng nội dung của các chỉ tiêu, không cào bằng như bộ tiêu chí cũ.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong năm 2017 là tập trung xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn do đó đòi hỏi Văn phòng điều phối cần tập trung tối đa nguồn lực để triển khai tốt.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, nhiệm vụ quan trọng nữa là tham mưu cho Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện giám sát các chương trình đã triển khai trong giai đoạn 2 của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, phối hợp với địa phương giám sát việc thực hiện. Bên cạnh đó, cần xây dựng được hệ thống thông tin hai chiều từ Trung ương tới cơ sở; đồng thời xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở. Từ đó, giải quyết các vấn đề vướng mắc một cách chính xác, hiệu quả.
Ngoài ra, tập trung xây dựng nông thôn mới phải gắn với tái cơ cấu nông nghiệp.
Tham mưu cho Ban chỉ đạo Trung ương làm sao để xây dựng được một chương trình điểm có thể áp dụng cho cả nước giống như mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” tại Quảng Ninh đang triển khai rất hiệu quả.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Tiến, năm 2017, Chương trình sẽ tập trung đẩy mạnh thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu như Bình Dương, Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội...; trong đó, tập trung vào các tiêu chí khó như môi trường, văn hóa...
Đây là các tiêu chí mềm rất khó thực hiện nên cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương nhằm hướng tới mục tiêu một nông thôn mới bình yên, văn hóa mới, có bản sắc dân tộc...
Tuy nhiên, ông Tiến cũng lo ngại về tiêu chí về môi trường, bởi đây là tiêu chí rất khó đạt.
Hiện nay, tình trạng nước thải tại các khu công nghiệp, làng nghề đều có vấn đề.
Do đó, điều quan trọng nhất chính là ý thức của người dân, cần thay đổi được ý thức mới có thể đạt được tiêu chí này.
Bên cạnh đó, Chương trình cũng ưu tiên cho các nhóm theo chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và nhóm xã đặc biệt khó khăn nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các xã đạt chuẩn và các xã ít được quan tâm đầu tư như giai đoạn trước.
Đối với các xã đặc biệt khó khăn cần tập trung hỗ trợ nguồn lực để cải thiện được cơ sở hạ tầng thiết yếu; tránh tình trạng đầu tư dàn trải như trước đây sẽ gây khó khăn cho nhiều địa phương.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thời gian tới, cần phải tập trung vào Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Mục tiêu cao nhất là thúc đẩy sản xuất thông qua tái cơ cấu nông nghiệp để khu vực sản xuất nông nghiệp tăng trưởng nhanh, bền vững nhằm đem lại đời sống cao hơn cho bà con khu vực nông thôn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh, cần tập trung nhiều hơn vào giải pháp môi trường, bởi cho tới nay trong quá trình phát triển do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan thì vấn đề môi trường ở Việt Nam nói chung kể cả môi trường tự nhiên, môi trường thuỷ vực, sản xuất, đời sống... đều ô nhiễm, cá biệt mức độ ô nhiễm ở nhiều vùng ngày càng trầm trọng.
Đây là mục tiêu cốt lõi mà cả Chương trình cần phải tập trung trong thời gian tới.
Đồng thời, tập trung phát triển chăm lo đời sống tinh thần, đặc biệt là an ninh của khu vực nông thôn.
Bởi thời gian gần đây cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội thì có một vấn đề là an ninh nông thôn chưa được tốt.
Bên cạnh đó, nét đẹp văn hoá cổ truyền, đặc thù dân tộc cần phải giữ gìn, duy trì, mở rộng để không chỉ vùng nông thôn phấn đấu mục tiêu về vật chất mà nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần cũng phải được hết sức chú ý.
Ông Nguyễn Minh Tiến cho biết, sau 6 năm triển khai thực hiện, đến nay nông thôn mới đã thành hiện thực.
Hiện cả nước đã có 2.235 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu có 25% số xã đạt chuẩn năm 2016; còn 261 xã dưới 5 tiêu chí.
Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của cả nước là 13,45 tiêu chí/xã. Cả nước cũng đã có 30 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo báo cáo của các địa phương, năm 2016, cả nước huy động được khoảng 332.475 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương là 7.374 tỷ đồng, ngân sách địa phương 23.193 tỷ đồng và các nguồn vốn huy động khác.
Trong năm 2016, tình trạng nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới đã cơ bản giải được giải quyết và không phát sinh nợ mới./.
Tác giả bài viết: Thành Trung
Nguồn tin: vnanet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;